Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, trong quý I/2021, lượng nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc các loại về Việt Nam đạt 35.360 chiếc, tăng đến 31,1% so với quý cùng kỳ năm 2020. Riêng trong tháng 3, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu tăng đến 69,1% tháng trước, đạt 16.980 chiếc.
Ô tô nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu là xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống và ô tô tải, chiếm tỷ trọng tới 92%. Trong đó, lượng xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhập khẩu trong quý I đến hơn 23.000 chiếc; ô tô tải là 9.450 chiếc.
Ô tô nguyên chiếc các loại nhập về Việt Nam trong quý I/2021 vẫn từ các thị trường quen thuộc là Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc. Trong đó, 2 thị trường Thái Lan và Indonesia chiếm 80% tổng lượng nhập khẩu của cả nước. Cụ thể, lượng xe nhập từ Thái Lan là 19.305 chiếc, tăng 56% so với quý I/2020. Riêng xe nhập từ Indonesia lại giảm 26% so với quý cùng kỳ, đạt 8.950 chiếc. Quý I/2020, ô tô nhập khẩu từ Indonesia là 12.032 chiếc.
Dù xe nhập nguyên chiếc từ Thái Lan và Indonesia về Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất, nhưng theo Tổng cục Hải quan, trong quý I năm nay, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc tăng rất cao, gấp 6 lần con số 655 chiếc của quý I/2020, lên đến 3.945 chiếc.
Thị trường ô tô Việt Nam khoảng 2 năm trở lại đây chứng kiến sự xuất hiện của ôtô Trung Quốc ngày càng nhiều. Xe Trung Quốc đa dạng từ các hãng khác nhau như Beijing, Brilliance, BAIC và thường được nhập bằng hình thức nhập tư nhân số lượng nhỏ.
Theo Tổng cục Hải quan, Trung Quốc đang đứng thứ 3 trong số các quốc gia nhập khẩu nhiều ôtô nhất vào Việt Nam, chỉ sau Thái Lan và Indonesia.
Xe Trung Quốc có mức giá rẻ, lại có thiết kế na ná các dòng xe sang, là lý do giúp xe Trung Quốc nổi lên như một hiện tượng. Nhưng chất lượng, an toàn thì vẫn là vấn đề gây tranh luận. Sau dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc, xe nhập khẩu từ nước này bắt đầu tăng tốc trở lại và "đổ bộ" vào Việt Nam cuối năm 2020. Năm ngoái, Việt Nam nhập hơn 7.400 ô tô Trung Quốc.
Đặc biệt vào đầu năm 2020, Công ty Tan Chong (Malaysia) đã đưa thương hiệu ô tô MG nguồn gốc Anh nhưng thuộc sở hữu tập đoàn ô tô Thượng Hải (SAIC) vào Việt Nam.
Tiếp đó, các nhà phân phối cũng đưa Brilliance V7 – mẫu xe được gọi bằng cái tên “BMW Trung Quốc” và Beijing X7 nhiều tính năng vào thị trường Việt Nam, làm tăng sự hiện diện của xe Trung Quốc.
Hiện ô tô Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu từ 47-70% tùy loại. Đây là bất lợi so với xe nhập khẩu nguyên chiếc của các thị trường trong khối ASEAN hưởng ưu đãi thuế 0%.
Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), trong tháng 3, có 17.140 xe lắp ráp trong nước được tiêu thụ, tăng 99% so với tháng 2.
Đáng chú ý, xe nhập khẩu nguyên chiếc bán ra tăng đến 177%, đạt con số 13.795 chiếc. Tính cả quý đầu năm, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 24%, trong khi xe nhập khẩu tăng 55% so với quý I/2020.