14/12/2022 15:27
Ông Lê Viết Hải thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hòa Bình
HĐQT CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) chấp thuận đơn xin từ nhiệm chức vụ HĐQT của ông Lê Viết Hải và bầu ông Nguyễn Công Phú, Thành viên HĐQT độc lập đảm nhiệm chức vụ này kể từ ngày 14/12.
Trong cuộc họp HĐQT ngày 9/12 vừa qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) đã chấp thuận đơn xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải. Việc từ nhiệm của ông Hải kể từ ngày 14/12/2022.
Ngoài vị trí Chủ tịch, ông Hải cũng đã xin rút khỏi tư cách thành viên HĐQT. HĐQT cho biết sẽ trình đơn từ nhiệm của ông Hải tại ĐHĐCĐ gần nhất để xem xét thông qua.
Ngoài ra, Tâp đoàn Hòa Bình cũng chấp thuận đề xuất của ông Lê Viết Hải về việc thành lập hội đồng sáng lập.
HĐQT HBC sẽ xem xét việc bổ nhiệm lại các chức danh trong ban điều hành tập đoàn theo đúng quy định của pháp luật.
Theo ông Lê Viết Hải đã kế hoạch từ đầu năm 2023 sẽ thôi làm chủ tịch và thành viên HĐQT và khẳng định việc ông từ nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT là hoạt động bình thường, không phải do sức ép của cổ đông. Mặc dù từ nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT, song ông vẫn quản lý công ty, với danh nghĩa chủ tịch hội đồng sáng lập. Theo đó, HĐQT và hội đồng sáng lập làm việc với nhau để cùng quản lý công ty theo nguyên tắc đồng thuận.
Ông Lê Viết Hải sinh năm 1958 tại Thừa Thiên Huế. Năm 1987, ông Hải thành lập và làm giám đốc Văn phòng Xây dựng Hòa Bình sau đổi tên thành CTCP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình từ năm 2000. Ông Hải cũng giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT từ đó đến nay.
Ông Hải đang sở hữu gần 47 triệu cổ phiếu HBC, tỷ lệ 17,54% vốn điều lệ tại Hòa Bình.
Về kết quả kinh doanh của Tập đoàn Hòa Bình, quý III/2022 doanh thu thuần đạt 3.778 tỷ đồng, tăng tới 80% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 282 tỷ đồng, tăng 2,4 lần, giúp biên lợi nhuận gộp đạt tới 7,46% (cao hơn nhiều so với cùng kỳ chỉ 5,54%).
Trong quý, doanh thu tài chính khá sáng với mức tăng 2,3 lần, đạt 34 tỷ đồng (chủ yếu là lãi bán hàng trả chậm, chậm thanh toán). Song, các loại chi phí còn tăng dữ dội hơn: chi phí quản lý tăng 4,3 lần (đạt 153 tỷ đồng), chi phí tài chính tăng 50% (đạt 112 tỷ đồng).
Ngoài ra, Hòa Bình còn phải gánh khoản lỗ khác 6,7 tỷ đồng. Kết quả là lợi nhuận trước thuế chỉ 25 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chỉ 5,4 tỷ đồng. Dù vậy, so với cùng kỳ, lợi nhuận trước và sau thuế quý III/2022 của Hòa Bình đã tăng lần lượt 65% và 4%.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của Hòa Bình đạt 10.904 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 684 tỷ đồng, tăng 35%. Biên lợi nhuận gộp suy giảm nhẹ, đạt 6,27% (cùng kỳ 6,71%).
Về nguồn vốn, tại ngày kết thúc quý III/2022, nợ phải trả của Hòa Bình đạt 14.913 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Như vậy, 80% tài sản của Hòa Bình được hình thành từ nợ phải trả.
Nợ vay của Hòa Bình đã có bước tăng khá mạnh trong 9 tháng, đạt 6.566 tỷ đồng, tăng 29%. Trong đó, vay ngắn hạn 5.496 tỷ đồng, tăng 17%; vay dài hạn 1.070 tỷ đồng, tăng 2,7 lần. Sự gia tăng nợ vay của Hòa Bình xuất phát từ tình trạng dòng tiền kinh doanh 9 tháng âm nặng 1.331 tỷ đồng do tăng các khoản phải thu (1.823 tỷ đồng), tăng hàng tồn kho (435 tỷ đồng), tăng chi phí trả trước (103 tỷ đồng), chi trả lãi vay (363 tỷ đồng).
Để thay vào ghế trống mà ông Lê Viết Hải vừa rời đi, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã thông qua việc bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú, thành viên HĐQT độc lập và thành viên Ủy ban Kiểm toán, là chủ tịch HĐQT HBC kể từ ngày 14/12/2022.
Ông Nguyễn Công Phú sinh năm 1951, nguyên quán Quảng Trị nhưng sinh tại Quảng Nam. Sau năm 1954 sinh sống tại Huế, tốt nghiệp kỹ sư tạo tác - thủy lợi, khoá đầu tiên tại Đại học Khoa học - Huế. Năm 1993, ông trúng tuyển học bổng của Chính phủ Pháp để tiếp tục lấy bằng tiến sĩ về cơ học đất và công trình ngầm - Đại học Khoa học Paris - Trường Cầu đường Paris và trong suốt quá trình công tác đến năm 2021 đảm nhiệm các chức vụ quản lý cấp cao trong Tập đoàn Apave tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp