15/11/2018 13:08
Nhường đường để an toàn cho mình và cho... "bá tánh"
Ông Lăng, nay đã gần 50 tuổi, hiện lái một chiếc xe khách chạy tuyến Sài Gòn – Phan Thiết nói với tôi rằng, nghề tài xế, không ai muốn giành đường.
Ông lăng nói như vậy và theo ông, “cực chẳng đã” mới chạy ào ào, đôi khi lấn tuyến, “đè” xe khác để vượt. Lý do để một tài xế già có kinh nghiệm cầm lái hơn 20 năm phải có những hành vi như vậy vì sợ xe muộn chuyến, tranh thủ bắt khách và cả... tâm lý thiếu kềm chế.
Ông Lăng, cũng như hàng trăm tài xế khác tham gia ngày hội “Chăm sóc bác tài – Driver care day” tại Bến xe Miền Đông, đều cười tươi với nét mặt “thiện lành” khi được khám sức khỏe miễn phí, cắt tóc miễn phí và kiểm tra xe miễn phí. Họ, những tài xế xe khách đường dài, thường bị gọi với cái hỗn danh là “hung thần xa lộ”, cũng bởi những chiếc xe khách đâu có khuôn mặt của con người.
Khi đã rời vô lăng, ngồi im như đứa trẻ cho thợ cắt tóc hay chăm chú như học sinh nghe giảng bài lúc bác sĩ nói về sức khỏe, những “hung thần” ấy chắc không ai nghĩ về chuyện phóng nhanh, lấn tuyến hai “đè” bất kỳ chiếc xe nào đó trên đường.
Những bác tài lớn tuổi, ngồi nghe tư vấn từ về cách theo dõi và phòng bệnh như học sinh nghe giảng bài. |
Một tài xế được cắt tóc miễn phí tại chương trình Driver care day 2018 ở Bến xe Miền Đông. Ảnh: Đỗ Phát |
Lúc theo chân đội kỹ thuật đi “khám xe” miễn phí, tôi gặp một tài xế già khọm, hiền như một lão nông quanh năm sống miệt ruộng đồng. Khi cánh tài xế trẻ hơn ngồi dọc các quán cà phê trong bến xe chờ lượt xuất phát thì ông ấy vẫn ở trên chiếc xe loại 36 ghế đời cũ của mình, đi đi lại lại kiểm tra vài cái ghế, lau vài nơi trên xe, nghe đài, đọc... báo giấy.
Nói về những chuyến xe đường dài, ông cười cười và nói rằng, làm nghề này, trời kêu ai nấy dạ. “Mình thường xuyên kiểm tra xe, không uống rượu, hạn chế thức đêm đừng quá nóng đầu thì coi như tự giúp mình, còn lại là do... ông bà thương”.
Cái mà người tài xế già này nói là “ông bà thương” đó là đi đường không gặp xe tạt ngang tạt dọc, không bị các tài xế thuộc các “nhà xe lớn” ỷ thế lấn át trên đường. Hoặc chí ít, không gặp phải những người lái xe máy vô ý thức hay bất cẩn. Mấy chục năm lái xe, mấy chục năm đời người đôi lúc nhìn lại, là một thời gian quá ngắn nhưng có khi, một chuyến xe vài trăm cây số lại là một hành trình rất dài. “Mình là tài xế, chỉ cần nghĩ về vợ con, về bá tánh trên đường và nghĩ về nồi cơm thì sẽ tồn tại được với nghề. Tranh đua làm gì, có chuyện xảy ra thì hối hận cả đời”, ông nói.
Cuộc trò chuyện với ông không dài nhưng trong cái nắng nóng của bến xe, tôi quên rằng mình đang lấy tư liệu để viết và quên cả việc hỏi tên ông tài xế già khọm. Chỉ nhớ một điều, khi cầm trên tay chiếc móc khóa được tặng sau khi các bác sĩ bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn khám, ông ấy nói rằng “lạ thiệt, nào giờ làm gì có chuyện vừa được khám sức khỏe, cắt tóc mà còn được... tặng quà”.
Trong hai ngày 13 và 14/11, tại Bến xe miền Đông (TP.HCM) chương trình “chăm sóc bác tài - Driver care day 2018” và trước đó là tại bến xe Giáp Bát (Hà Nội) đã khám sức khỏe cho hơn 400 tài xế, miễn phí dịch vụ, tư vấn sức khỏe cho gần 5.000 tài xế và kiểm tra hơn 500 chiếc xe khách. Tính suốt ba năm qua, kể từ năm 2016, chương trình đã có hơn 15.000 lượt tài xế tham gia.
Clip: Chương trình Driver care day 2018 tại TP.HCM.
Trần Hồng Ninh, Giám đốc Công ty Bệnh viện Ô tô (BVOT) – đơn vị khởi xướng chương trình này ở Việt Nam nhiều năm qua cho biết, năm nay, chủ đề của chương trình là “Hãy nhường đường - Share the road”, nhằm tuyên truyền về an toàn giao thông cho các tài xế xe khách nói riêng và người tham gia giao thông nói chung.
Các nhân viên của Michelin kiểm tra kỹ thuật lốp xe cho hàng trăm chiếc tại Bến xe Miền Đông trong hai ngày 13 - 14/11/2018. Ảnh: H.N |
Biết Ninh nhiều năm, tôi chưa từng thấy công ty BVOT của Ninh giàu lên mà ngược lại, giám đốc công ty từ xe hơi xuống còn xe máy, từ hàng tá nhân viên xuống còn vài người. Ninh- một người học chuyên ngành nano ở Đức về - nói rằng, còn chút vốn để làm là được rồi, lợi nhuận gì đó thì... tính sau. Cái “lợi nhuận” mà Ninh nói đã có là những ý nghĩa mà chương trình mang lại cho cộng đồng.
Còn với Tổng giám đốc Michellin Việt Nam Alexis Richard, cho biết công ty ông tham gia chương trình với mong muốn đóng góp nhiều giải pháp để hỗ trợ giao thông được tốt hơn. Tất nhiên, doanh nghiệp kinh doanh lốp xe và các sản phẩm phụ trợ như Michelin tham gia những sự kiện này cũng nhằm một phần quảng bá sản phẩm, dịch vụ của họ nhưng quảng bá thương hiệu đồng hành cùng trách nhiệm xã hội là điều mà không phải doanh nghiệp nào cũng làm bởi vốn dĩ mất nhiều thời gian và không hào nhoáng.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp