29/04/2024 09:18
Nợ công kỷ lục của Mỹ liệu có kéo theo một cuộc khủng hoảng tài chính?
Nợ công của Mỹ đang ở mức cao nhất từ trước đến nay và dự kiến tiếp tục tăng do thâm hụt ngân sách khổng lồ vượt quá mức tăng trưởng kinh tế của nước này.
Mỹ đang đối mặt với khoản nợ công kỷ lục 34.500 tỷ USD, gần gấp ba lần nợ công của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và dự kiến sẽ chạm mốc 134% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2029. Thâm hụt ngân sách gia tăng và lãi suất cao có thể gây ra lo ngại về nguy cơ khủng hoảng tài chính sắp diễn ra ở Mỹ nếu không có các biện pháp đối phó cần thiết.
Nợ công của Mỹ đang ở mức cao nhất từ trước đến nay và dự kiến tiếp tục tăng do thâm hụt ngân sách khổng lồ vượt quá mức tăng trưởng kinh tế của nước này, gây ra lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính tiềm ẩn ở nền kinh tế số 1 thế giới.
Nợ công của Mỹ đã tăng lên mức đáng kinh ngạc, chiếm 122% GDP, so với tỷ lệ tương ứng 87% GDP của Eurozone. Theo báo cáo Giám sát Tài chính mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), con số này được dự báo sẽ tăng lên 134% GDP vào năm 2029, cho thấy xu hướng nợ ngày càng xấu đi.
Năm 2023, thâm hụt ngân sách của Chính phủ Mỹ tăng lên 8,8% GDP, từ mức 4,1% GDP vào năm 2022, bất chấp tăng trưởng kinh tế mạnh. Một yếu tố quan trọng khiến thâm hụt ngân sách gia tăng là chi phí trả lãi cao do lãi suất cao. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự kiến chi phí lãi ròng sẽ tăng lên 3,2% GDP, tương đương 951 tỷ USD vào năm 2025.
Cảnh báo của giới chuyên gia
Bà Gita Gopinath, nhà kinh tế người Mỹ gốc Ấn Độ, Phó tổng Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF, nhận định trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Bloomberg rằng: "Mỹ đang duy trì mức thâm hụt thương mại rất lớn đối với một quốc gia có nhu cầu mạnh, và họ vẫn phải giải quyết các vấn đề cuối cùng để giảm lạm phát".
Nhà đầu tư kỳ cựu Phố Wall Ed Yardeni cảnh báo: "Thâm hụt của ngân sách liên bang ngày càng lớn. Nó chưa gây ra hậu quả lớn cho đến nay nhưng có thể điều này sẽ xảy ra vào một ngày nào đó, nếu các nhà đầu tư quyết định không muốn tiếp tục cung cấp vốn".
Tương tự, nhà đầu tư tỷ phú Ray Dalio gần đây nhấn mạnh sự cần thiết phải sở hữu "tiền không nợ", ủng hộ vàng như một hàng rào chống lại nợ và lạm phát gia tăng.
Ông David Kelly, chiến lược gia tại JP Morgan Asset Management, chỉ ra rằng để đạt được cân bằng tài khóa sẽ cần phải cắt giảm đáng kể các khoản chi tiêu lớn như quốc phòng, chăm sóc y tế, trợ cấp y tế và An sinh Xã hội, đồng thời tăng thuế - một động thái mà dường như cử tri không mấy mặn mà.
Nguy cơ bị hạ xếp hạng tín dụng
Tính đến tháng 4/2024, xếp hạng tín dụng của Chính phủ Mỹ là AA + với triển vọng ổn định từ Standard & Poor's và Fitch Ratings, và Aaa với triển vọng tiêu cực từ hãng xếp hạng Moody's. Moody's đã điều chỉnh triển vọng tín dụng của Mỹ từ ổn định sang tiêu cực vào tháng 11/2023, sau khi Fitch hạ xếp hạng của nước này vào tháng 8/2023 (từ AAA xuống AA +), cho thấy khả năng các hãng có thể tiếp tục hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ trong một hoặc hai năm tới.
Đánh giá của Fitch dựa vào việc "tình trạng tài chính dự kiến sẽ xấu đi trong ba năm tới, gánh nặng nợ công cao và đang gia tăng, cũng như sự xói mòn của hệ thống quản trị điều hành được thể hiện qua sự bế tắc về giới hạn nợ và các nghị quyết vào phút chót".
Ngoài ra, IMF cảnh báo rằng lạm phát dai dẳng, trầm trọng hơn do chính sách tài khóa nới lỏng, có thể làm phức tạp các nỗ lực kiểm soát lạm phát của Mỹ, đồng thời đặt ra rủi ro tài chính toàn cầu do những tác động lan tỏa từ lãi suất cao của Mỹ.
Bài học từ nước Anh
Mặc dù các giai đoạn hỗn loạn trên thị trường trái phiếu chính phủ phổ biến hơn ở các nền kinh tế mới nổi, chúng cũng xảy ra ở các nền kinh tế phát triển, bằng chứng là cách đây một thập kỷ ở Eurozone và gần đây hơn là ở Vương quốc Anh.
Vào tháng 9/2022, trong nhiệm kỳ ngắn ngủi của cựu Thủ tướng Liz Truss tại Phố Downing, một sự kiện quan trọng đã diễn ra trong chính sách tài khóa của Vương quốc Anh. Bà Liz Truss và Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng đã công bố một "ngân sách nhỏ" đề xuất cắt giảm thuế trên diện rộng mà không có kế hoạch tài trợ rõ ràng. Những cắt giảm này bao gồm việc giảm thuế thu nhập và quyết định gây tranh cãi nhằm bãi bỏ mức thuế thu nhập cao nhất đối với những người giàu nhất. Gói ngân sách này, nhằm mục đích kích thích tăng trưởng kinh tế thông qua cách tiếp cận tự do kinh doanh triệt để, đã gặp phải phản ứng dữ dội của thị trường.
Phản ứng tiêu cực diễn ra nhanh chóng, khiến giá trị đồng bảng Anh giảm mạnh và chi phí vay của Chính phủ tăng đột biến. Hậu quả nghiêm trọng đến mức khiến Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) phải can thiệp và ổn định thị trường trái phiếu để bảo vệ các tổ chức tài chính.
(Nguồn: TTXVN)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement