27/09/2017 03:36
Nỗi sợ của Triều Tiên sau lời đe dọa bắn hạ oanh tạc cơ Mỹ
Triều Tiên luôn thận trọng chừa lại lối thoát cho mình trong những lời đe dọa quyết liệt nhất nhắm đến Mỹ.
Đêm 23/9, phi đội oanh tạc cơ tầm xa B-1B dưới sự hộ tống của tiêm kích F-15 lặng lẽ bay dọc bờ biển phía đông Triều Tiên trong hành trình xa nhất về phía bắc vĩ tuyến 38 suốt nhiều thập kỷ qua. Hai ngày sau, Ngoại trưởng Triều Tiên đe dọa nước này có quyền bắn hạ máy bay ném bom Mỹ dù chúng không tiến vào không phận, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nổ ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, bất chấp những tuyên bố quyết liệt, Triều Tiên chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ bắn máy bay Mỹ hoạt động gần không phận. Trong cuộc điều trần trước quốc hội hôm qua, các quan chức tình báo Hàn Quốc cho rằng radar phòng không của Triều Tiên có thể không phát hiện ra sự hiện diện của các oanh tạc cơ này, hoặc Bình Nhưỡng chỉ đơn giản là muốn tránh một cuộc đối đầu với Washington, theo NYTimes.
Đằng sau những tuyên bố "đao to búa lớn" mà cường quốc hạt nhân Triều Tiên đưa ra gần đây để chứng tỏ quyết tâm đối đầu với Mỹ, nhiều nhà phân tích nhận thấy nỗi lo lắng của giới lãnh đạo nước này trong việc tránh một cuộc chiến mà họ không thể thắng và cẩn trọng để lại lối thoát ngay cả trong những lời đe dọa nghiêm trọng nhất.
"Tôi có thể cảm nhận thấy nỗi sợ trong giọng điệu của họ", tướng Shin Won-sik, cựu chiến lược gia hàng đầu của quân đội Hàn Quốc, cho biết. "Họ không thể khai chiến với Mỹ khi chiến đấu cơ của họ không bay được xa vì thiếu nhiên liệu hoặc có nguy cơ bị rơi cao".
Theo các quan chức tình báo Hàn Quốc, ngay cả khi đưa ra lời đe dọa bắn hạ máy bay Mỹ, quân đội Triều Tiên vẫn ra chỉ thị cho các đơn vị đóng quân ở gần biên giới Hàn Quốc không có những quyết định bốc đồng và yêu cầu họ thực hiện đúng trình tự báo cáo trước khi thực hiện bất cứ hành động nào.
"Họ rất muốn tránh hành vi khiêu khích quân sự hay đụng độ bất ngờ", Lee Cheol-woo, chủ tịch ủy ban tình báo quốc hội Hàn Quốc, dẫn lời các quan chức tình báo nước này nói trong cuộc họp kín.
Nhiều người cho rằng sự khó lường của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo trẻ tuổi Triều Tiên Kim Jong-un có thể làm bùng lên xung đột bất ngờ giữa hai quốc gia ngay cả khi đội ngũ cố vấn ra sức can ngăn họ. Tuy nhiên, các chuyên gia về Triều Tiên đều nhất trí rằng sẽ không hề khôn ngoan khi phản ứng thái quá với những tuyên bố đầy khiêu khích của Bình Nhưỡng.
"Họ có thể có thừa ý chí nhưng không đủ phương tiện để chống lại người Mỹ", Shin In-kyun, chuyên gia quân sự điều hành nhóm dân sự Mạng lưới Phòng vệ Hàn Quốc, cho biết.
Theo các chuyên gia, dù Triều Tiên trước đây đã bắn hạ hai máy bay quân sự Mỹ vào năm 1969 và 1994, Bình Nhưỡng ngày nay gần như không thể diệt được oanh tạc cơ B-1B, tiêm kích F-15 hay chiến đấu cơ tàng hình F-35, đặc biệt là khi chúng bay trên không phận quốc tế ngoài khơi bờ biển Triều Tiên.
Về lý thuyết, các hệ thống tên lửa phòng không Triều Tiên như KN-06 hay S-200 có thể đạt tầm bắn khoảng 250 km, nhưng hệ thống radar cảnh giới và dẫn bắn của họ khó có thể chống lại công nghệ gây nhiễu hiện đại trên các máy bay hộ tống Mỹ. Phi đội tiêm kích MiG già cỗi của Triều Tiên cũng gần như không có cơ hội sống sót trước chiến đấu cơ F-15 hay F-35 của Mỹ, Shin và các chuyên gia quân sự khác nói.
Chừa lại lối thoát
Theo các chuyên gia, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cần phải có những động thái cứng rắn trước lời lẽ đe dọa "hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên" của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhằm chứng minh cho người dân nước này thấy rằng Bình Nhưỡng không chịu khuất phục trước sự dọa dẫm của ngoại bang.
Tuy nhiên, trong những lời lẽ đáp trả mạnh mẽ nhất, Triều Tiên cũng rất cẩn thận chừa lại lối thoát cho riêng mình.
Khi tuyên bố sẽ phóng 4 tên lửa đạn đạo tới vùng biển gần đảo Guam của Mỹ hồi tháng 8, Triều Tiên còn rào trước đón sau rằng kế hoạch này đang được "xem xét nghiêm túc". Khi đáp trả bài phát biểu "Triều Tiên sẽ không trụ được lâu" của Trump tại Liên Hợp Quốc cuối tuần trước, Kim Jong-un vẫn nói rằng ông sẽ "xem xét biện pháp phản ứng ở mức độ cao nhất trong lịch sử".
Trong lời đe dọa của mình hôm thứ hai, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho không hề nói rằng Bình Nhưỡng sẽ bắn hạ oanh tạc cơ Mỹ, mà chỉ khẳng định họ "có quyền" làm như vậy.
"Triều Tiên rất biết cách lựa chọn từ ngữ của mình", Cheon Seong-whun, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, nhận định. "Họ biết phải tính toán các bước đi của mình như thế nào. Họ không hề bất cẩn".
Với những lời đe dọa này, Triều Tiên đang tìm cách khiến Mỹ phải suy xét thận trọng về những hành động phô trương sức mạnh trong tương lai, thậm chí là đóng vai nạn nhân đang phải tự vệ trước hành vi bắt nạt của Mỹ, theo Lee Sung-yoon, chuyên gia về Triều Tiên tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts.
Bình Nhưỡng đồng thời cũng hy vọng rằng Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ kêu gọi các bên kiềm chế, trong khi sử dụng lời lẽ đe dọa của ông Trump như một cái cớ để tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân tiếp theo, Lee nói.
"Triều Tiên phải mạnh miệng vì họ sợ rằng nếu họ lùi bước trước sức ép hiện nay của Mỹ, họ sẽ không bao giờ lấy lại được vị thế của mình", Kim Yong-hyun, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Dongguk ở Seoul, nói. "Họ lo sợ rằng nếu nhún mình, Trung Quốc và Nga sẽ không giúp họ nữa".
Giới quan sát cho rằng việc thiếu một kênh ngoại giao cấp cao thường xuyên giữa Bình Nhưỡng và Washington làm gia tăng nguy cơ hai bên hiểu nhầm ý đồ của nhau, khiến những lời đe dọa mà lãnh đạo hai nước tung ra gần đây trở nên nguy hiểm hơn.
"Mức độ hiểu biết lẫn nhau giữa Mỹ và Triều Tiên là rất thấp, trong khi nguy cơ tính toán sai lầm lại rất cao", ông Cheon nói.
Lục Khảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm qua nói trong họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh rằng Trung Quốc "rất không hài lòng với khẩu chiến leo thang giữa Mỹ và Triều Tiên", bổ sung rằng sẽ "không có ai giành chiến thắng khi châm ngòi chiến tranh trên bán đảo".
Advertisement