Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Những nhân vật có thể xuất hiện trong chính quyền của ông Biden

Kinh tế thế giới

24/11/2020 11:14

Ông Biden dự kiến sẽ chọn hai trợ lý thân cận khác là ông Jake Sullivan làm Cố vấn An ninh quốc gia và bà Linda Thomas-Greenfield làm Đại sứ tại LHQ.

Với một danh sách bao gồm nhiều phụ nữ và người da màu, một số người trong số họ sẽ phá vỡ các rào cản lịch sử trong các vị trí mà họ sắp đảm nhiệm – ông Biden đang thực hiện lời hứa trong chiến dịch của mình là dẫn dắt một đội ngũ phản ánh sự đa dạng của nước Mỹ.

Ngoại trưởng tương lai, ông Antony Blinken 

Ông Blinken, 58 tuổi, tốt nghiệp Đại học Harvard và Trường Luật Columbia, từng hỗ trợ để Biden giành được đề cử ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ năm 2008. Ông từng là thứ trưởng ngoại giao dưới thời Tổng thống Barack Obama. Kinh nghiệm sâu rộng của ông về chính sách đối ngoại được kỳ vọng sẽ giúp trấn an các nhà ngoại giao Mỹ và các lãnh đạo thế giới sau 4 năm chính quyền Trump có cách làm hoàn toàn khác.

Ông Antony Blinken được chọn làm ngoại trưởng trong chính quyền mới. Ảnh: Reuters
Ông Antony Blinken được chọn làm ngoại trưởng trong chính quyền mới. Ảnh: Reuters

Những người gần gũi mô tả ông Blinken là “nhà ngoại giao của các nhà ngoại giao”, vì ông có cách ăn nói mềm mỏng và khéo léo, nhưng rất thông thạo về chính sách đối ngoại.

Ông đã sát cánh với ông Biden trong gần 20 năm, bao gồm cả thời gian ở Ủy ban đối ngoại Thượng viện và sau đó là vị trí cố vấn an ninh quốc gia khi ông Biden là phó tổng thống. Trong vai trò đó, ông Blinken giúp định hình phản ứng của Mỹ đối với những biến động và bất ổn trên khắp Trung Đông, với những kết quả lẫn lộn ở Ai Cập, Iraq, Syria và Libya, theo TPO.

Nhưng ưu tiên cao nhất của ông trong thời gian tới sẽ là xây dựng lại vai trò của Mỹ như một đồng minh đáng tin cậy, sẵn sàng tái nhập các thỏa thuận và tổ chức toàn cầu, trong đó có Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Tổ chức Y tế thế giới và có thể cả thỏa thuận hạt nhân Iran. 

Ông Blinken cũng nói tại diễn đàn này rằng việc hợp tác với các nước khác sẽ tạo thêm lợi ích khi phải đối phó với một thách thức ngoại giao hàng đầu: cạnh tranh với Trung Quốc, bằng cách lựa chọn những nỗ lực đa phương để thúc đẩy thương mại, đầu tư công nghệ và quyền con người, thay vì ép các nước đơn lẻ khác phải chọn phe giữa hai siêu cường.

Điều đó có thể là dành thời gian để thúc đẩy quan hệ mạnh mẽ hơn với Ấn Độ và trên khắp Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đó cũng sẽ là việc nỗ lực thúc đẩy hợp tác trên khắp châu Phi, nơi Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào công nghệ và hạ tầng, và thừa nhận châu Âu là một đối tác “đầu tiên, chứ không phải cuối cùng” khi xử lý thách thức mà Mỹ đang đối mặt.

Cố vấn an ninh quốc gia, ông Jake Sullivan 

Ông Jake Sullivan dự kiến được chọn vào vị trí Cố vấn An ninh quốc gia. Ảnh: Great Decisions
Ông Jake Sullivan dự kiến được chọn vào vị trí Cố vấn An ninh quốc gia. Ảnh: Great Decisions

Ông Sullivan, 43 tuổi, từng kế nhiệm ông Blinken để trở thành cố vấn an ninh quốc gia thời Obama và từng là giám đốc chính sách trong Bộ Ngoại giao Mỹ thời Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Cố vấn An ninh quốc gia của tổng thống là một trong những công việc quan trọng và quyền lực nhất trong Nhà Trắng, dẫn đầu một đội ngũ hàng chục chuyên gia đến từ các cơ quan quân sự, ngoại giao và tình báo của chính phủ, những người phát triển chính sách quân sự và đối ngoại của Mỹ.

Ông Sullivan vừa có kiến thức sâu rộng về các chính sách đối ngoại, vừa có thể điều phối các vấn đề trong nước cho chiến dịch tranh cử của ông Biden kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở Mỹ. Nếu không chuyển sang việc trong lĩnh vực đối nội, ông Sullivan nghiễm nhiên sẽ đảm nhận một vị trí cấp cao trong ngành an ninh quốc gia Mỹ.

Là bạn thân và chia sẻ quan điểm chung, hai ông Blinken và Sullivan trở thành trợ lý tin cậy của ông Biden và có tiếng nói quan trọng trong các vấn đề về chính sách ngoại giao. Hai người đi đầu trong cuộc tấn công vào ngọn cờ “Mỹ là trên hết” của Tổng thống Trump, cho rằng cách này chỉ khiến Mỹ bị cô lập và tạo cơ hội cho những đối thủ của Mỹ.

Blinken và Sullivan đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận. Một phát ngôn viên của ông Joe Biden từ chối bình luận.

Đại sứ tại LHQ, bà Linda Thomas-Greenfield

Bà Linda Thomas-Greenfield. Ảnh: Getty Images
Bà Linda Thomas-Greenfield. Ảnh: Getty Images

Bà Linda Thomas-Greenfield đã làm việc cho quá trình chuyển giao và có hàng thập kỷ kinh nghiệm trong công việc này. Bà từng là nhân viên ngoại giao trong chính quyền Reagan, từng là Đại sứ Mỹ tại Liberia và là trợ lý Ngoại trưởng về các vấn đề Châu Phi từ năm 2013 đến năm 2017.

Bà Linda Thomas-Greenfield ủng hộ sử dụng người dựa trên cả kinh nghiệm và tính đa dạng. “Sự giải giáp ngoại giao đơn phương của chính quyền Trump nhắc nhở chúng ta rằng xây khó hơn phá. Đất nước này không thể có sự xa xỉ là chờ đợi bổ sung mang tính thế hệ”, bà Thomas-Greenfield viết trên tạp chí Foreign Affairs gần đây.

Bộ trưởng An ninh Nội địaông Alejandro Mayorkas 

Ông Alejandro Mayorkas (phải). Ảnh: CNN
Ông Alejandro Mayorkas (phải). Ảnh: CNN

Alejandro Mayorkas, một luật sư sinh ra ở Cuba, cựu thứ trưởng Bộ An ninh Nội địa (DHS), được chọn làm Bộ trưởng An ninh Nội địa. 

Ông Mayorkas cũng từng là người đứng đầu Cơ quan Nhập tịch và Nhập cư dưới thời Obama, với một số chính sách nhập tịch cho trẻ em được đưa bất hợp pháp đến Mỹ khi còn nhỏ.

Nếu được Thượng viện phê chuẩn, ông Mayorkas sẽ trở thành người đầu tiên sinh ra ở nước ngoài đứng đầu DHS, một "siêu bộ" thành lập sau vụ tấn công khủng bố 11/9. Ông Mayorkas từng giữ cương vị Thứ trưởng bộ này dưới thời Obama.

Ông Alejandro Mayorkas nếu được thông qua sẽ được giao nhiệm vụ xây dựng lại cơ quan đã thực hiện một số biện pháp cứng rắn nhất liên quan đến chính sách nhập cư của Tổng thống Donald Trump.

Giám đốc Tình báo quốc giabà Avril Haines 

Bà Avril Haines. Ảnh: Columbia World Projects
Bà Avril Haines. Ảnh: Columbia World Projects

Vị trí giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia sẽ thuộc về Avril Haines. Bà từng là Phó Giám đốc CIA từ năm 2013 đến năm 2015, đồng thời là Phó Cố vấn An ninh quốc gia dưới thời Obama và là phụ nữ đầu tiên giữ những chức vụ này.

Bà Haines cũng từng giữ một số chức vụ tại Đại học Columbia sau khi rời chính quyền Obama vào năm 2017.

Nếu được Thượng viện phê chuẩn, Haines sẽ là nữ Giám đốc Cơ quan tình báo Quốc gia đầu tiên. 

Đặc phái viên về khí hậu, ông John Kerry 

Cựu ngoại trưởng John Kerry được đề cử làm đặc phái viên về khí hậu. Ảnh: AP
Cựu ngoại trưởng John Kerry được đề cử làm đặc phái viên về khí hậu. Ảnh: AP

Cựu ngoại trưởng John Kerry được đề cử làm đặc phái viên về khí hậu. Kerry là người ủng hộ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, thỏa thuận mang tính bước ngoặt mà Trump đã rút khỏi. Kerry, người được bổ nhiệm không cần sự phê chuẩn của Thượng viện, sẽ có một ghế trong Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), theo VnExpress.

"Điều này đánh dấu lần đầu tiên NSC bao gồm một quan chức chuyên trách về biến đổi khí hậu, phản ánh cam kết của Tổng thống đắc cử trong việc giải quyết biến đổi khí hậu như một vấn đề an ninh quốc gia cấp bách", nhóm chuyển giao của Biden cho biết trong thông cáo.

Trong chính quyền dự kiến của ông Biden, ông Kerry sẽ đóng vai trò điều phối các chương trình của nhiều cơ quan nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ để thúc đẩy các ưu tiên chính sách về khí hậu.

Trên trang mạng xã hội Twitter, ông Kerry nhấn mạnh, Mỹ sẽ sớm có một chính phủ coi cuộc khủng hoảng khí hậu là mối đe dọa an ninh quốc gia cấp bách, đồng thời thể hiện sự ủng hộ khi được hợp tác với ông Biden, các đồng minh và các nhà lãnh đạo trẻ của phong trào khí hậu để đối phó với cuộc khủng hoảng này với tư cách là Đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống.

Bộ trưởng Tài chính, bà Janet Yellen

Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, bà Janet Yellen. Ảnh: CNBC
Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, bà Janet Yellen. Ảnh: CNBC

Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen đã được chỉ định làm Bộ trưởng Tài chính nếu ông Biden nhậm chức. Nếu chính thức được bổ nhiệm, bà Yellen sẽ trở thành nữ Bộ trưởng Tài chính đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.

Bà Yellen, 74 tuổi, được nhiều người coi là một lựa chọn “an toàn” về mặt chính trị cho vai trò này, có khả năng thu hút được sự ủng hộ từ các đảng viên Cộng hòa ở Thượng viện cũng như có khả năng theo đuổi thỏa hiệp lưỡng đảng trong một số thời điểm của nền kinh tế.

Bà Yellen cũng là người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Fed sau khi được Thượng viện Mỹ xác nhận vào năm 2014. Nhiệm kỳ 4 năm của bà ở vị trí lãnh đạo Fed được đánh dấu bằng việc thị trường việc làm được cải thiện.

(Tổng hợp)

AN LY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement