14/11/2023 08:24
Nông dân và nhà sản xuất ở Ấn Độ đồng loạt 'kêu trời' vì cây mía đường
Những lo ngại về giá lương thực hiện ngày càng tăng khi chính phủ Ấn Độ thắt chặt chính sách xuất khẩu và bắt đầu chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc gia vào năm tới.
Rủi ro sức khỏe
Ấn Độ - nhà sản xuất đường lớn nhất thế giới đã đưa ra lời kêu gọi cấm xuất khẩu trong bối cảnh khủng hoảng giá lương thực toàn cầu. Quyết định này được đưa ra sau khi các huyện trồng mía hàng đầu của Ấn Độ chứng kiến lượng mưa trung bình bằng một nửa trong năm nay và sản lượng đường của nước này có thể giảm tới 3,3% - xuống còn 31,7 triệu tấn - trong niên vụ bắt đầu hồi tháng 10.
Điều này xảy ra sau khi nước này cũng hạn chế xuất khẩu gạo trắng non-basmati trong một động thái khiến khoảng 1/5 lượng gạo tồn kho quốc tế ra khỏi thị trường. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã nêu quan ngại về lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, cho rằng lệnh này có thể có tác động toàn cầu tương tự như việc đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen.
Việc thắt chặt các chính sách cấm vận đối với việc xuất khẩu lúa gạo, lúa mì và đường ra nước ngoài để tăng cường nguồn cung cấp ở thị trường nội địa làm giá đường trong nước rơi xuống mức thấp nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến những người nông dân trồng mía và các nhà máy đường, thậm chí là sức khỏe của cả triệu người dân Ấn.
Các giải pháp kiềm chế giá đường trên thực tế đã khuyến khích các nhà sản xuất trong nước sử dụng ngày càng nhiều đường cho các loại bột ngũ cốc ăn sáng, nước ngọt, nước trái cây và đồ ăn vặt cho trẻ em. Điều đó mang lại những hậu quả tốn kém cho sức khỏe cần được chú ý nhiều hơn.
Ấn Độ hiện chiếm khoảng 17% số bệnh nhân tiểu đường trên thế giới, tương đương 80 triệu trong tổng số 470 triệu dân. Ngày càng có nhiều báo cáo về việc đất nước này nổi lên như "thủ đô tiểu đường của thế giới".
Khuyến khích tiêu thụ đường trong nước bằng cách giảm giá sẽ chỉ làm tăng thêm nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường và tăng chi phí chăm sóc sức khỏe cho các hộ gia đình, công ty và chính phủ. Tệ hơn nữa, các nhà sản xuất thực phẩm đã thành công chống lại việc áp dụng các quy định ghi nhãn chặt chẽ hơn cho các sản phẩm có hàm lượng đường cao.
Nghịch lý quanh cây mía đường
Trong niên vụ gần nhất, Ấn Độ chỉ cho phép xuất khẩu 6 triệu tấn đường sau khi sản lượng giảm mạnh. Trước đó, năm 2022, xứ sở cà ri xuất khẩu 11 triệu tấn đường. Kết quả là, tính đến tháng 9, Thái Lan đã vượt qua Ấn Độ để trở thành nước xuất khẩu số 2 toàn cầu.
Từ đầu năm đến nay, giá đường trên thị trường quốc tế đã liên tục neo ở mức cao, thậm chí có lúc lên mức cao nhất 12 năm trở lại đây do lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Theo các đánh giá gần nhất, lượng đường tồn kho trên thế giới dự kiến trong niên độ 2022/2023 sẽ giảm 13% so với niên độ trước, tạo áp lực khiến giá đường neo ở mức cao.
Việc kiểm soát giá đường trong nước đang gây tổn hại nghiêm trọng cho các nhà máy ở Ấn Độ. Trong quý 2/2023, mọi nhà tinh chế đường lớn ở Ấn Độ đều hòa vốn hoặc ghi nhận lỗ dù giá đường toàn cầu đang ở mức cao nhất trong 6 năm.
Nông dân trồng mía cũng không khác là mấy. Chính phủ tiếp tục tăng giá cố định cho cây mía đường, nhưng sức ép tài chính đối với các nhà sản xuất đã khiến họ trì hoãn thanh toán mía cho nông dân. Tính đến ngày 21/7, số tiền còn tồn phải thanh toán ở mức 94,99 tỷ rupee (1,14 tỷ USD), gây áp lực lên nông dân vốn đang phải vật lộn với giá phân hóa học, điện, lao động và các đầu vào khác tăng cao.
Những tiếng ồn ào trong chuỗi cung ứng sẽ trở nên tệ hơn. Nông dân tiếp tục trồng thêm mía để tận dụng giá tăng từ chính phủ. Nhưng các nhà máy đường không đẩy mạnh được xuất khẩu thì không thể bắt đầu mở rộng sản xuất đường.
Những thay đổi thường xuyên trong hạn chế xuất khẩu gây ra sự phức tạp cho người mua đường nước ngoài và khiến nước này trở thành nhà cung cấp không đáng tin cậy.
Một số nước nhập khẩu sẽ phát triển nguồn cung cấp thay thế hoặc tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nhà xuất khẩu khác như Việt Nam và Thái Lan. Điều này sẽ tạo ra sự phức tạp cho Ấn Độ trong những năm tới khi nước này lại phải giải quyết vấn đề sản xuất dư thừa.
Giá đường giảm có thể khuyến khích mọi đối tượng người tiêu dùng không tiết kiệm việc sử dụng nó, chính phủ Ấn Độ nên xem xét việc áp thuế đối với thực phẩm và đồ uống có nhiều đường. Điều này sẽ làm giảm việc sử dụng đường của các công ty thực phẩm và giúp hỗ trợ thói quen ăn uống lành mạnh hơn.
Đã đến lúc New Delhi phải cho phép xuất khẩu đường tiếp tục. Giá trong nước có thể tăng lên, nhưng điều này sẽ cung cấp tiêu dùng thận trọng, giảm chi phí chăm sóc sức khỏe và cải thiện tình hình tài chính của các nhà máy sản xuất đường trong nước và để những người nông dân có thể an tâm tiếp tục những vụ mùa tiếp theo.
(Nguồn: Nikkei)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp