Để tận dụng sự sôi động của xuất nhập khẩu và giữ vững thị phần, "ông lớn" UPS tuyên bố tăng cường dịch vụ tại 10 tỉnh thành.
Advertisement
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm nay của cả nước đạt gần 270,91 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 19,3% còn kim ngạch nhập khẩu tăng 22,5%. Giao thương xuyên biên giới tiếp tục sôi động trở thành một liều thuốc trợ lực hiệu quả cho các đơn vị logistics.
“Vừa qua, chính phủ Việt Nam đã bày tỏ quyết tâm đạt chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm là 6,7%. Song song, việc khai thông thương mại liên lục địa và trong toàn khu vực cũng đang được tích cực thảo luận với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA).
Do đó, chúng tôi tự tin rằng nền thương mại sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, cùng với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu Việt Nam, và sự chuyển dịch trong sản xuất”, ông Daryl Tay - Giám đốc Điều hành UPS Việt Nam nhận định.
Cách đây ít ngày, ông lớn trong ngành logistics này tuyên bố tăng cường dịch vụ tại 10 tỉnh thành trên khắp miền Trung và miền Nam Việt Nam để tận dụng thêm cơ hội và giữ vững vị thế.
Cụ thể, thời gian nhận hàng trễ nhất trong ngày (cut-off time) cũng sẽ được kéo dài thêm đến 3 tiếng. Đồng thời, thời gian vận chuyển cho hàng hóa xuất nhập khẩu đến/từ khu vực Châu Á từ hai ngày xuống một ngày, và cho hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu từ ba ngày xuống còn hai ngày.
Cũng theo ông Tay, các doanh nghiệp cung ứng hiện đang phải chịu sức ép ngày càng lớn từ nhu cầu cung cấp sản phẩm và dịch vụ với số lượng lớn hơn, chất lượng tốt hơn, tốc độ nhanh hơn, và giá thành thấp hơn.
Với việc kéo dài thời gian nhận hàng trong ngày, rút ngắn thời gian vận chuyển đối với các lô hàng xuất khẩu, khách hàng của công ty có thể gia tăng thời gian sản xuất, giúp xử lý nhiều đơn hàng hơn, mà vẫn đảm bảo quá trình giao hàng đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Trước đó, trong năm nay, UPS đã triển khai tăng cường dịch vụ tại 9 tỉnh miền Bắc. Không chỉ thế, công ty này còn tranh thủ dự phần vào hoạt động chuyển phát nội địa tận nhà. Việt Nam là một trong 28 quốc gia được UPS triển khai dịch vụ giao hàng nhanh dành cho gói nhỏ vào sáng sớm đợt mới, sau khi dịch vụ này đã có mặt ở 25 quốc gia trước.
Việt Nam hiện đang là đối tác thương mại quan trọng thứ hai của Liên minh Châu Âu (EU) trong số 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Quý II vừa qua, UPS châu Á – Thái Bình Dương gia tăng được 45% lượng hàng hóa chuyên chở. Trong đó, có sự đóng góp tích cực của các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Việt Nam.