01/06/2017 09:02
Nơi cao nhất TP.HCM nguy cơ thành 'rốn' ngập
Sau những cơn mưa lớn đầu mùa, nhiều tuyến đường tại khu Đông như quận 9, Thủ Đức - có địa hình cao nhất thành TP.HCM - bị ngập nặng và đang trở thành "rốn" ngập mới.
Sài Gòn liên tục có mưa lớn trên diện rộng từ đầu tháng trước. Chưa chính thức vào mùa mưa nhưng tình trạng ngập tái diễn trên nhiều tuyến đường, nhất là ở phía Đông thành phố - dù địa hình khu vực này cao ráo hơn các nơi khác.
Những trận mưa kéo dài 1-2 tiếng dễ dàng biến đường Võ Văn Ngân, Tô Ngọc Vân (Thủ Đức), Đỗ Xuân Hợp, Lê Văn Việt, Xa lộ Hà Nội - đoạn chân cầu Rạch Chiếc (quận 9) thành sông…
Trong trận mưa chiều 20/5, nước chảy như thác trên đường Võ Văn Ngân khiến người đi đường chao đảo. Một số phụ nữ yếu tay lái đã lảo đảo rồi ngã, bị nước cuốn trôi một đoạn. Người dân bên đường phải chạy ra hỗ trợ đưa nạn nhân và xe vào vỉa hè.
"Nước mưa chảy mạnh như vậy do con đường này độ dốc lớn và nước không thoát xuống cống kịp. Nó chảy dữ nhất ở đoạn gần chợ Thủ Đức rồi dồn xuống khu vực trũng xung quanh. Ngày xưa khu này cũng ngập nhưng không nghiêm trọng như giờ", ông Minh (65 tuổi) có nhà trên đường Võ Văn Ngân kể.
Tuy nhiên, điểm ngập nặng nhất hôm đó được ghi nhận tại giao lộ Tô Ngọc Vân với đường sắt. Vốn là vùng đất trũng nên nước mưa từ các nơi khác dồn về, cao lút mặt đường chừng 0,8 m. Giao thông qua khu vực tắc nghẽn do hàng trăm xe xếp hàng không dám chạy qua. Nước cũng nhấn chìm đường ray xe lửa khiến nhân viên phải báo hiệu phong toả từ ga Sóng Thần đến ga Bình Triệu.
Tương tự, hơn 400 m đường dưới chân cầu Rạch Chiếc (Xa lộ Hà Nội - cửa ngõ vào trung tâm Sài Gòn) cũng là nỗi ám ảnh nhiều năm qua của người dân do thường ngập hơn nửa mét mỗi khi mưa.
Theo lãnh đạo UBND quận 9, nguyên nhân chính gây ngập các khu vực trên do địa hình quận có nhiều vùng trũng thấp, dù là nơi cao ráo của thành phố.
Ngoài ra, quận cũng có hơn 140 tuyến đường chưa được đầu tư hệ thống thoát nước, 800 hẻm chưa có cống nhỏ đấu nối ra hệ thống. Sự thiếu đồng bộ này dẫn đến tình trạng ngập kéo dài.
Dự án chống ngập cho khu vực đường Đỗ Xuân Hợp do Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM thực hiện với tổng kinh phí khoảng 137 tỷ đồng đã hoàn thành. Tuy nhiên, theo UBND quận 9, các cống thoát nước chưa được đầu tư theo đúng lộ giới quy hoạch 30 m khiến hệ thống này vẫn chưa phát huy hết hiệu quả.
Mặt khác, khu vực trước UBND phường Phước Bình có cao độ thấp, hệ thống cống của khu vực có đường kính nhỏ. Khi mưa lớn nước chảy về nhanh, cộng với triều cường nên nước thoát không kịp.
Với tình trạng ngập những nơi còn lại, UBND quận 9 cho biết, ngoài việc nạo vét cống, dự kiến năm 2018 quận làm các dự án nâng cấp, mở rộng đường Lê Văn Việt (đoạn từ ngã tư Thủ Đức đến Lã Xuân Oai) và Lã Xuân Oai.
Nói về việc đường Đỗ Xuân Hợp mới được làm cống nhưng vẫn ngập, Phó giám đốc Trung tâm chống ngập Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho rằng, hệ thống cống thoát nước theo quy hoạch của ngành giao thông, cống chưa đạt quy mô và chưa đảm bảo thoát nước. Các cống có miệng thu thoát nước không phù hợp, đơn vị thi công khi hoàn thành công trình phá vách ngăn không triệt để.
"Vừa rồi trung tâm làm quyết liệt nhưng chưa hoàn thành. Mỗi khi mưa nước tràn vào, không kịp bơm ra để đập hết vách ngăn. Ngoài ra, công nhân thi công lúc trời mưa cũng rất nguy hiểm. Nếu dừng mưa 3-4 ngày liên tục thì trung tâm sẽ cho đập vách ngăn. Lúc đó, khả năng thoát nước sẽ tốt hơn", ông Dũng giải thích.
Phó giám đốc Trung tâm chống ngập cho biết thêm, mùa mưa năm nay đến sớm và gần như không có thời gian cách quãng với mùa mưa năm trước. Đầu tháng 2 đã xuất hiện 3 trận lớn liên tục.
Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ, trong tháng 5 lượng mưa ở TP HCM đã vượt 30% so với cùng kỳ của nhiều năm trước. Riêng trận mưa hôm 22/5 gây ngập 22 tuyến đường, có nơi mưa dứt đã 2 tiếng mà nước ngập chưa rút hết.
"Trung tâm đã rà soát lại, có những tuyến đường bị ngập thuộc diện đang xử lý trong kế hoạch 2016-2020. Còn đa số do cống bị rác chặn chứ không phải do năng lực thoát nước nên chúng tôi huy động lực lượng vớt chất thải", ông nói.
Tại địa bàn quận Thủ Đức hiện cũng còn đến hơn 130 tuyến đường chính chưa có cống thoát nước (chiếm gần 40% các tuyến đường chính trên địa bàn). Để giải quyết tình trạng ngập ở đây, đại diện Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình quận cho rằng cần phải triển khai nhiều dự án.
Tuy nhiên do kinh phí chống ngập lớn nên hầu hết dự án phải chờ được phê duyệt, cấp vốn, cộng với quy trình đầu tư nhiều khâu nên mất rất nhiều thời gian. Đơn cử như dự án cải tạo rạch Cầu Ngang - đường thoát nước trục dài 816 m nhằm kết nối hệ thống thoát nước hàng loạt đường ở quận đã được đề xuất gần 7 năm, song đến năm 2016 mới được cấp vốn thi công.
Đứng ở góc độ quy hoạch, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, tình trạng ngập do mưa thì không phụ thuộc vào địa hình cao hay thấp. Chuyện thoát nước cũng không chỉ do hệ thống kênh rạch hay cống thoát nước mà còn do quy hoạch cốt nền và diện tích bề mặt bêtông hóa mặt đường, công trình.
"Một vùng đất cao mà ngập thì chỉ có 3 nguyên nhân: cống thoát không kịp, diện tích bêtông hóa quá cao, độ dốc cốt nền không được phân bổ hợp lý. Mưa xuống dồn quá nhanh vào khu trũng (của vùng đất cao). Những khu vực đô thị hóa đang nóng như quận 9, Thủ Đức... phát triển ồ ạt không có quy hoạch kỹ lưỡng rất dễ bị tình trạng ngập", ông Sơn nói.
Trong khi đó, ông Trần Quang Lâm - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố - cho biết, mục tiêu của Sở năm nay là xóa được 12 trong 40 điểm ngập, riêng tháng 6 phải xóa 8 điểm ngập thường xuyên. Trong đó, ưu tiên xóa một số điểm ngập có lưu lượng giao thông cao như: Quốc lộ 1, 13 trên địa bàn quận Thủ Đức; đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân), Huỳnh Tấn Phát (quận 7).
Advertisement
Advertisement