18/05/2021 07:42
Nikkei Asia: Gojek đối đầu với Grab bằng việc mở dịch vụ đặt xe 4 bánh và ví điện tử tại Việt Nam
Gojek cho biết, hãng sẽ bổ sung dịch vụ gọi xe ô tô và thanh toán điện tử tại Việt Nam, một trong những thị trường quan trọng trong cuộc chiến với đối thủ Grab.
Ông Phùng Tuần Đức, CEO Gojek Việt Nam cho hay, hiện khách hàng của Gojek tại Việt Nam có thể đặt xe máy, đặt đồ ăn và vận chuyển bưu kiện. "Sắp tới đây, khách hàng có thể đặt xe 4 bánh và thanh toán kỹ thuật số".
"Thay vì chạy theo công nghệ, chúng tôi tập trung vào những gì thị trường cần nhất", ông Đức cho biết trong cuộc phỏng vấn mới đây với Nikkei Asia. "Chúng tôi cảm thấy tự tin khi mở rộng dịch vụ, trong đó đặt xe 4 bánh và thanh toán là hai dịch vụ được yêu cầu nhiều nhất từ cơ sở khách hàng của chúng tôi".
Với mảng gọi xe, Gojek sẽ bổ sung thêm dịch vụ đặt xe 4 bánh, vốn đã được cung cấp bởi Grab và Be Group tại Việt Nam. Cả 3 công ty khởi nghiệp đều bắt nguồn từ dịch vụ gọi xe, nhưng sau đó đã mở rộng sang nhiều dịch vụ khác, chẳng hạn như giao hàng và thanh toán hóa đơn.
Vào tháng 4, Grab đã gây sóng gió khi công bố kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua SPAC, với mức định giá 39,6 tỷ USD. Điều này đã gây áp lực lên Gojek trong việc sáp nhập với công ty khởi nghiệp Tokopedia của Indonesia, một nhà bán lẻ trực tuyến. Hai bên hiện đang thảo luận giai đoạn cuối của thương vụ sáp nhập, dự kiến muộn nhất vào cuối tháng 6, với kế hoạch niêm yết tại Hoa Kỳ.
Trước đó, Gojek và Grab cũng đã tiến vào bàn đàm phán sáp nhập nhưng thương vụ đã đổ vỡ, vì cả hai bên không thống nhất được việc phân chia quyền lực sau sáp nhập.
Khi cuộc chiến giành khách hàng diễn ra gay gắt khắp Đông Nam Á thì thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam lại được mở rộng hơn nhờ những quy định mới của chính phủ. Theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP được chính phủ ban hành vào năm 2020, các công ty dịch vụ gọi xe được phép mở rộng ra ngoài một số thành phố trọng điểm và hoạt động trên toàn quốc.
Mặt khác, Việt Nam cũng có nhiều ứng dụng gọi xe như FastGo, Aber và inDriver... nhưng người chơi lớn nhất vẫn là Be. CEO Be Group, bà Nguyễn Hoàng Phương cho hay, Be sẽ không bước vào "cuộc chiến về giá" với các đối thủ, mà tập trung vào chất lượng và quan hệ đối tác doanh nghiệp. Bà cho biết, Be đã hòa vốn vào năm 2020 và đặt mục tiêu thu lợi nhuận vào năm 2021, một kỳ tích chưa từng có trong dịch vụ gọi xe.
Bà Phương nói với Nikkei: “Be Group sẽ đầu tư tiền một cách khôn ngoan thay vì tiêu tiền bừa bãi như các đối thủ khác". Cụ thể, Be hiện đang hợp tác của VPBank để vận hành ngân hàng số có tên Cake, đồng thời chấp nhận thanh toán trong ứng dụng Zalo và MoMo, hai ví điện tử của Việt Nam.
Trong khi đó, Grab có ví điện tử Moca và đã sắp xếp hợp lý hoạt động kinh doanh ở Đông Nam Á để tập trung vào fintech, vận tải và giao hàng, theo báo cáo e-Conomy SEA 2020 của Google, Temasek&Bain.
Đối với Gojek Việt Nam, thanh toán điện tử sẽ có sẵn cho các chuyến đi trong thời gian tới để cung cấp nhiều lựa chọn cho người dùng, CEO Phùng Tuấn Đức cho biết.
Khi được hỏi liệu Gojek có trở thành một siêu ứng dụng ở Việt Nam như ở quê nhà Indonesia hay không, ông Đức cho biết đó là định hướng lâu dài của hãng. Ông nói: “Việt Nam chắc chắn có ưu tiên cao nhất trong tất cả các thị trường bên ngoài mà Gojek đang hoạt động và đây là một thị trường phát triển siêu nhanh".
Theo báo cáo e-Conomy SEA, thị trường vận tải và giao hàng thực phẩm của Việt Nam đạt 1,6 tỷ USD vào năm 2020 và dự báo tăng trưởng hàng năm 34% đến năm 2025.
SoftBank, Uber và Didi đã đầu tư vào Grab, trong khi đó, Facebook, Tencent và Google đầu tư vào Gojek. Dữ liệu của Google cho thấy, hoạt động đi lại đã giảm trong khu vực Đông Nam Á vào thời điểm cao điểm của đại dịch, khoảng tháng 3/2020, nhưng đã trở lại mức trước đại dịch ở Việt Nam - quốc gia có thời gian giãn cách xã hội tương đối ít so với phần còn lại của khu vực.
Advertisement
Advertisement