10/09/2017 02:35
'Ở Việt Nam có biến tướng dẫn đến sai lệch, méo mó BOT'
Các chuyên gia chỉ ra rằng, ý tưởng thực hiện các dự án BOT giao thông thì thích cực nhưng quá trình thực hiện và kết quả hết sức tai hại, không cho người dân có quyền lựa chọn sử dụng hay không.
Phát biểu tại buổi tọa đàm “BOT - Chính sách và giải pháp” do Trung tâm Trọng tại Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Viện nghiên cứu chính sách diễn ra tuần qua, nhiều chuyên gia đã chỉ ra những bất cập cũng như hệ luỵ của các dự án BOT.
Biến tướng, méo mó
Đóng góp nhận định về sự phát triển của BOT, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh "đúc kết" ngắn gọn: "Ý tưởng thì thích cực nhưng quá trình thực hiện và kết quả hết sức tai hại, đặc biệt là quy định bảo mật".
Còn theo Phó Chủ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ông Nguyễn Văn Chiến, có nhiều giải pháp để đưa ra chính sách để thu hút nguồn lực trong xã hội, trong đó BOT. Trong xu hướng chung, ở Việt Nam, một loạt dự án BOT giao thông đi vào hoạt động và mang lại lợi ích kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, ông Chiến đặt vấn đề: "Ở khía cạnh về chính sách, phê duyệt dự án, kêu gọi đầu tư, liên quan đến thầu, chỉ định hay thực hiện theo quy trình đúng luật hay không? Tôi cho rằng, ở Việt Nam có biến tướng dẫn đến sai lệch, méo mó BOT. Điều này đang cho thấy nhận diện một bộ mặt thật của BOT Việt Nam".
Còn theo PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao từ Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học, kỹ thuật Việt Nam – Vusta), nếu coi BOT là chính sách quốc gia thì xem xét trách nhiệm quốc hội đến đâu.
"Tôi nghĩ còn vấn đề nữa, hệ lụy hiện nay cứ chấp nhận à, có sửa không? Với dự án đường gom cũng đặt BOT, trạm thu phí cách nhau 7-10km cũng đặt, giải quyết thế nào? Câu chuyện về pháp lý sẽ xảy ra tranh chấp nhà đầu tư với cơ quan quản lý Nhà nước, tranh chấp mang tính hành chính quyền lực trong những hợp đồng như vậy? Một loạt vấn đề pháp lý, thể chế liên quan tới giải quyết những cái đang tồn tại", ông nói.
BOT không cho dân quyền lựa chọn
Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh: "BOT làm trên nền các đường đã sẵn có bằng ngân sách nhà nước, đó là đường của dân. BOT Việt Nam không cho người sử dụng quyền lựa chọn. BOT một số nước tôi thấy hạn hữu thu ở những chỗ cần thiết, họ làm đường cho những người nhiều tiền muốn thuận lợi nhất thì đi vào đó. Ở Thái lan có đường ùn tắc, họ làm thêm BOT đường phụ, có tiền chạy vào đó cho nhanh, rất rõ ràng. Vấn đề lớn hơn ở tầm chính sách, pháp luật, cần thiết chế một luật về PPP, BOT, BT, luật về đối tác công tư quốc hội cần xem xét".
Cho rằng kể cả nếu nhìn theo con mắt quá tiêu cực, bi đát thì chính sách BOT hàng chục năm qua cũng có nhiều thành tựu nhất định, nhưng ông Nguyễn Phước Thọ, Vụ phó Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ cũng thừa nhận: "Góc độ pháp lý tôi cho rằng để tình trạng này là không ổn, kể cả về mặt nhận thức đến chính sách. Chính sách mà để tác dụng thế này là không đạt mục tiêu của chính sách, không thể chấp nhận chính sách BOT gây tác hại cho quốc gia, đất nước".
"Rất mong cho cái nhìn cụ thể hơn. Sai hàng chục năm nay cứ để thế này. Luật PPP thực tế cũng đừng sính luật nhiều quá, không đi vào bản chất vấn đề", ông nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết: "Ở Mỹ, đường cao tốc là miễn phí, có một số địa phương xây dựng cho địa phương cao tốc và thu phí. Tại đường thu phí, trước khi đi vào 500m có bảng cảnh cáo, đây là đường thu phí, lái xe có thể trả tiền đồng hoặc thẻ tín dụng. Người đi vào có lựa chọn hoặc trở lại hoặc trả tiền để đi cao tốc. Việt Nam cũng phải tiến tới một cơ chế như vậy, dân có quyền sử dụng không sử dụng nhưng đã dùng là phải tuân thủ".
Ông Hiếu cho rằng, với các dự án BOT, nếu Chính phủ không có một giải pháp hiệu qủa, có thể những chương trình BOT trong tương lai sẽ gặp trở ngại.
"Dân phản đối, nhà đầu tư lợi ít, có lợi ích nhóm, hối lộ… chương trình BOT tương lai có thể sẽ thất bại. Nếu không nhìn nhận đúng thì phải đưa ra quyết sách, không vẽ một bức tranh quá xá. BOT là công cụ phát triển kinh tế, Việt Nam cần BOT nhưng nếu không nhìn nhận rõ và có thể sẽ thất bại trong thời gain tới", ông nói thêm.
Advertisement
Advertisement