06/01/2023 13:38
'Nội chiến' ở Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tiếp tục căng thẳng
Ông Nguyễn Công Phú tổ chức họp báo, ông Lê Viết Hải nói gì?
Theo thông tin phát đi từ phía Tập đoàn Hòa Bình, ngày 5/1/2023, hai thành viên HĐQT độc lập của HBC, gồm ông Nguyễn Công Phú và ông Dương Văn Hùng, đã tổ chức gặp gỡ và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về các thông tin kinh doanh nội bộ của tập đoàn tại một quán cà phê trên đường Pasteur, quận 1, TP.HCM.
Cuộc gặp gỡ nói trên được thực hiện sau khi các thành viên này không thể tổ chức họp báo như đã công bố, vì lý do không hội đủ các điều kiện hợp pháp để được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Theo ông Lê Viết Hải, việc cung cấp một cách rộng rãi ra công chúng các thông tin nội bộ và có tính bảo mật liên quan đến hoạt động kinh doanh của Hòa Bình là hành vi vi phạm quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin của tập đoàn, vi phạm các quy định về trách nhiệm của thành viên HĐQT ghi nhận tại điều lệ công ty.
Các thành viên này không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin và phát tán tài liệu, mà còn cố tình diễn giải những thông tin, tài liệu sai lệch với bản chất.
"Các thành viên này đã cố tình bóp méo, xuyên tạc, thậm chí nói ngược với sự thật, với động cơ bôi nhọ danh dự, làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của lãnh đạo và danh tiếng của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng như quyền lợi của các cổ đông", đại diện Hòa Bình cho hay.
"Chúng tôi cho rằng động cơ thật sự của các thành viên này không gì khác hơn là giành quyền kiểm soát tập đoàn để dễ bề thao túng với mục đích trục lợi cá nhân. Không loại trừ động cơ của các hành vi này còn là tạo điều kiện cho các thế lực bên ngoài thâu tóm Tập đoàn Hòa Bình".
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT HBC
Hậu quả của những hành vi ấy là vô cùng nghiêm trọng, làm tổn hại đến danh tiếng và uy tín kinh doanh của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, một nhà thầu được xếp hạng uy tín nhất Việt Nam, doanh nghiệp xây dựng duy nhất 8 lần đạt thương hiệu quốc gia.
Ông Lê Viết Hải cho biết, vì những hành vi vi phạm pháp luật nói trên, cùng với việc phát hành thông cáo này, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và ông Lê Viết Hải sẽ gửi đơn tố giác đến cơ quan điều tra trong hôm nay đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự của hai ông Nguyễn Công Phú, Dương Văn Hùng và các cá nhân đã tiếp tay, giúp sức cho hai cá nhân này.
Tập đoàn này tiếp tục nhấn mạnh, chỉ những thông tin, nội dung, văn bản, phát ngôn từ đại diện pháp luật là ông Lê Viết Hải và nguời được uỷ quyền Phó tổng giám đốc thường trực Lê Viết Hiếu mới là chính thức và hợp pháp.
Ông Lê Viết Hải có bao nhiêu cổ phần tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình?
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) đang xảy ra những mâu thuẫn liên quan tới vị trí Chủ tịch HĐQT và trong cuộc chiến này những cổ đông lớn sẽ tiếng nói góp phần quyết định.
Theo thông tin từ website của Xây dựng Hòa Bình, HĐQT của công ty bao gồm 8 thành viên. Bên cạnh ông Lê Viết Hải và ông Nguyễn Công Phú, 6 thành viên còn lại bao gồm: Ông Lê Viết Hiếu, Phó chủ tịch HĐQT, ông Lê Quốc Duy, thành viên HĐQT, ông Nguyễn Tường Bảo, thành viên HĐQT độc lập, ông Dương Văn Hùng, thành viên HĐQT độc lập, ông Albert Antoine, thành viên HĐQT độc lập, ông David Martin Ruiz, thành viên HĐQT.
Tại báo cáo mới nhất (6 tháng năm 2022), cá nhân ông Lê Viết Hải sở hữu 15,84% vốn. Vợ ông (bà Bùi Ngọc Mai) sở hữu 1,83% vốn. Con trai ông Hải (ông Lê Viết Hiếu) nắm 0,46%. Các anh, chị, em ruột của ông Hải nắm khoảng 2% vốn. Các công ty liên quan tới ông Hải không nắm cổ phần HBC. Như vậy, tổng cộng ông Hải và cá nhân liên quan nắm khoảng 20,1% vốn điều lệ của HBC.
Trong năm 2022, bản thân ông Hải cũng như các thành viên của gia đình không thường xuyên thực hiện các giao dịch cổ phiếu HBC. Một số giao dịch phát sinh hầu hết trong quá trình mua cổ phiếu ESOP (Hòa Bình phát hành gần 6,3 triệu cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ nhân viên).
Theo báo cáo giao dịch cuối cùng vào ngày 16/12, cá nhân ông Lê Viết Hải sở hữu 17,1% vốn HBC, là cổ đông lớn nhất.
Theo công bố thông tin trên HoSE, một cổ đông lớn khác tại Hòa Bình là Hyundai Elevator. Cuối năm 2021, doanh nghiệp Hàn Quốc này sở hữu 10,83% vốn HBC và không phát sinh bất cứ giao dịch nào trong năm 2022.
Hyundai Elevator ký hợp tác chiến lược với Hòa Bình từ đầu năm 2019, bằng việc mua 25 triệu cổ phiếu HBC với giá 23.000 đồng/cp. Doanh nghiệp này được thành lập từ năm 1984, sản phẩm chính hiện tại là thang cuốn, thang máy. Thị phần của Hyundai Elevator trong lĩnh vực lắp đặt thang máy mới đứng vị trí số 1 tại thị trường Hàn Quốc.
Hòa Bình kinh doanh thế nào?
Doanh thu thuần quý 3/2022 của Tập đoàn Hòa Bình đạt 3.778 tỷ đồng, tăng tới 80% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 282 tỷ đồng, tăng 2,4 lần, giúp biên lợi nhuận gộp đạt tới 7,46% (cao hơn nhiều so với cùng kỳ, chỉ ở mức 5,54%).
Trong quý, doanh thu tài chính khá sáng với mức tăng 2,3 lần, đạt 34 tỷ đồng (chủ yếu là lãi bán hàng trả chậm, chậm thanh toán). Song, các loại chi phí còn tăng dữ dội hơn như chi phí quản lý tăng 4,3 lần (đạt 153 tỷ đồng), chi phí tài chính tăng 50% (đạt 112 tỷ đồng).
Ngoài ra, Hòa Bình còn phải gánh khoản lỗ khác 6,7 tỷ đồng. Kết quả là lợi nhuận trước thuế chỉ 25 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chỉ 5,4 tỷ đồng. Dù vậy, so với cùng kỳ, lợi nhuận trước và sau thuế quý 3/2022 của Hòa Bình đã tăng lần lượt 65% và 4%.
Ông Lê Viết Hiếu, Phó chủ tịch HĐQT, sinh năm 1992, con trai ông Lê Viêt Hải. Ông Hiếu tốt nghiệp Cử nhân Quản trị Kinh doanh, chuyên ngành Tài chính Doanh nghiệp, trường California Polytechnic State University, San Luis Obispo (Mỹ).
Khi về nước ông Hiếu trở thành Chuyên viên Tín dụng doanh nghiệp, Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam.
Từ tháng 12/2016, ông Hiếu bắt đầu làm việc tại Hòa Bình, đảm đương dần các chức vụ và thăng tiến theo năng lực.
Đến tháng 7/2020, ông được bổ nhiệm làm CEO HBC, tính đến nay đã tròn 2 năm ông làm tốt công cuộc triển khai tái cấu trúc cho tập đoàn này trên cương vị CEO.
Hiện ông Hiếu đang trực tiếp nắm giữ 1,12 triệu cổ phiếu HBC, chiếm tỷ lệ 0,46% vốn điều lệ.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của Hòa Bình đạt 10.904 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 684 tỷ đồng, tăng 35%. Biên lợi nhuận gộp suy giảm nhẹ, đạt 6,27% (cùng kỳ 6,71%).
Về nguồn vốn, tại ngày kết thúc quý 3/2022, nợ phải trả của Hòa Bình ghi nhận 14.913 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Như vậy, 80% tài sản của Hòa Bình được hình thành từ nợ phải trả.
Nợ vay của Hòa Bình đã có bước tăng khá mạnh trong 9 tháng, đạt 6.566 tỷ đồng, tăng 29%. Trong đó, vay ngắn hạn 5.496 tỷ đồng, tăng 17%; vay dài hạn 1.070 tỷ đồng, tăng 2,7 lần. Sự gia tăng nợ vay của Hòa Bình xuất phát từ tình trạng dòng tiền kinh doanh 9 tháng âm nặng 1.331 tỷ đồng do tăng các khoản phải thu (1.823 tỷ đồng), tăng hàng tồn kho (435 tỷ đồng), tăng chi phí trả trước (103 tỷ đồng), chi trả lãi vay (363 tỷ đồng).
Để giảm bớt áp lực dòng tiền, đầu tháng 11/2022, HBC đã bán hơn 6,29 triệu cổ phiếu cho người lao động với giá 10.000 đồng/CP. Trước đó, trong tháng 10, HBC đã bán được 5 triệu cổ phiếu (chiếm 1,87% vốn điều lệ) cho đối tác Nhật Sanei Architecture Planning Co. Ltd, thu về 162,5 tỷ đồng.
Thương vụ được coi là thành công vượt trội đối với công ty khi mức giá bán cho một cổ phần là 32.500 đồng, cao hơn nhiều so với giá cổ phiếu được giao dịch dưới 10.000 đồng trên thị trường chứng khoán cùng thời điểm.
Trong tháng 10, HĐQT HCB đã thông qua nghị quyết phát hành trái phiếu riêng lẻ quy mô 95 tỷ đồng. Kết quả của thương vụ này vẫn chưa được công bố, nhưng nếu thành công thì dòng tiền mới thu được cũng quá khiêm tốn so với khoản nợ vay ngắn hạn gần 5.500 tỷ đồng tại HBC.
Trong bối cảnh giá cổ phiếu không hỗ trợ việc gọi vốn từ thị trường chứng khoán, làm thế nào để HBC có dòng tiền mới duy trì và phát triển các hoạt động kinh doanh, nhằm đạt các mục tiêu năm 2022 (lợi nhuận 350 tỷ đồng) và xa hơn (vươn ra thị trường quốc tế) đang là câu hỏi rất thách thức.
Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) ngày 3/1 đã gửi công văn đến Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) về Nghị quyết HĐQT 53/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 31/12 đang tạo ra lùm xùm liên quan đến vị trí lãnh đạo của doanh nghiệp.
Để có căn cứ thực hiện công bố thông tin nghị quyết trên, HoSE đề nghị Tập đoàn Hòa Bình cung cấp các biên bản họp HĐQT ngày 13/12/2022, đồng thời có văn bản giải trình về việc triệu tập họp HĐQT ngày 31/12/2022 theo đúng quy định tại điều lệ công ty và các quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi của cổ đông.
Đến sáng 6/1, trang web của HoSE vẫn chưa công bố Nghị quyết 53/2022 của HĐQT Tập đoàn Hòa Bình ban hành ngày 31/12/2022.
Theo Nghị quyết 53/2022, HĐQT Hòa Bình thông qua việc hoãn thi hành đơn từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT và thành viên HĐQT của ông Lê Viết Hải (theo Nghị quyết HĐQT số 50/2022), đồng thời hoãn việc thi hành việc bổ nhiệm tổng giám đốc là ông Lê Viết Hiếu và việc bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Công Phú theo các Nghị Quyết HĐQT số 50/2022/NQ-HĐQT.HBC và số 51/2022/NQ.HĐQT.HBC ngày 14/12/2022 (HoSE đã công bố thông tin cùng ngày).
Ông Lê Viết Hải trước đó khẳng định cuộc họp HĐQT ngày 31/12/2022, Nghị quyết 53/2022 đều hợp lệ. Nghị quyết 53/2022 cũng được Tập đoàn Hòa Bình công bố trên website chính thức của mình.
Tập đoàn Hòa Bình cũng đã phát đi thông báo ông Lê Viết Hải tiếp tục làm Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp, đồng thời các thông tin không được phát ngôn thông tin, nội dung, văn bản không được ban hành chính thức từ Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và người đại diện theo pháp luật là ông Lê Viết Hải đều không có giá trị.
Trong khi đó, phía ông Nguyễn Công Phú bác bỏ Nghị quyết 53/2022 với lý do cuộc họp HĐQT ngày 31/12/2022 chỉ có 4/8 thành viên tham dự, không đủ điều kiện tiến hành theo điều lệ công ty.
Do cuộc họp không hợp lệ nên Nghị quyết 53/2022 cũng không hợp lệ, vì vậy ông Phú khẳng định ông là Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Hòa Bình từ ngày 1/1 như 2 nghị quyết được ban hành ngày 14/12/2022.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement