Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Đại hội cổ đông Công ty xây dựng Hòa Bình: Con trai Chủ tịch Lê Viết Hải tham gia HĐQT

Doanh nghiệp

24/06/2020 12:05

Ông Lê Viết Hiếu, con trai ông Lê Viết Hải, nhà sáng lập, Chủ tịch xây dựng Hòa Bình sẽ là thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024.

Con trai Chủ tịch Lê Viết Hải tham gia HĐQT

Sáng nay, 24/6, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2020. Một nội dung đáng chú ý tại đại hội này là bầu cử bổ sung một thành viên HĐQT nhiệm kì 2019-2024, sau khi ông Trương Quang Nhật, Thành viên HĐQT có đơn từ nhiệm, và đã được HĐQT thông qua trong cuộc họp diễn ra vào tháng trước.

Ứng cử viên được đề cử vào HĐQT là ông Lê Viết Hiếu, con trai của nhà sáng lập, Chủ tịch xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải.

Ông Lê Viết Hiếu sinh năm 1992, đang là Phó Tổng giám đốc đối ngoại khu vực miền Bắc của Tập đoàn Hòa Bình. Vị trí này được ông Lê Viết Hiếu đảm nhận từ tháng 6/2019.

Ông Hiếu từng học quản trị kinh doanh tại Đại học California Polytechnic State (Mỹ), chuyên ngành tài chính doanh nghiệp. Nếu trúng cử, con trai Chủ tịch Lê Viết Hải sẽ là người trẻ nhất trong HĐQT Hòa Bình.

Sau khi bầu bổ sung 1 thành viên, HĐQT Hòa Bình nhiệm kì 2019-2024 vẫn là 8 người, trong đó, số lượng thành viên HĐQT độc lập gồm 3 người.

Lê Viết Hiếu, con trai của nhà sáng lập, Chủ tịch xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải.
Lê Viết Hiếu, con trai của nhà sáng lập, Chủ tịch xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải.

Chủ tịch Lê Viết Hải nhận trách nhiệm không hoàn thành mục tiêu lợi nhuận

Tại đại hội, Công ty CP Xây dựng Hòa Bình cũng trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2020 với các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận giảm rất sâu so với năm 2019, vốn được đánh giá là năm rất khó khăn của ngành xây dựng khi thị trường bất động sản bị mắc kẹt với nhiều quy định pháp lý chưa được tháo gỡ.

Theo đó, chỉ tiêu doanh thu Hòa Bình đưa ra chỉ 12.500 tỉ đồng, giảm 33% so với kết quả thực hiện năm 2019. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế giảm đến 70%, chỉ còn 125 tỉ đồng.

Trước đó, vào đầu năm 2020, HĐQT đã đề ra kế hoạch doanh thu 20.200 tỷ đồng, lợi nhuận 720 tỷ đồng. Song, do tác động của đại dịch Covid-19, các chỉ tiêu kinh doanh đã được điều chỉnh giảm mạnh.

Năm 2019, Hòa Bình ghi nhận doanh thu 18.610 tỉ đồng hoàn thành mục tiêu đặt ra nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 416 tỉ đồng, chỉ đạt gần 58% kế hoạch năm và giảm gần 34% so với năm 2018.

Trong quý đầu năm nay, tình hình kinh doanh của Hòa Bình vẫn không khả quan. Doanh thu hợp nhất của Hòa Bình đến hết quý I/2020 chỉ đạt 2.442 tỉ đồng, chưa hoàn thành 20% kế hoạch năm. Con số đáng chú ý là lợi nhuận sau thuế chỉ mới ghi nhận 5 tỉ đồng.

HĐQT Hòa Bình cũng trình cổ đông kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi với giá trị phát hành tối đa 1.000 tỉ đồng trong thời hạn 5 năm, mỗi năm chuyển đổi 20%.Vốn huy động được từ kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi này nhằm trả cho các bên tư vấn liên quan, thanh toán nợ đến hạn, thực hiện dự án đầu tư và tăng quy mô hoạt động.

Năm ngoái, lãi ròng của Hoà Bình giảm đến 70%. Ảnh: Báo Đấu Thầu
Năm ngoái, lãi ròng của Hoà Bình giảm đến 70%. Ảnh: Báo Đấu Thầu

Công ty cũng trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức với tỷ lệ 5% bằng cổ phiếu hoặc tiền mặt.

Hòa Bình đã có liên tiếp 2 năm 2018-2019 không đạt mục tiêu lợi nhuận đề ra. Chủ tịch Lê Viết Hải nhận trách nhiệm về kết quả kinh doanh chưa đạt như kỳ vọng với cổ đông.

“Dù HĐQT đã có rất nhiều nỗ lực để khắc phục tình trạng thị trường thiếu dự án mới, song các nhà thầu xây dựng trong lĩnh vực địa ốc đều thiếu việc làm, dẫn đến tính cạnh tranh về giá quá khốc liệt, do những khó khăn của thị trường bất động sản vẫn chưa được tháo gỡ”, ông Hải phát biểu.

Thị trường sẽ không thể có nhiều dự án ngay mà phải chờ đến năm sau

Cũng theo ông Hải, thị trường sẽ không thể có nhiều dự án ngay mà cần phải kiên trì chờ đợi ít nhất qua năm sau (2021). Tuy nhiên, Việt Nam sẽ đón nhận làn sóng đầu tư nước ngoài, do sự chuyển dịch sản xuất công nghiệp từ Trung Quốc sang các nước khác.

Doanh nghiệp xây dựng này cho biết đã tích cực chuẩn bị nguồn lực cho việc triển khai chiến lược phát triển thị trường theo 3 hướng: hạ tầng, công nghiệp và nước ngoài. Đây là một khoản đầu tư cho dài hạn mang tính chiến lược.

Về hạ tầng, hiện Hòa Bình đã sáp nhập Công ty Cổ phần 479 –công ty con của Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 4 (CIENCO 4). Đây là nhà thầu xây dựng có bề dày kinh nghiệm trên 40 năm trong lĩnh vực thi công hạ tầng, đặc biệt có năng lực cao về xây dựng cầu, cảng quy mô lớn.

Về công nghiệp, Tập đoàn đã khẳng định được năng lực khi thành công tại Dự án Khu Liên hợp Gang Thép Hòa Phát Dung Quốc (Quảng Ngãi), với thời gian 18 tháng hoàn thành trên 200 hạng mục công trình phức tạp với tổng giá trị quyết toán hơn 1.800 tỷ đồng.

Về thị trường nước ngoài, Hòa Bình đã thực hiện các thủ tục đầu tư và đang chuẩn bị cho việc xây dựng một cao ốc có quy mô 31 tầng tại Canada, đang tiếp tục nghiên cứu nhiều thị trường tiềm năng khác để sẵn sàng mở rộng kinh doanh ra nước ngoài khi có điều kiện thuận lợi.

Có thể nói, năm 2018 và 2019 là 2 năm đầy khó khăn của ngành xây dựng, qua đầu năm 2020 ảnh hưởng của đại dịch đã gây ra bao sóng gió cho chúng ta. "Tôi rất cảm kích về sự tin tưởng, ủng hộ, cảm thông, thấu hiểu và đồng hành của Quý Cổ đông. Với những nền tảng rất vững chắc đã được gầy dựng trong hơn 3 thập kỷ, cuộc khủng hoảng Covid-19 vừa qua như 1 phép thử để 1 lần nữa khẳng định không có khó khăn thử thách nào mà Hòa Bình không thể vượt qua được", Chủ tịch Hòa Bình cho biết.

Q. HUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement