27/07/2017 07:29
Phân công lao động trong chuỗi: Cờ đã đến tay DN Việt
Bên cạnh việc trở thành doanh nghiệp (DN) phụ cho các công ty đa quốc gia (MNE), một số doanh nhân trong nước (bao gồm cả Việt kiều) và người nước ngoài sẽ thành lập các DN tại Việt Nam.
Nhằm cạnh tranh trực tiếp với các "ông lớn" quốc tế với thương hiệu riêng và chuỗi giá trị riêng, hoặc liên kết để tạo ra chuỗi giá trị riêng.
Nếu như trước đây DN phải thực hiện phần lớn các khâu trong chuỗi giá trị, thì ngày nay trong bối cảnh phân công lao động trong chuỗi, DN có thể thực hiện các phần việc này thông qua việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (bao gồm phát triển ý tưởng và chi tiết công nghệ) thương hiệu trong khi thuê ngoài các hoạt động sản xuất sang các công ty đang là các nhà cung cấp cho các MNE tại Việt Nam.
Điều này vừa tạo ra nhu cầu ổn định cho các nhà cung cấp nội địa, vừa tạo môi trường cho việc hình thành các DN "made in Vietnam".
Nguồn nhân lực
Khi các MNE tại Việt Nam phát triển ổn định, sẽ có một lực lượng nhân sự tích lũy đủ vốn, kiến thức, kinh nghiệm và mối quan hệ để đứng ra khởi nghiệp, thành lập các DN hoàn toàn mới. Nguồn lực thứ hai là đội ngũ kỹ sư, nhà khoa học người Việt tại nước ngoài sẽ được khuyến khích về nước để khởi nghiệp.
Nguồn lực quan trọng kế tiếp là đội ngũ khởi nghiệp từ các quốc gia khác, họ sẽ thấy được tiềm năng khởi nghiệp tại Việt Nam và sẵn sàng thành lập các công ty startup "made in Vietnam". Vậy nên Việt Nam cần có chiến lược marketing và quảng bá hình ảnh quốc gia như một nơi tuyệt vời để khởi nghiệp cùng với những chính sách thu hút nhân tài thông thoáng và môi trường đầu tư thuận lợi.
Tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển ổn định và hệ thống quản trị đã được hình thành và phát triển từ lâu như Nhật Bản và châu Âu, DN có thể hoạt động hiệu quả trên nền tảng quản trị theo quy trình đã tồn tại sẵn. Trong khi đó, do hoạt động tại quốc gia đi sau và đang trong quá trình học hỏi, hệ thống quản trị của các DN Việt nên thiên về kết nối và cởi mở.
Theo đó, cần có sự trao đổi ý kiến, đánh giá hoạt động và tổ chức DN cả từ dưới lên chứ không chỉ là sự chỉ đạo từ trên xuống theo một hình thức bất biến qua thời gian. Điều này sẽ kích thích tính linh hoạt và sáng tạo của DN. Quá trình này sẽ tiếp diễn đến khi một mô hình quản trị phù hợp nhất được đề xuất.
Cần áp dụng phương pháp quản trị DN theo hướng toàn diện. Theo đó, các hoạt động được hoạch định trên cơ sở bổ sung lẫn nhau và tạo lợi thế cạnh tranh về mặt tổng thể của DN. Chẳng hạn như các kế hoạch nhân sự, marketing, cung ứng và mua hàng cũng sẽ được phân công các nhiệm vụ sao cho chúng cùng tạo thành lợi thế chiến lược chung cho toàn DN.
Tuy nhiên, DN cũng sẽ lấy ý kiến từ đội ngũ nhân sự theo từng đơn vị nhằm tìm ra và tối đa hóa lợi thế của khâu đó. Theo đó, hệ thống quản trị sẽ thay đổi theo sự thay đổi của ngành công nghiệp.
Chẳng hạn, nếu DN hoạt động trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng ở giai đoạn sản phẩm mới được giới thiệu thì khâu marketing sẽ giữ vai trò chủ chốt bên cạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển. Còn khi DN kinh doanh hàng tiêu dùng trong giai đoạn sản phẩm đã hoàn thiện thì yếu tố giao hàng và quản lý tồn kho lại đóng vai trò quan trọng nhằm giảm chi phí cho sản phẩm.
Nguồn vốn
Ngoài nguồn vốn được huy động từ nội bộ, DN có thể tham khảo các kênh như "angel capital"... Muốn vậy, thị trường vốn cho DN cần được kích thích, chẳng hạn như thành lập trung tâm môi giới khởi nghiệp.
Có thể xem đây là nơi gặp gỡ những nhà đầu tư có tiềm năng về tài chính (như các quỹ, các công ty có nguồn vốn dư dôi và những cá nhân có tiềm lực tài chính) và các cá nhân, tổ chức có ý tưởng về sản phẩm và dịch vụ mới muốn khởi nghiệp gặp nhau.
Trung tâm này vừa là nơi trao đổi thông tin, học hỏi, cũng vừa được xem là trung tâm đấu giá cho những ý tưởng xuất sắc với nguồn vốn hạn chế và cũng là ngân hàng ý tưởng.
Ngoài nguồn vận động trên, chính phủ cũng có thể hình thành các quỹ khởi nghiệp với nguồn vốn từ hoạt động thoái vốn tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, hoặc chuyển quyền đầu tư, khai thác cho các DN bên ngoài.
Các quỹ khởi nghiệp này sẽ giữ vai trò như các "hedge fund"(loại quỹ đầu tư có tính đại chúng thấp và không bị quản chế quá chặt) trong một số dự án mà thị trường chưa có nhiều nhà đầu tư và nguồn vốn sẵn có (chẳng hạn như các ngành công nghệ cao nổi lên trong cuộc cách mạng 4.0 như ngành nông nghiệp robot, các giải pháp về giao thông thông minh vận dụng IoT).
DN cũng có thể được tài trợ vốn gián tiếp thông qua hoạt động miễn giảm thuế từ DN và trợ giúp công nghệ (nếu các trung tâm, viện nghiên cứu công nghệ và các trường đào tạo của chính phủ được tổ chức tốt nhằm tạo ra các kết quả khoa học và đồng hóa nguồn khoa học công nghệ từ nước ngoài).
Nhìn chung, bên cạnh phát triển một nền công nghiệp phụ trợ mạnh với các công ty trong nước có khả năng cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho các MNE, Việt Nam cũng cần tạo môi trường để phát triển các DN của riêng mình bằng sự kết hợp giữa một bên là lực lượng FDI bổ sung cho các thiếu hụt của Việt Nam và một bên là các công ty nội địa có nội lực đảm nhận các ngành quan trọng khác.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp