29/11/2017 10:41
Phản ứng của quốc tế trước vụ Triều Tiên phóng tên lửa sáng nay
Ngay sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo rạng sáng 29/11, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông báo sẽ nhóm họp khẩn để thảo luận tình hình.
Cùng ngày, lãnh đạo Nhật Bản và Mỹ cũng đã có cuộc điện đàm để thảo luận về diễn biến mới nhất trên bán đảo Triều Tiên này.
Thông báo cho hay Hội đồng Bảo an LHQ đã quyết định tổ chức họp khẩn trong chiều 29/11 theo giờ địa phương, nhằm thảo luận về vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên. Quyết định này được đưa ra chỉ vài giờ theo yêu cầu của cả 3 nước Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đánh giá động thái của Bình Nhưỡng mang tính "quá khích" và "không thể dung thứ", đồng thời cảnh báo sẽ tăng cường sức ép đối với chương trình hạt nhân của nước này.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Abe cũng hối thúc cộng đồng quốc tế cần kiên quyết tăng thực thi việc trừng phạt Triều Tiên và Nhật Bản sẽ không ngần ngại tăng cường sức ép với Triều Tiên lên tới mức cao nhất.
Cùng ngày, Thủ tướng Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã có cuộc điện đàm nhằm thảo luận tình hình.
Thông báo của Nhà Trắng cho hay hai nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng các hành động khiêu khích của Triều Tiên đang gây phương hại tới an ninh của chính nước này và khiến Bình Nhưỡng bị cộng đồng quốc tế cô lập hơn nữa.
Cùng thời điểm, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vàLiên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ quan ngại về vụ phóng tên lửa vào sáng 29/11 của Triều Tiên, cho rằng Bình Nhưỡng cần tham gia đối thoại với cộng đồng quốc tế.
Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã chỉ trích động thái mới này của Triều Tiên, coi đây là hành động vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và ảnh hưởng đến an ninh khu vực và quốc tế.
Trong khi đó, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini nhận định vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên là "một hành động vi phạm các nghĩa vụ quốc tế không thể chấp nhận được". Bà nhấn mạnh, hành động này tiềm ẩn mối đe dọa đến an ninh quốc tế.
Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi gia tăng áp lực mạnh hơn đối với Bình Nhưỡng.
Trước đó, sáng 29/11, Bộ Quốc phòng Nhật Bản xác nhận tên lửa của Bình Nhưỡng đã bay khoảng 1.000km trước khi rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Đánh giá sơ bộ từ quân đội Mỹ cho biết nhiều khả năng đây là một tên lửa đạn đạo liên lục địa, có tầm bắn vươn tới lãnh thổ Mỹ.
Nếu được xác nhận, đây là vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa thứ 3 của Triều Tiên kể từ tháng 7 đến nay. Hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn tin của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) Hàn Quốc cho biết họ nhận định Triều Tiên đã phóng loại tên lửa đạn đạo tầm xa Hwasong-14. Tuy nhiên, hiện người phát ngôn JCS chưa xác nhận thông tin này.
Vụ thử tên lửa không ảnh hưởng nhiều đến thị trường tài chính Hàn Quốc
Tại cuộc họp với các bộ trưởng trong lĩnh vực kinh tế, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Kim Dong-yeon tuyên bố vụ phóng tên lửa trước đó cùng ngày của Triều Tiên sẽ chỉ có ảnh hưởng rất nhỏ đối với thị trường tài chính của Hàn Quốc. Giới chức liên quan cam kết sẽ nhanh chóng áp dụng các biện pháp trường hợp cần thiết để giảm nhẹ hậu quả của vụ việc mới nhất này.
Ngoài ra, Bộ trưởng Kim Dong-yeon còn nói thêm rằng thị trường tài chính tại Hàn Quốc vẫn ổn định sau các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên trước đây.Cuộc họp được tổ chức với sự tham gia của nhiều quan chức cao cấp thuộc Bộ Tài chính, Ủy ban Dịch vụ Tài chính, Cơ quan Giám sát tài chính và một số bộ khác.
Bắt đầu phiên giao dịch sáng 29/11, chỉ số chứng khoán KOSPI của Hàn Quốc ở mức 2.517,26 điểm, tăng 3,07 điểm, trong khi đồng nội tệ won của Hàn Quốc được giao dịch ở mức 1.083,05 won/USD.
Advertisement