Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Nỗi đau của chị bán vé số kiện ông trưởng ấp 'mua chịu' 41 triệu

Vĩ mô

22/05/2017 06:00

Chị T khóc nức nở nói 41 triệu chị phải dành dụm bán vé số trong 10 năm, vì dại dột tin người để rồi bị lừa. Còn ông trưởng ấp nói chị bán vé số dựng chuyện kiện tụng để bôi nhọ ông.

Nguyên đơn trong vụ án là chị NTT (40 tuổi, quê Thanh Hóa), còn bị đơn là ông LVR (54 tuổi, ở Củ Chi) là trưởng một ấp ở huyện Củ Chi,TP.HCM.

Mua chịu, mượn tiền chị vé số để đi nhậu?

Chị T trình bày, chị đã ly hôn chồng, đến khu vực huyện Củ Chi hành nghề bán vé số. Ông R. thường mua vé số của chị nên hai người quen nhau.

Chị bán vé số khóc nức nở vì sau hai phiên tòa kiện ông trưởng ấp đòi nợ chị đều bị xử thua. Ảnh: Ngọc Phan.

Năm 2010, con trai chị T. bỏ đi lang thang. Biết ông R. đang làm cán bộ xã nên chị nhờ đi tìm giúp. Ông R. đã tìm thấy con trai chị T. nên hai người trở nên thân thiết hơn.

Từ đó, ông R. thường ghé nhà chị T. chơi. Ông cũng thường xuyên mua vé số của chị và thường nợ rồi trả từ từ. Chị T. xem ông như ân nhân nên không tính toán chuyện tiền bạc.

Chị T nói mỗi lần gặp ông R. tâm sự rằng ông đang bị bệnh, con gái thì đang đi học đại học nên rất cần tiền. Chị T. rất đồng cảm và động viên ông.

Cũng từ đó, ông R. thường mượn tiền của chị T. Mỗi lần vài trăm, một triệu, một triệu rưỡi, hai triệu, ba triệu để đi nhậu, mua thuốc uống, đi đám cưới, đi chiêu đãi bạn bè vì được lên chức trưởng ấp, tiêu xài tết, đi chuộc xe và cả những lần mua vé số chịu...

Theo chị bán vé số, tổng cộng ông R đã vay của chị 35 lần với hơn 41 triệu đồng. Mỗi lần vay tiền là ở quán cà phê, hoặc ở nhà chị T.

Do là chỗ quan biết và tiền vay ít nên chị T. không làm hợp đồng vay. Chị chỉ ghi trong cuốn số tay là ông T, vay bao nhiêu tiền, ngày bao nhiêu hay vào mục đích gì.

Mỗi lần hai người nhắn tin cho nhau, ông R. đều hứa sẽ trả tiền. Ông còn nói, vì đang kẹt tiền nên khi được vay tiền của hội nông dân sẽ trả đầy đủ và trả hết. Chị T. yên tâm và tin tưởng hơn nữa là vì ông R. là một trưởng ấp. Vì thế, chị dự định, khi ông R. trả tiền sẽ mang đến ngân hàng gửi tiết kiệm cho con đi học.

Thế mà, năm 2015, nhiều lần chị nhắn tin đòi tiền không được. Tìm đến tận nơi ở, nơi làm việc ông R. rồi hết lần này đến lần khác thất hứa. Chị quyết định nhờ đến cơ quan pháp luật để đòi quyền lợi của mình.

TAND huyện Củ Chi xử sơ thẩm và bác đơn khởi kiện của chị, vì cho rằng chị không có bằng chứng chứng minh ông R. đã vay tiền. Chị kháng cáo.

“Cô ta dựng chuyện để bôi nhọ”

Ông R. nói rằng, vụ kiện đã làm mất thời gian, công sức cũng như danh dự của ông. Ông khẳng định là không vay tiền chị T. nên nhất định không trả.

Ông cũng trả lời với tòa rằng, chị T. nghe người ta xúi giục mới đi đòi tiền ông. ''Cô ta dựng chuyện để bôi nhọ tôi vì thấy tôi có nhiều người tín nhiệm. Sao lúc tôi chưa lên làm trưởng ấp cô ta không đi kiện'', ông R. nói.

Chị T. thì khẳng định đó là số tiền chị đi bán vé số và tiết kiệm được. 41 triệu đồng chị phải tiết kiệm gần mười năm.

Lắng nghe nỗi lòng của chị T, tòa khuyên giải: ''Đó là số tiền rất lớn đối với một người làm nghế bán vé số. Họ phải vất vả lắm mới có được để cho ông vay. Nếu ông thật tâm thì hãy trả cho người ta''.

''Làm sao có chuyện đó được. Mỗi lần họp hội đồng hay họp chi ủy ở xã cô ta cứ đến rồi làm ầm lên, để bôi nhọ tôi. Cô ta có gửi đơn lên xã, nhưng khi ban hòa giải mời hai bên lên làm việc, cô ta không trình được chứng cứ. Đơn kiện kết thúc.

Tôi cứ nghĩ, mọi chuyện sẽ êm xuôi. Nào ngờ, cứ phải mất thời gian đi hầu tòa. Giữa tôi và cô ta chỉ là mối quan hệ giữa người bán vé số, người mua vé số. Cô ta có nhờ đi tìm con trai, tôi đã giúp rồi'', ông R. khẳng định.

Trong khi đó, những người làm chứng trong vụ án đều khẳng định ông R. có vay tiền, và có mối quan hệ rất thân thiết với chị T.

Tòa yêu cầu chị T. cung cấp chứng cứ thì chị không cung cấp được. Tòa cho rằng, những tin nhắn, và cuốn sổ ghi chép của chị không thể được xem là chứng cứ nên đã bác kháng cáo của chị, tuyên y án sơ thẩm.

Nước mắt của chị bán vé số

Phiên tòa kết thúc, chị T. khóc nức nở: ''Vậy là tôi thua kiện sao. Vậy là tôi mất tiền à. Tôi chẳng quen ai, chẳng thù hằn ông ấy thì dựng chuyện, bôi nhọ làm gì. Đi kiện, tôi chỉ mong lấy được số tiền mà ông ấy đã vay. Lúc vay tôi, ông ấy rất vui, nói rất ngọt ngào, giờ ra tòa thì toàn nói lời cay đắng. Giờ nghĩ lại sao tôi dại quá. Tôi tin người ta để rồi bị lừa''.

Đến nay, chị T. cho biết, chị đã gửi đơn lên giám đốc thẩm để được xem xét. Chị chỉ mong rằng sẽ lấy được số tiền mà bao nhiêu năm mình đi khắp nơi bán từng tờ vé số mà tiết kiệm được.

NGỌC PHAN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement