20/01/2018 09:47
Ông chủ Đại Nam
Tích tụ tài sản từ kinh doanh khu công nghiệp, ông Huỳnh Uy Dũng, chủ tịch công ty Đại Nam xây dựng quần thể du lịch hoành tráng.
Cách thành phố Bình Dương khoảng 10 phút lái xe là khu du lịch Đại Nam. Từ đại lộ Bình Dương, qua chiếc cổng bề thế chạm phù điêu cầu kỳ, con đường trải nhựa dẫn vào địa điểm tham quan đầu tiên uốn lượn dài tới vài cây số.
Bên đường là những dãy khách sạn xây dựng cách điệu giống như những bức tường thành phong cách thời trung cổ châu Âu. Khu quảng trường rộng thênh thang với điểm nhấn là pho tượng Quan Âm phết sơn vàng, cao lừng lững phơi mình trong nắng. Một tượng rồng dài hơn 100 mét uốn mình, nhe nanh khoe vuốt dẫn du khách vào khu đền thờ chính, điểm nhấn chính của khu du lịch, địa điểm khó có thể bỏ qua của du khách thập phương.
“Tôi xây dựng Đại Nam với cả một tấm lòng từ vật chất đến tinh thần. Tôi muốn có một công trình để đời cho bá tánh,” ông Huỳnh Uy Dũng, chủ tịch công ty Đại Nam nói trong buổi trả lời phỏng vấn Forbes Việt Nam.
Ông Huỳnh Uy Dũng, chủ Tịch công Ty Đại Nam. |
Khởi nghiệp kinh doanh từ những năm 1980 – 1990, ông Dũng thuộc thế hệ doanh nhân đầu tiên của Việt Nam sau chiến tranh. Trong vài năm qua khi doanh nhân cùng thời, có người không còn xuất hiện trên thương trường, một số kinh doanh sa sút, ông chủ Đại Nam vẫn tiếp tục kinh doanh với hai mảng ổn định là du lịch và khu công nghiệp. Bí quyết kinh doanh của ông tóm lại trong ba câu trả lời.
Thứ nhất, từ rất lâu doanh nhân 57 tuổi này nói không với đòn bẩy tài chính. Thứ hai, theo ông, trong kinh doanh luôn phải tiên liệu những kịch bản khó khăn nhất. Thứ ba, học cách buông bỏ theo triết lý đạo Phật. Theo số liệu của bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2017 Việt Nam đón gần 13 triệu khách du lịch quốc tế, 74 triệu lượt khách trong nước. Riêng Đại Nam đón khoảng hai triệu lượt khách viếng thăm, chủ yếu là khách trong nước, theo tự bạch của ông Dũng.
Khu du lịch mở cửa bảy ngày trong tuần đông đúc vào cuối tuần và đông nghẹt vào mỗi dịp lễ tết. Khởi công từ năm 1999, ròng rã xây dựng trong chín năm, năm 2008, khu du lịch mới mở cửa đón những du khách đầu tiên. Sau chín năm đưa vào khai thác, nhiều nơi trong Đại Nam vẫn là những công trường, ngổn ngang gạch vữa.
Tiếp tục đầu tư mở rộng là phương châm hành động của ông chủ Đại Nam. Ngay từ khi khánh thành Đại Nam đã xác lập nhiều kỷ lục kỳ lạ.
Với diện tích lên tới 5.000 m2, Kim Điện là khu đền thờ rộng nhất Việt Nam. Sau lưng Kim Điện là năm ngọn núi nhân tạo có tên Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ, trải dài 252 mét, ngọn núi trung tâm cao 65,8 mét, được sách kỷ lục Việt Nam công nhận là dãy núi nhân tạo lớn nhất Việt Nam.
Với diện tích 21,6 héc ta, bãi biển nhân tạo trong khu vui chơi có thể phục vụ cùng lúc 30 ngàn lượt người, một kỷ lục Việt Nam khác được ghi nhận. Không chỉ mô phỏng biển, hồ, sông, núi với cá bơi lội dưới nước, chim yến làm tổ trên núi cao, du khách có thể tham gia nhiều hoạt động giải trí phù hợp với từng độ tuổi.
Người đứng tuổi lựa chọn các địa điểm du lịch tâm linh thì những người trẻ ưa thích các trò chơi vận động dưới nước, xe đụng, các trò chơi mạo hiểm, rạp chiếu phim vòm 4D, xem đua ngựa, đua xe…
Khách du lịch tham gia trò chơi tại khu du lịch Đại Nam. |
Khu vườn thú với sư tử trắng, hổ trắng, voi Phi châu là địa điểm ưa thích của trẻ em. Dù quy hoạch hiện tại giảm xuống còn chỉ 250 héc ta so với tham vọng 450 héc ta ban đầu, nhưng so với nhiều khu vui chơi theo chủ đề ở Việt Nam, Đại Nam vẫn thuộc loại lớn về quy mô.
Điểm dừng chân đầu tiên của mọi du khách tới Đại Nam luôn là khu du lịch tâm linh, rộng 40 héc ta, đặt ở trung tâm quần thể du lịch quy mô này. “Khu tâm linh tôi làm để phục vụ cho bá tánh, xe đưa đón miễn phí, không nhận công quả. Đặt chân vào đây giàu nghèo giống nhau,” ông chủ quê gốc Bình Định này nói.
Quần thể du lịch tâm linh gồm nhiều đền thờ. Lớn nhất, tốn nhiều thời gian xây dựng và ngốn tiền bạc nhất của ông chủ Đại Nam là Kim Điện: nhiều pho tượng, phù điêu, linh vật thờ cúng được các nghệ nhân chạm trổ tinh vi, dát vàng; hai xá lợi thỉnh từ Ấn Độ, bộ sưu tầm 1.068 dòng họ của 54 dân tộc Việt Nam... Nhiều ngôi chùa trong quần thể này vẫn đang tiếp tục được xây dựng.
Doanh nhân, phật tử này kể dự định xây dựng 20 ngôi chùa, đã thực hiện được sáu ngôi, số còn lại dự định xây dựng trong hai năm tới: “Mình đã phát tâm thì phải tranh thủ làm. Tuổi mình không còn trẻ nhưng già cũng chưa già, tuổi này là tốt nhất để làm những gì còn ấp ủ.”
Ông chủ Đại nam đã rót khoảng 6.000 tỉ đồng xây dựng khu du lịch, theo thông tin tự bạch. “Đầu thập niên 1990 tôi mua đất ở Bình Dương chỉ 30 ngàn mỗi m2”, thời điểm khởi công “lương thợ phụ có 20 ngàn một ngày mà giờ tăng lên 200 ngàn một ngày,” ông kể.
Dù nổi bật về quy mô và hao tốn không ít tiền của nhưng khi mở cửa giới chuyên môn không đánh giá cao kiến trúc công trình này. Một số người trong giới kiến trúc phê phán khu du lịch tâm linh rực rỡ, bóng bẩy bề ngoài tạo ra sự choáng ngợp ban đầu mà thiếu chiều sâu.
Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến tên gọi chính thức của khu du lịch dù nhắm tới tôn vinh văn hóa Việt Nam nhưng kiến trúc tương tự như ở phim cổ trang Trung Hoa. Có nhận xét từ giới sử học rằng việc xếp tùy tiện giữa các nhân vật tôn giáo, các danh nhân văn hóa, danh tướng dân tộc tùy hứng, không theo logic, làm giảm đi ý nghĩa văn hóa.
Là người chưa trải qua trường lớp đào tạo xây dựng, trưởng thành từ thực tế, ông Dũng bày tỏ: “Ý tưởng xây dựng, mô hình có sẵn trong đầu. Tôi lập công ty tư vấn, có kiến trúc sư, tôi nói, họ triển khai.”
Kể từ khi vận hành khu du lịch đã một vài lần xảy ra sự cố, thậm chí gây chết người. Năm 2009 một con cọp vượt rào tấn công công nhân. Bốn năm sau, một chú voi tấn công người chăm sóc. Cả hai công nhân đều tử vong.
Một số tai nạn khác với du khách phải kể đến như ngồi trên xe di chuyển bị té ngã hay du khách tham gia trò chơi bị hất văng ra ngoài, trường hợp nặng tử vong, trường hợp nhẹ gãy xương.
Lý do khu du lịch quá đông, du khách chen lấn dẫn đến tai nạn. Bất chấp những sự cố này khu du lịch Đại Nam vẫn tỏ ra có sức hút đặc biệt với người dân khu vực Bình Dương, TP.HCM và vùng phụ cận.
Cuối năm 2014, ông Dũng tuyên bố miễn phí vé vào cổng cho du khách trong một tuần. Trong thời gian Đại Nam “khuyến mãi”, quốc lộ 13, con đường huyết mạch nối TP.HCM với Bình Dương rơi vào tình trạng hỗn loạn từ sáng sớm. Có ngày 5 km quốc lộ 13 vắt qua cổng khu du lịch kẹt cứng khi người dân địa phương và tỉnh thành lân cận đổ xô đến Đại Nam.
Khách thăm quan xếp hàng mua vé. |
Theo thống kê của khu du lịch, trong đợt này Đại Nam đã thu hút hơn một triệu lượt khách. Ông chủ Đại Nam từ chối tiết lộ doanh thu của khu du lịch này nhưng cho biết đủ sức trả lương 1.200 nhân viên, kinh phí duy tu bảo dưỡng khu du lịch và tiếp tục đầu tư mở rộng.
Hiện tại giá vé vào cổng của Đại Nam là 100 ngàn với người lớn và 50 ngàn cho trẻ em. Vé tham gia trọn gói các trò chơi khoảng 500 ngàn và du khách mất khoảng một ngày mới trải nghiệm hết.
Một đơn vị tư vấn tài chính của Đại Nam cho biết doanh thu từ kinh doanh của khu du lịch khoảng 300 – 350 tỉ đồng/ năm, phù hợp với số lượng du khách tới Đại Nam mà ông Dũng đề cập.
Tuy nhiên khu du lịch có nguồn thu khác từ yến sào. Sau khi ông Dũng dựng núi, tạo ra sơn động chim yến bay về làm tổ.
Sản lượng khai thác mỗi năm tăng thêm khoảng 25% và hiện tại đã đạt một tấn. Ông nói: “Đời sau cũng không phải băn khoăn về mặt kinh tế. Tiền lời chủ yếu để tiếp tục xây dựng, tái đầu tư. Mình xây dựng khu du lịch nên trời phật thương mình.”
Năm 2013, có thời điểm Đại Nam trở thành đề tài ăn khách của nhiều trang thông tin điện tử. Một số bài viết cho biết ông chủ này chơi ngông trong lễ sinh nhật của cậu con trai một tuổi khi chuyển giao quyền điều hành khu du lịch cho con. Ông phủ nhận: “Không có chuyện đó! Một tuổi sao có thể làm chủ tịch, điều hành công ty được?” Giải thích, ông cho biết Đại Nam không vận hành như một doanh nghiệp kinh doanh vì lợi nhuận mà từ năm 2014, toàn bộ lợi nhuận được chuyển giao cho quỹ thiện nguyện Huỳnh Hằng Hữu – tên con trai, mà hai vợ chồng ông là người giám sát.
Hoạt động nổi bật của quỹ là tài trợ mổ tim cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2017, quỹ đã tài trợ mổ tim cho khoảng 500 ca. “Năm nào lời nhiều thì mổ tim nhiều, năm nào lời ít thì mổ ít. Mình làm từ tâm, tự nguyện có ai bắt buộc đâu. Đó là chuyện chia sẻ, mình làm để lại cho xã hội,” vị doanh nhân mộ đạo Phật này nói.
Một góc của khu du lịch Đại Nam. |
Ông Dũng sinh năm 1961 tại Bình Định, tên khai sinh là Huỳnh Phi Dũng. Năm 1983, sau bốn năm nhập ngũ phục vụ chiến trường Campuchia, ông chuyển ngành sang làm cán bộ ban tổ chức công an tỉnh Sông Bé (cũ).
Ông kết hôn với người vợ đầu, hơn ông sáu tuổi, con gái giám đốc sở Nông nghiệp Sông Bé. Cuộc hôn nhân được những người biết ông Dũng lâu năm nhận xét như nấc thang giúp ông phát triển sự nghiệp kinh doanh sau này khi được sự hậu thuẫn, ủng hộ của chính quyền.
Biệt danh Dũng “lò vôi” của ông chủ Đại Nam ra đời vào giữa thập niên 1980 khi ông để cán bộ nung vôi, làm thêm để cải thiện thu nhập. Năm 1990, ông Dũng trở thành giám đốc công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thành Lễ (Thalexim), công ty sơn mài tư nhân được quốc hữu hóa sau giải phóng, lúc ấy đang làm ăn bết bát.
Ông Dũng thuật lại ba điều kiện ông nêu ra lúc đó: được tự do tuyển dụng cấp phó; được chia 10% lợi nhuận; không nhận vốn ngân sách. Ông Dũng thành công với nhiệm vụ vực dậy công ty này.
Năm 1992, khi luật Doanh nghiệp có hiệu lực, thành phần kinh tế tư nhân được thừa nhận nhưng việc mở công ty gặp nhiều khó khăn vì “đi xin giấy đăng ký kinh doanh đòi hỏi doanh nghiệp phải có đất, doanh nghiệp đi xin đất lập công ty thì đòi phải có giấy phép thành lập công ty.” Tại sao không làm sẵn một khu công nghiệp, hạ tầng đầy đủ để doanh nghiệp thuê làm chỗ kinh doanh, giải quyết bài toán con gà và quả trứng?
Ý tưởng của ông Dũng được chính quyền Bình Dương ủng hộ. Thalexim trở thành đơn vị đầu tiên trên cả nước được phép thí điểm thành lập khu công nghiệp Bình Đường (tỉnh Sông Bé cũ).
Ông nói: “Giai đoạn đầu giữa sự năng động sáng tạo và cố ý làm trái chỉ cách nhau một sợi tóc. Nếu làm đem lại hiệu quả là năng động sáng tạo. Làm cái mới mà không đem lại hiệu quả thì ghép vào tội cố ý làm trái. Mình phải vừa làm vừa ráng gìn giữ.”
Do đáp ứng đúng nhu cầu xã hội khu công nghiệp diện tích 16,5 héc ta này mau chóng lấp đầy. Sẵn đà, năm 1995, Thalexim tiếp tục triển khai khu công nghiệp Sóng Thần 1 với diện tích 178 héc ta. “Tôi làm khu công nghiệp sớm hơn ba năm so với quy định chính thức. Sóng Thần 1 và Bình Đường mở ra tạo cơ hội việc làm cho ngàn người, làm thay đổi cả vùng đó,” ông nhớ lại.
Thành công của Thalexim khiến Bình Dương (tỉnh tách ra từ Sông Bé) sau này trở thành địa phương đi đầu trong cả nước phát triển khu công nghiệp và cũng trở thành cú chạy đà cho ông Dũng “lò vôi” khởi nghiệp kinh doanh riêng. Năm 1996 ông nghỉ việc nhà nước lập công ty cổ phần Sóng Thần, chủ đầu tư khu công nghiệp Sóng Thần 2, với diện tích 279 héc ta.
Năm 2005 ông mở tiếp khu công nghiệp Sóng Thần 3 với diện tích 533 héc ta hiện tại lấp đầy khoảng 80%. “Làm khu công nghiệp thật ra không có gì khó. Khó nhất là công tác đền bù. Đối với tôi lại đơn giản, đền bù thỏa đáng thì không ai đi thưa kiện.” Năm 1999, khởi công xây dựng khu du lịch ông đổi tên công ty thành công ty cổ phần Đại Nam.
Hiện tại trong mảng kinh doanh khu công nghiệp, phần lớn tiền thuê đất các công ty trả một lần nên doanh thu chính đến từ mảng kinh doanh du lịch. Bất đồng quan điểm với chính quyền tỉnh Bình Dương về việc phát triển các dự án bất động sản trong khu công nghiệp Sóng Thần 3, năm 2014, ông Dũng tuyên bố đóng cửa Đại Nam và khởi kiện chính quyền ra tòa.
Tuy nhiên sự việc sau đó lắng xuống. “Chuyện ấy bây giờ nhắc đến làm chi nữa,” ông chủ Đại Nam nói tránh như vậy khi được hỏi lại về chủ đề này. Theo ông, các dự án bất động sản của Đại Nam hiện nay không triển khai mà trở thành “của để dành.” “Nếu tôi vay nợ để làm Đại Nam thì từ khủng hoảng 2008 đến giờ thì chết tôi rồi,” ông Dũng, người thuộc thế hệ doanh nhân đầu tiên sau thời kỳ Đổi mới, nói.
“Ông nhắc lời khuyên của người vợ kế, bà Nguyễn Phương Hằng, rằng sống thanh thản, không vay mượn để đầu tư. Ông nói: “Tôi buông bỏ từ đó. Mình lớn tuổi rồi sức khỏe không còn nữa, cứ tối ngày đi vay mượn để đầu tư, tham lam quá đời sau con cháu có khi phải gánh nợ.” Năm 2013, ông chủ này có hành động “chơi ngông” tuyên bố thưởng 100 tỉ đồng cho bất cứ ai chứng minh ông có đi vay nợ khi Đại Nam dính tin đồn nợ nần 2.000 tỉ đồng.
Đại Nam đầu tư 1.000 tỉ đồng để xây dựng trường đua phức hợp “5 trong 1”: đua ngựa, đua chó, đua mô tô phân khối lớn, đua xe F1Năm 2008. |
Ông Dũng tới buổi phỏng vấn với chiếc áo thun trắng bỏ ngoài quần, chân mang dép da Biti’s. Trước đề nghị thay bộ trang phục chỉn chu hơn ông từ chối và cho biết mặc áo vest, đeo cà vạt trở thành một cực hình.
Nhìn dáng vẻ xuề xòa của ông chồng, bà Hằng lập tức gọi điện thoại, nói oang oang trên máy: “Mang cho anh cái áo với đôi giày. Xuất hiện trên tạp chí quốc tế đó.”
“Bà xã” là danh xưng ông Dũng gọi người vợ kế, phó chủ tịch Đại Nam.Theo sáng kiến của bà Hằng, Đại Nam đầu tư 1.000 tỉ đồng để xây dựng trường đua phức hợp “5 trong 1”: đua ngựa, đua chó, đua mô tô phân khối lớn, đua xe F1Năm 2008, ông Dũng đổi tên thành Huỳnh Uy Dũng vì cho rằng “cuộc sống bước vào một vận khác.”
Cũng từ đó, ông chủ Đại Nam bắt đầu viết sách “kết tinh từ nhân quả kiếp trước của mình, đúc rút từ những chuyện nghịch cảnh ngang trái.” Vì điều này, một số doanh nhân gọi ông chủ Đại Nam là Dũng “khùng.”
Doanh nhân này tỏ ra có nhân sinh quan khác người khi nói: “Mình sinh ra coi như xuống đây làm để xong cái này. Nếu lỡ làm chưa xong, kiếp sau xuống nữa không biết lúc ấy có tiền để làm tiếp không, vì vậy, chưa xong chưa về.”
Ông cho biết trong kinh doanh và cuộc sống luôn dự phòng đến tình huống xấu nhất, thậm chí trong cuộc sống hiện nay “nhà tôi dự trữ gạo ăn trong sáu tháng, có 10 chiếc xe đạp bơm tay” để “nếu vũ trụ có biến cố không ai phục vụ xăng dầu, thì mình có phương tiện, thức ăn duy trì cuộc sống.”
Ở tuổi ngũ tuần, người rót ngàn tỉ đồng xây dựng Đại Nam, chủ của hai khu công nghiệp rộng 800 héc ta rảnh rỗi vào đền thắp hương. Ông cho hay, có lúc tập đánh golf ba lần cảm thấy mình không phù hợp.
Nếu du khách tới Đại Nam bắt gặp một người trung niên, ăn mặc xuề xòa, đi lại trong khu du lịch rộng mấy trăm héc ta bằng chiếc xe Wave tháo biển số, ăn khúc bánh mì cho qua bữa khi đứng giữa công trường chỉ đạo công nhân làm việc thì rất có thể đó là ông chủ Đại Nam, người đang tiếp tục rót tiền xây dựng đền thờ, bến du thuyền, khu thảo nguyên cho du khách cưỡi ngựa. “Tôi tranh thủ còn mấy năm để làm những việc đã phát tâm, tranh thủ sắp xếp lại các đơn vị trực thuộc, xây dựng những công trình thờ tự, ráng tranh thủ làm cho xong,” ông nói.
Advertisement
Advertisement