21/01/2020 10:45
Những vấn đề nóng tại Davos năm 2020
Thương mại toàn cầu, biến đổi khí hậu và tương lai của các đại gia công nghệ sẽ là những chủ đề chính trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay.
Ngày 21/1, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2020 khai mạc tại Davos (Thụy Sĩ), với sự góp mặt của hàng nghìn đại biểu. Đây là sự kiện thường niên, quy tụ những cái tên nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội.
Năm nay, triển vọng thương mại và tăng trưởng toàn cầu, tương lai của các công ty công nghệ, chủ nghĩa đa phương và trật tự địa chính trị đều đang gặp nhiều thách thức. Cuộc khủng hoảng khí hậu càng gây sức ép lên các vấn đề này.
Theo Financial Times, dưới đây là 4 vấn đề có thể thu hút sự chú ý của các đại biểu đến tham dự Davos năm nay.
1. Phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tổng thống Mỹ - Donald Trump phát biểu tại Davos 2018. Ảnh: Reuters. |
Năm ngoái, việc chính phủ Mỹ đóng cửa một phần khiến Tổng thống Trump không thể đến dự Davos. Nhưng năm 2018, ông đã tận dụng cơ hội phát biểu tại Davos để nói về thương mại một cách khá gay gắt - báo hiệu cho các căng thẳng thương mại diễn ra sau đó.
Năm nay, ông mới ký thỏa thuận sơ bộ với Trung Quốc cách đây vài ngày. Vì thế, Trump được dự báo có giọng điệu hòa hoãn hơn. Tuần trước, ông còn cho biết: "Chúng tôi muốn tất cả lãnh đạo doanh nghiệp ở Davos đến Mỹ".
Dù vậy, với các vấn đề chính trị khác, động thái của Trump sẽ được theo dõi sát sao hơn. Đặc biệt là căng thẳng với Iran sau vụ Mỹ không kích giết tướng Qassem Soleimani. Phiên xử luận tội ông cũng sẽ bắt đầu tại Thượng viện vào ngày mai.
2. Khả năng hồi phục của kinh tế toàn cầu
Dù Trump đã có giọng điệu hòa hoãn hơn trong vấn đề thương mại, những căng thẳng ông châm ngòi trên toàn cầu vẫn khiến nhà đầu tư ngờ vực về triển vọng tăng trưởng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá "rào cản thương mại" là lý do chủ chốt họ hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu, và có thể tiếp tục hạ xuống trong báo cáo công bố hôm nay.
Đầu tháng này, Ngân hàng Thế giới cũng hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay thêm 0,2% xuống 2,5%. Tổ chức này cảnh báo căng thẳng Mỹ - Trung hạ nhiệt cũng không giúp kinh tế toàn cầu tăng tốc.
Vấn đề này đặt ra câu hỏi cho các đại biểu tham gia Davos, rằng liệu các biện pháp kích thích mới có cần thiết? Và nếu có, ai nên chịu trách nhiệm cho việc này: chính phủ hay ngân hàng trung ương?
3. Khả năng thực hiện cam kết của các doanh nghiệp
Đây là lần thứ 50 Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos được tổ chức. Ảnh: AP. |
Chủ đề của diễn đàn năm nay là "Các bên liên quan hướng tới một thế giới bền vững và gắn kết". Điều này phản ánh các lãnh đạo đã cam kết chú ý nhiều hơn tới nhân viên, khách hàng và môi trường, thay vì chỉ quan tâm đến cổ đông. 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới cũng sẽ ra mắt một sáng kiến để chuẩn hóa cách các công ty báo cáo về đóng góp của họ với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Dù vậy, với các nhà hoạt động môi trường, như Greta Thunberg, chừng đó là chưa đủ. Cô muốn các lãnh đạo doanh nghiệp và quốc gia phải ngừng đầu tư vào các dự án khai thác và thăm dò nhiên liệu hóa thạch, đồng thời chấm dứt trợ cấp và ngừng sử dụng loại nhiên liệu này.
4. Tương lai của các đại gia công nghệ
Các đại gia công nghệ đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề, từ quyền riêng tư đến thuế. CEO Microsoft Satya Nadella, CEO Google Sundar Pichai và CEO Huawei Nhậm Chính Phi đều sẽ phát biểu tại diễn đàn năm nay.
COO Facebook Sheryl Sandberg cũng sẽ tổ chức một buổi gặp với giới truyền thông để thuyết phục họ rằng mạng xã hội này có thể tạo ra nhiều cơ hội kinh tế và "mang thế giới đến gần nhau hơn". Facebook đang chịu sức ép trên toàn cầu vì các vấn đề bảo mật thông tin, tin giả và quảng cáo. Một báo cáo gần đây của Media Tenor đánh giá ngành công nghệ đang bị báo giới "ngờ vực như ngành thuốc lá và tài chính".
Advertisement