03/05/2023 11:18
Nước tiểu màu trắng đục như sữa báo hiệu bệnh về tiết niệu nguy hiểm
Nước tiểu trắng đục như sữa trong thời gian dài, người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh đái dưỡng chấp. Bệnh do nhiễm giun chỉ, có thể tồn tại trong cơ thể người đến hàng chục năm
1. Biểu hiện lâm sàng của bệnh
Đái ra dưỡng chấp là bệnh có tính chất từng đợt xen kẽ những giai đoạn hoàn toàn bình thường, kéo dài nhiều năm. Bệnh tuy không phải bệnh cấp cứu nhưng nếu không phát hiện sớm, chữa trị kịp thời có thể dẫn đến suy kiệt do mất chất dinh dưỡng.
TS.BS Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Phẫu thuật Thận Tiết niệu và Nam học Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, quá trình thăm khám, bác sĩ gặp không ít trường hợp tới viện trong tình trạng gầy mòn, nước tiểu có màu trắng đục như vậy.
Trong nước tiểu không có dưỡng chấp. Bình thường, dưỡng chấp chỉ nằm trong hệ bạch huyết, thành phần chủ yếu là triglycerid, phospho lipid và cholesterol tự do. Sở dĩ có dưỡng chấp trong nước tiểu là do có lỗ rò từ hệ thống bạch huyết thông sang hệ thống tiết niệu.
Bệnh thường không có biểu hiện gì hoặc có thể sốt nhẹ nếu có nhiễm khuẩn. Biểu hiện đầu tiên là nước tiểu đục như sữa. Đái dưỡng chấp thường xuất hiện từng đợt, có thể tự ổn định. Bệnh nhân đái dưỡng chấp có thể trạng gầy tùy theo mức độ đái ra dưỡng chấp nhưng vẫn sinh hoạt bình thường, không gặp tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu: không đái dắt, không đái buốt, không đau quặn thận.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Tại Việt Nam, đái dưỡng chấp thường gặp ở bệnh lý giun chỉ, gặp ở những vùng có yếu tố dịch tễ nơi có lưu hành bệnh giun chỉ, thường ở những vùng sâu vùng xa.
Giun chỉ là loại ký sinh trùng sống trong hệ thống bạch huyết. Giun cái đẻ trứng rồi nở thành ấu trùng giun chỉ. Sau 21 ngày ấu trùng sẽ phát triển và trở thành ấu trùng có khả năng gây bệnh. Muỗi (mang ấu trùng giun chỉ) đốt người bình thường và truyền ấu trùng giun chỉ gây bệnh sang cho người đó. Ấu trùng cư trú trong hệ thống bạch huyết, 3 tháng sau trưởng thành lại đẻ trứng và tiếp tục chu kỳ trên.
Ngoài ra còn có thể do di chứng sau chấn thương thận, hạch hoặc u vùng trung thất chèn ép vào ống bạch mạch ngực, u sau phúc mạc, di chứng sau viêm lao - giang mai.
Triệu chứng của bệnh rất đặc trưng, bệnh nhân đi tiểu nhiều và nước tiểu trắng như sữa, không đau, buốt. Nếu ăn nhiều đồ mỡ, ăn nhiều chất dinh dưỡng, nước tiểu sẽ đục hơn. Do không có triệu chứng đau nên đa phần bệnh nhân chỉ tìm đến bác sĩ khi cơ thể suy kiệt.
3. Cách chẩn đoán bệnh
Bệnh đái dưỡng chấp cần phân biệt với đái mủ, đái phosphate canxi, đái tinh dịch. Người bệnh có thể phát hiện lỗ rò từ đường bạch mạch vào đường tiết niệu bằng phương pháp chụp hệ bạch mạch có tiêm thuốc cản quang hoặc chụp bể thận ngược dòng có bơm thuốc cản quang.
- Có dưỡng chấp trong nước tiểu (định tính, định lượng).
- Tăng bạch cầu ái toan trong máu (gợi ý nhiễm giun chỉ).
- Soi bàng quang: nhìn thấy nước tiểu đục phụt xuống từ thận (1 bên hoặc cả 2 bên).
- Chụp niệu quản, bể thận ngược dòng: Nhìn thấy thuốc cản quang thấm vào đường rò từ bể thận vào bạch mạch (như rễ cây).
4. Điều trị đái dưỡng chấp
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp.
- Nếu do giun chỉ, bác sĩ có thể chỉ điều trị nội khoa để tiêu diệt giun chỉ và ấu trùng của chúng. Có thể bơm rửa bể thận bằng dung dịch nitrat bạc 0,5%.
- Có thể điều trị bằng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
- Ngoài ra, bác sĩ có thể can thiệp bằng ngoại khoa để giải quyết vấn đề rò rỉ ống bạch mạch và đài bể thận.
Tóm lại: Đái dưỡng chấp tuy không phải là bệnh cấp nguy hiểm nhưng gây sợ hãi cho người bệnh khi thấy nước tiểu đục trắng như sữa hoặc đỏ đục máu. Nếu đái dưỡng chấp nặng thường xuyên, không được điều trị dần dần người bệnh sẽ bị suy kiệt và chết do xơ gan, lao phổi, suy dinh dưỡng...
Vì thế khi thấy nước tiểu đục có váng, đục như nước rửa thịt… bệnh nhân nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.
(Nguồn: Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp