02/05/2023 16:34
Petrolimex báo lãi tăng 51% lên 667 tỷ đồng trong quý đầu năm
Quý 1/2023, Petrolimex báo lãi sau thuế 667 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận dương quý thứ 3 liên tiếp.
Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex, Hose: PLX) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023 với kết quả khá khởi sắc.
Cụ thể, doanh thu thuần trong kỳ đạt gần 67.432 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước đó. Giá vốn bán hàng giảm nhẹ xuống 63.873 tỷ đồng; lợi nhuận gộp tăng 28% lên 3.559 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng 60% lên 513,7 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 27% ở mức 382,3 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 22% lên 2.808 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 13,7% lên 206,6 tỷ đồng.
Kết quả, PLX báo lãi quý 1/2023 đạt 667 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước.
Tính tới 31/3/2023, tổng tài sản của PLX giảm 7,8% xuống 68.639 tỷ đồng, giảm gần 8% so với đầu năm do giảm mạnh khoản mục hàng tồn kho và tiền mặt; tiền và các khoản tương đương tiền giảm 22% xuống hơn 9.000 tỷ đồng; chứng khoán kinh doanh ở mức 6,9 tỷ đồng, dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh 1,9 tỷ đồng.
Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng nhẹ lên 7.357 tỷ đồng, trong đó đầu tư trái phiếu ngắn hạn 1.000 tỷ đồng và trái phiếu dài hạn 3.200 tỷ đồng; hàng tồn kho giảm 15,3% xuống 14.646 tỷ đồng.
Nợ phải trả giảm 14% xuống 40.212 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nợ ngắn hạn với 39.257 tỷ đồng; tổng nợ vay ghi nhận 14.344 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm.
Tổng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn của Petrolimex đạt 15.369 tỷ đồng, giảm 2.594 tỷ đồng so với đầu năm. Ngoài ra, tập đoàn còn có 4.200 tỷ đồng đầu trái phiếu. Ba tháng đầu năm, Petrolimex thu về 227 tỷ đồng lãi tiền gửi và lãi cho vay.
Tổng nợ đi vay của Petrolimex cuối kỳ là 14.345 tỷ đồng, bao gồm 13.552 tỷ đồng vay ngắn hạn. Trong quý 1, doanh nghiệp đi vay tổng cộng 27.674 tỷ đồng thời trả nợ gốc vay 27.742 tỷ đồng. Tổng chi phí lãi vay ba tháng là 233 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh.
Như vậy, trong bối cảnh lãi suất leo thang so với cùng kỳ thì nghiệp vụ gửi ngân hàng với lãi suất cao và đi vay với lãi suất thấp không còn đem lại hiệu quả cho tập đoàn như giai đoạn trước đó. Chi phí lãi gửi ngân hàng chỉ đủ để bù đắp gần hết chi phí lãi vay trong kỳ.
Tuy nhiên, trong kỳ này, Petrolimex lại ghi nhận khoản lãi chênh lệch tỷ giá ròng 138 tỷ đồng, đột biến so với mức lỗ 22 tỷ cùng kỳ năm ngoái.
Vốn chủ sở hữu cuối quý 1 là 28.426 tỷ đồng, bao gồm 3.270 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Xét về dòng tiền, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của tập đoàn ghi nhận âm 2.678 tỷ đồng trong quý 1, trong khi cùng kỳ năm ngoái dương 156 tỷ, do tăng mạnh các khoản phải trả. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư dương 177 tỷ còn dòng tiền từ hoạt động tài chính âm 68 tỷ nên lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 2.569 tỷ đồng.
Trước đó, Petrolimex đã bán đấu giá thành công 120 triệu cổ phiếu PGB của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank, UPCoM: PGB) cho 4 nhà đầu tư, trong đó ba tổ chức và một cá nhân. Mức giá mua bình quân là 21.400 đồng/cp.
Cụ thể, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và phát triển thương mại Gia Linh đã mua hơn 39,2 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 13,1% vốn; Công ty cổ phần Quốc tế Cường Phát đã mua hơn 40,6 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 13,54%, Công ty cổ phần Thương mại Vũ Anh Đức mua hơn 40 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 13,36% vốn, theo Dân Việt.
Trong đó, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và phát triển thương mại Gia Linh có lĩnh vực kinh doanh chính là in ấn. Công ty cổ phần Quốc tế Cường Phát chuyên về vận tải. Còn Công ty cổ phần Thương mại Vũ Anh Đức chuyên về khai thác mỏ, quặng.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp