01/01/2018 11:22
Những thay đổi đáng chú ý liên quan tới xe hơi từ năm 2018
Những thay đổi về thuế suất, chính sách hay quy định mới sẽ tác động không nhỏ tới việc sở hữu cũng như sử dụng xe hơi tại Việt Nam, kể từ 1/1/2018.
Năm 2018 sẽ có nhiều đổi thay trênthị trường xe hơi. |
Sẽ xử phạt nếu không cài dây an toàn ở mọi vị trí ngồi
Từ 1/1/2018, lực lượng chức năng sẽ xử phạt đối với bất cứ vị trí ngồi nào trên xe hơi mà không thắt dây an toàn khi xe đang chạy. Trước đây, điều này chỉ bắt buộc đối với ghế lái và ghế phụ (từ 8/2016), nhưng giờ đây với việc áp dụng với mọi vị trí ngồi, thì người bước lên xe hơi cần luôn có ý thức thắt dây an toàn.
Trên thực tế, việc thắt dây an toàn không nên là hành động đối phó với lực lượng chức năng, để tránh bị phạt với mức không cao (từ 100.000 tới 200.000 đồng), mà nên là ý thức, để bảo vệ bản thân trong thường hợp tai nạn xảy đến.
Tỉ lệ thắt dây an toàn tại Việt Nam nói riêng, cũng như nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á nói riêng, là còn rất thấp nếu so với Nhật Bản, Mỹ hay châu Âu. Dây an toàn trong khi đó lại là bùa hộ mệnh quan trọng nhất trên xe, cứu mạng người lái còn hiệu quả hơn cả túi khí.
Trong trường hợp xảy ra va chạm mạnh, dây an toàn sẽ giữ chặt người lái và hành khách trên ghế, không bị lao về phía trước hay văng ra ngoài xe, giảm thương vong rất lớn. Nếu tai nạn quá mạnh khiến túi khí cần được kích hoạt, dây an toàn cũng khiến túi khí hoạt động hiệu quả nhất. Thậm chí nếu không cài dây an toàn, túi khí có thể gây thương vong lớn khi va chạm với người bên trong xe.
Thuế nhập khẩu xe hơi trong khu vực về 0%
Được nhắc đến nhiều nhất trong suốt năm 2017, cũng như hàng chục năm trước đó, thời điểm thuế nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc từ các nước Đông Nam Á đã chính thức về mức 0%, đối với điều kiện áp dụng là tỉ lệ nội địa hóa đạt từ 40%.
Xe nhập khẩu trong khu vực được kỳ vọng sẽ khiến giá xe hơi tại Việt Nam hạ thấp hơn. |
Thuế nhập khẩu xe hơi trong khu vực được xem là rào cản lớn nhất “bảo hộ” xe lắp ráp trong nước, và trước đây, mốc 2018 được kỳ vọng là đủ xa để công nghiệp ô tô Việt Nam lớn mạnh, đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, giảm chi phí sản xuất và có thể tự cung cấp cho thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu sang các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, sau nhiều năm, có thể khẳng định kế hoạch bảo hộ để công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển đã phá sản, khi tỉ lệ nội địa hóa vẫn thấp, chủ yếu là xe lắp ráp tại Việt Nam chứ không phải là sản xuất, công nghiệp phụ trợ èo uột. Điều này khiến cho chi phí sản xuất xe trong khu vực là rẻ hơn tại Việt Nam, khiến người ta lo ngại năm 2018 sẽ là năm đổ bộ của xe nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia hay Philippines.
Đối với người dùng, đây là một trong những cơ hội để có thể tiếp cận với xe hơi nhập khẩu có chất lượng được cho là tốt hơn xe lắp ráp trong nước, đồng thời giá cả phải chăng hơn.
Nghị định 116 ra đời, vòng kim cô mới cho xe nhập khẩu
Ngay khi hàng loạt mẫu xe nhập khẩu chuẩn bị “xâm lược” thị trường Việt Nam, điển hình như Toyota Wigo, Toyota Avanza hay Honda Jazz, một Nghị định đã được ban hành “kịp thời” khiến xe nhập khó khăn hơn nhiều trên đường vào Việt Nam.
Nghị định 116 cản bước xe nhập khẩu, bảo hộ xe sản xuất trong nước |
Nghị định 116/2017 yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu xe hơi phải có thêm các loại giấy tờ mới, mà hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu xe hơi trong khu vực không thể xoay trở kịp, điển hình là giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại từ nơi sản xuất, một loại giấy đăng kiểm dành cho thị trường Việt Nam được cấp bởi nhà máy đặt tại nước ngoài, thứ được cho là “làm khó” xe nhập khẩu.
Ngay khi có hiệu lực, Nghị định 116 đã khiến nhiều xe đang trên đường tới Việt Nam tạm dừng kế hoạch, nhiều xe đang bán tại Việt Nam cũng khan hàng vì không nhập khẩu được thêm. Nếu không có gì thay đổi, Nghị định 116 sẽ làm khó cho xe nhập khẩu ít nhất là vài tháng đầu năm 2018, trước khi các doanh nghiệp có thể hoàn thiện loại giấy tờ trên, theo đúng tiêu chuẩn mà Việt Nam yêu cầu.
Trong giai đoạn đầu năm 2018, xe lắp ráp, sản xuất trong nước được cho là sẽ lấn át xe nhập khẩu, chiếm lĩnh thị trường, có thêm cơ hội khẳng định mình, trước khi chính thức chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ xe nhập khẩu.
Không còn cửa cho đại lý nhập khẩu xe hơi nhỏ lẻ
Sau khi Thông tư 20 hết hiệu lực, Nghị định 116 tiếp bước, yêu cầu các doanh nghiệp muốn nhập khẩu ô tô phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô theo đúng tiêu chuẩn và phải có giấy ủy quyền triệu hồi từ nhà sản xuất nước ngoài, bên cạnh giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại từ nơi sản xuất.
Với những yêu cầu trên, các đại lý nhập khẩu xe hơi nhỏ lẻ coi như hết đường hoạt động, hoặc phải lớn mạnh trở thành một nhà nhập khẩu chính hãng. Điều này là không hề dễ dàng, khi mà hầu như các hãng xe hơi danh tiếng trên thế giới đều đã có nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu chính hãng tại Việt Nam.
Bên cạnh xe nhập khẩu đơn lẻ, việc nhập khẩu xe cũ cũng coi như khép lại. Thị trường xe hơi Việt Nam trong tương lai sẽ chỉ còn là xe nhập khẩu chính hãng, xe sản xuất trong nước, và xe cũ mua đi bán lại trong nước.
Áp dụng chuẩn khí thải Euro 4
Từ 1/1/2018, các xe hơi sản xuất mới hoặc nhập khẩu mới dưới tiêu chuẩn khí thải Euro 4 sẽ không được kiểm định. Như vậy từ năm 2018, sẽ không còn xe hơi mới nhưng sử dụng công nghệ cũ, nhiều khí thải gây ô nhiễm môi trường.
Nhiều nhà sản xuất cũng như nhập khẩu xe hơi đã đón đầu việc này và chuẩn bị những sản phẩm đủ cho tiêu chuẩn Euro 4, vì vậy điều này cũng không ảnh hưởng nhiều tới nguồn cung xe hơi ra thị trường. Tuy vậy siết chặt tiêu chuẩn khí thải nên sớm mở rộng cho xe hơi đã qua sử dụng, bởi rất nhiều mẫu xe gây ô nhiễm hàng ngày vẫn đang lăn bánh trên đường.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp