13/11/2019 09:13
Ông Trump doạ tăng mạnh thuế quan nếu không đạt thoả thuận với Trung Quốc
Tổng thống Donald Trump ngày 12/11 tuyên bố Mỹ-Trung sẽ có thoả thuận thương mại, và đe doạ sẽ áp thuế Bắc Kinh nếu không có thoả thuận với Washington.
Theo hãng tin Reuters, thị trường tài chính toàn cầu đã "phập phồng" hy vọng trước khi ông Trump có bài phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế New York. Tuy nhiên, bài phát biểu này hầu như không có tuyên bố chính sách quan trọng nào, khiến thị trường chứng khoán và hàng hóa cơ bản tại Mỹ gần như đi ngang khi kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba.
Những tin đồn trước đó nói rằng ông Trump có thể công bố thời gian và địa điểm cho một lễ ký thỏa thuận thương mại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã được chứng minh là vô căn cứ.
Ông Trump nói các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đang gần hoàn tất thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, đồng thời nhắc lại quan điểm bấy lâu của ông rằng Trung Quốc "lừa dối" Mỹ về thương mại.
"Họ muốn có một thỏa thuận lắm rồi. Họ chính là những người sẽ quyết định chúng tôi có muốn ký một thỏa thuận hay không", ông Trump nói. Theo Reuters, những phát biểu này không khác gì so với tuyên bố mà ông Trump đưa ra vào hôm thứ Bảy tuần trước.
"Chúng tôi đang tới gần thỏa thuận. Một thỏa thuận thương mại quan trọng với Trung Quốc có thể xảy ra. Có thể là sớm. Nhưng chúng tôi sẽ chỉ chấp nhận một thỏa thuận tốt cho nước Mỹ, cho các công nhân và công ty của chúng ta", ông nói.
Ngoài ra, ông Trump dọa sẽ tăng mạnh thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc nếu Bắc Kinh không có thỏa thuận với Washington. "Và điều đó cũng sẽ xảy ra với những quốc gia khác đối xử không đúng đắn với chúng ta", ông cảnh báo.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế New York ngày 12/11 - Ảnh: CBS. |
Sau đó, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói với hãng tin CNBC rằng thỏa thuận giai đoạn 1 có thể bao gồm một số điều chỉnh với thuế quan đang áp, nhưng hai bên chưa nhất trí với những biện pháp như vậy "cho tới khi toàn bộ thỏa thuận được hoàn tất".
"Điều duy nhất có thể là mới trong bài phát biểu này là ông ấy không công bố ngày giờ cho một lễ ký", ông Greg Anderson, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối toàn cầu của BMO Capital Markets, nhận xét về bài phát biểu của ông Trump. "Thị trường đã hy vọng thông tin đó được đưa ra, và hy vọng này đã bị dập tắt".
Trong bài phát biểu này, ông Trump tiếp tục chỉ trích chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (FED), cho rằng các quyết định của FED khiến Mỹ có mức lãi suất cao hơn so với các nền kinh tế khác và nói ông muốn có lãi suất âm.
Từ tháng 7 đến nay, FED đã hạ lãi suất 3 lần, sau 9 lần nâng liên tiếp kể từ cuối 2015. Ông Trump đã nhiều lần chỉ trích FED vì không hạ lãi suất sâu hơn.
"Nên nhớ rằng chúng ta đang phải cạnh tranh quyết liệt với những quốc gia có lãi suất âm, nơi người đi vay tiền về thực chất được nhận tiền lãi. Đã có ai nghe nói về chuyện đó chưa? Hãy cho tôi lãi suất như vậy đi. FED của chúng ta không để cho chúng ta được như vậy", ông Trump than phiền.
Tuy nhiên, ông Kudlow nói với CNBC rằng ông không cho là lãi suất âm là điều cần thiết ở Mỹ, xét đến nền kinh tế vẫn đang "khỏe" của nước này. "Tôi không cho rằng Mỹ cần lãi suất âm, bởi nền kinh tế của chúng ta đang trong tình trạng rất tốt", vị cố vấn nói.
Song song với việc chỉ trích FED, ông Trump ca ngợi kế hoạch cắt giảm thuế mà Đảng Cộng hòa thông qua vào năm 2017, nói rằng việc giảm thuế này đã tạo ra một thời kỳ tăng trưởng kinh tế bùng nổ. Ngoài ra, ông nói rằng đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ chính là minh chứng cho chính sách kinh tế và thương mại đúng đắn của ông.
Chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng hơn 36% kể từ khi ông Trump lên cầm quyền. 2/3 mức tăng này diễn ra trong năm đầu tiên ông đứng đầu Nhà Trắng, trước khi ông áp thuế mạnh tay lên hàng hóa Trung Quốc. Sau đó, thị trường biến động mạnh hơn kể từ đợt áp thuế hàng Trung Quốc đầu tiên vào năm 2018, dù cả ba chỉ số đều lập kỷ lục mới vào tuần trước.
Bài phát biểu của ông Trump là một dấu hiệu cho thấy đàm phán Mỹ-Trung nhằm xuống thang thương chiến vẫn đang có nhiều cam go. Tuần trước, giới chức hai nước nói đã nhất trí dỡ thuế quan, nhưng ngay sau đó ông Trump phủ nhận.
Bài phát biểu ngày 12/11 đánh dấu lần thứ hai ông Trump xuất hiện tại Câu lạc bộ Kinh tế New York, một tổ chức nghiên cứu lâu đời và uy tín từng đón tiếp nhiều đời Tổng thống Mỹ cũng như các nhà lãnh đạo nước ngoài, gồm cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Chủ đề liên quan
Advertisement