28/07/2020 10:34
Parkson bán lỗ trung tâm thương mại tại Hải Phòng, còn mỗi Parkson Saigon Tourist để cạnh tranh với Vincom
Đơn vị vận hành Parkson sẽ thanh lý trung tâm thương mại tại Hải Phòng với mức lỗ 700.000 USD. Parkson chỉ còn một địa điểm duy nhất tại TP.HCM.
Parkson Hải Phòng thuộc sở hữu hoàn toàn của Parkson Retail Asia được niêm yết tại Singapore, trong đó Parkson Holdings chiếm 67,96%. Còn Parkson Holdings là thành viên của The Lion Group, thành lập từ những năm 1930 tại Malaysia. Hệ thống trung tâm thương mại của tập đoàn này đã mở rộng tại Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Myanmar, Campuchia,… Nhà bán lẻ này có mặt tại Việt Nam cuối tháng 6/2005 với trung tâm thương mại đầu tiên đặt tại TP.HCM.
Chỉ còn mỗi Parkson Saigon Tourist
Trang kinh tế The Edge Markets đưa tin, thành viên của Parkson Holdings, Parkson Hải Phòng đã đề xuất thanh lý Trung tâm thương mại Parkson TD Plaza tại TP. Hải Phòng với giá 10 triệu USD (hơn 231 tỷ đồng).
Theo nguồn tin của trang này, Parkson Hải Phòng và đơn vị mua, Công ty Cổ phần Xây dựng & Thương mại Thùy Dương, đã tính đến việc định giá thị trường 9,5 triệu USD khi xem xét mua ở mức 10 triệu USD.
Phía Parkson Holdings cho biết: “Việc xử lý đề xuất này sẽ dựa trên sự chấp thuận của các cổ đông của Parkson Retail Asia và sẽ đạt được kết luận tại cuộc họp cổ đông bất thường của Parkson Retail Asia”.
Tuy nhiên, dù có được mức giá 10 triệu USD thì Trung tâm thương mại Parkson TD Plaza vẫn có giá trị thấp hơn so với mức ghi nhận trong báo cáo tài chính của Parkson Retail Asia. Trung tâm thương mại này trước đó có giá trị lên đến 13,7 triệu USD, dẫn đến khoản lỗ 700.000 USD sau VAT và chi phí giao dịch cho công ty mẹ.
Parkson TD Plaza sẽ bán lỗ 700.000 USD. Ảnh: Nhà Đất 24h |
“Việc thanh lý Trung tâm thương mại Parkson TD Plaza tại TP. Hải Phòng không ảnh hưởng trọng yếu đến thu nhập của Tập đoàn Parkson Holdings cho năm tài chính kết thúc vào ngày 30/6/2021, cũng như tài sản ròng và hoạt động của tập đoàn. Điều này là dựa trên báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán năm 2019”, phía Parkson Holdings khẳng định.
Parkson đang điều hành hai trung tâm thương mại tại Việt Nam, ngoài ở Hải Phòng còn một trung tâm thương mại khác đặt tại ngã tư Đồng Khởi - Lê Thánh Tôn, Quận 1, TP.HCM.
Sau khi hoàn thành việc thanh lý Trung tâm thương mại Parkson TD Plaza, Parkson sẽ tiếp tục vận hành và quản lý kinh doanh Parkson Saigon Tourist Plaza và sẽ ngừng hoạt động những cửa hàng mang thương hiệu Parkson tại đây.
Trung tâm thương mại Parkson Saigon Tourist Plaza là “cứ điểm” của hai doanh nghiệp lớn đến từ Nhật Bản là thương hiệu thời trang Uniqlo và chuỗi bán lẻ Muji. Ngoài ra, đây còn là địa điểm kinh doanh của nhiều nhãn hàng như Shiseido, Whoo, Make Up For Ever, Gucci, Elie Saab, Issey Miyake, Narciso Rodriguez, Chloe, BVLGari, PNJ,…
Parkson Saigon Tourist là "cứ điểm" của Uniqlo, Muji, Shiseido, Gucci,... Ảnh: Tất Đạt |
Trung tâm thương mại này vừa được khai trương vào thời gian gần đây sau thời gian dài “làm mới không gian mua sắm đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng”. Việc nâng cấp sửa chữa đã được tiến hành từ đầu tháng 4/2019.
Đại diện Parkson cho biết, Parkson Saigon Tourist Plaza cần thiết phải đổi mới mọi mặt để phù hợp với xu hướng thị trường. “Parkson Saigon Tourist sẽ được ‘hồi sinh’ thành một điểm đến mua sắm có thiết kế hiện đại, trẻ trung với mô hình kinh doanh không chỉ đơn thuần là nơi mua sắm, mà sẽ trở thành địa điểm mua sắm kết hợp với các dịch vụ ăn uống, giải trí tích hợp”, đơn vị này chia sẻ.
Thua vì “ngủ quên trên chiến thắng”
Trước đó, Parkson đã dừng bốn trung tâm thương mại tại Việt Nam gồm Parkson Keangnam (Hà Nội) đóng cửa hồi tháng 1/2015, Parkson Paragon (TP.HCM) đóng cửa vào tháng 5/2016, Parkson Viet Tower (Hà Nội) dừng hoạt động hồi tháng 12/2016, Parkson Flemington (TP.HCM) ngưng hoạt động vào tháng 1/2018.
Không chỉ gặp khó khăn ở Việt Nam mà Parkson cũng đều đang thua lỗ tại các quốc gia khác như Malaysia, Indonesia, Myanmar, doanh số các cửa hàng liên tục tăng trưởng âm.
Năm 2015, Parkson Retail Asia gặp phải cú sốc tài chính lớn khi công ty thua lỗ tới gần 1.300 tỷ đồng tại Việt Nam và khiến cả tập đoàn lỗ tổng cộng 850 tỷ đồng. Nguyên nhân xuất phát từ vụ huỷ hợp đồng thuê tại toà nhà Keangnam Landmark 72 (Hà Nội) trước thời hạn, chi phí cho việc huỷ hợp đồng phải chi lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.
Sang năm tài chính 2016-2017, Parkson tiếp tục lỗ 67 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm tài chính 2017, Parkson lỗ tổng cộng 24 tỷ đồng.
Kể từ khi vào Việt Nam, “ông lớn” bán lẻ này luôn trung thành với mô hình hoạt động siêu thị bán lẻ hàng hiệu. Điều này là căn cứ cho nhận định của các chuyên gia ngành bán lẻ, tình trạng của Parkson tại Việt Nam là điều dễ hiểu.
Nếu trước đây, Parkson được biết đến như là một trung tâm mua sắm sang trọng bậc nhất tại TP.HCM và Hà Nội, thì bây giờ, sự xuất hiện rầm rộ, liên tục phủ sóng và khoác lên mình màu sắc mới của các thương hiệu Vincom, AEON, Lotte Shoping Centre, Saigon Co.op Sense City… giúp các thương hiệu và người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn tốt hơn.
Một chuyên gia trong ngành bán lẻ nhận định trên tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam rằng: “Cô nàng kiêu kỳ Parkson đã ngủ quên trong chiến thắng suốt thời gian quá dài, cùng với việc không cải tiến trong hình thức kinh doanh và cách vận hành đã kéo họ trượt ra khỏi cuộc đua của những nhà bán lẻ cao cấp”.
Vincom đang là chuỗi trung tâm thương mại lớn mạnh, phủ sóng nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc. Ảnh: Tất Đạt |
Bên cạnh sự lớn mạnh và đổi mới của những đối thủ cạnh tranh, việc phải gánh chi phí mặt bằng cao ngất ngưởng để duy trì, làm mới mô hình và mở rộng thêm các trung tâm thương mại dần trở thành áp lực lớn cho Parkson. Các trung tâm của đơn vị này luôn đặt tại các khu “đất vàng” có ít nhất hai mặt tiền.
Ngoài ra, việc không quản lý chặt chẽ chất lượng của các cửa hàng có mặt tại trung tâm thương mại của mình cũng khiến thương hiệu Parkson một thời lâm vào khủng hoảng. Không ít gian hàng bán tại Parkson nhận nhiều phàn nàn về chất lượng hàng hoá. Điều này khiến lượng khách ngày càng sụt giảm, đè nặng lên kết quả kinh doanh của công ty.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp