11/05/2020 15:31
Những mô hình suy thoái kinh tế thời hậu COVID-19
Đại dịch COVID-19 đã tấn công mạnh vào nền kinh tế toàn cầu, khiến hàng triệu người mất việc làm, thị trường tài chính bị rúng động và chuỗi cung ứng phải đối mặt với thực trạng gián đoạn nghiêm trọng khi các nhà máy trên khắp thế giới phải đóng cửa.
Kinh tế thế giới đang đối mặt với nguy cơ suy thoái nặng nề dù chính phủ và các ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất và bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế của họ. "Tình hình sẽ tệ đến mức nào" và "Bao lâu nữa chúng ta mới có thể phục hồi" là hai câu hỏi mà người ta sẽ được nghe rất nhiều trong những tuần và tháng tới.
Đáp án cho cả hai câu hỏi này thường liên quan đến việc sử dụng hình ảnh của một trong bốn chữ cái V, U, W và L để mô phỏng tình hình – cách mà các nhà kinh tế thường dùng để mô tả về sự suy thoái.
Các mô hình này đến từ hình dạng của biểu đồ kinh tế thường thấy trong giai đoạn tương ứng, theo đó rà soát các hoạt động kinh tế như việc làm, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - hoặc tăng trưởng kinh tế và sản lượng công nghiệp. Ở đây, chúng ta sẽ xem xét bốn chữ cái đó và ý nghĩa của chúng đối với sự kỳ vọng phục hồi kinh tế.
Ảnh minh họa. |
Hình chữ V
Đây được coi là kịch bản tốt nhất vì kiểu suy thoái này bắt đầu bằng sự sụt giảm mạnh về kinh tế, nhưng sau đó chạm đáy và rồi nhanh chóng có sự phục hồi, nghĩa là cuộc suy thoái sẽ chỉ kéo dài một vài quý trước khi tăng trưởng nhanh chóng, đưa nền kinh tế trở lại mốc trước khi xảy ra đại dịch.
Một ví dụ kinh điển về suy thoái hình chữ V từng xảy ra ở Mỹ vào năm 1953 khi nền kinh tế sau Chiến tranh Thế giới thứ II được vực dậy nhờ lãi suất cao. Sau giai đoạn suy thoái, tăng trưởng mạnh mẽ đã quay trở lại chỉ hơn một năm sau đó.
Hình chữ U
Trường hợp này tương tự như suy thoái hình chữ V nhưng kéo dài lâu hơn. Trong kịch bản này, GDP thường thu hẹp trong vài quý liên tiếp và chỉ từ từ khôi phục trở lại mức tăng trưởng có được trước suy thoái.
Hình chữ W
Điều này xảy ra khi cuộc suy thoái bắt đầu mang dáng dấp hình chữ V, nhưng sau đó lại rớt xuống do những dấu hiệu sai trong phục hồi. Nó còn được gọi là suy thoái kép, vì nền kinh tế suy giảm hai lần trước khi trở lại tốc độ tăng trưởng trước đó.
Chẳng hạn, giai đoạn suy thoái đầu những năm 1980 của Mỹ trên thực tế là hai cuộc suy thoái với nền kinh tế tăng trưởng âm từ tháng 1-7/1980. Tiếp theo là thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ trước khi nền kinh tế rơi vào suy thoái một năm sau đó, và chỉ hồi phục vào cuối năm 1982.
Hình chữ L
Đây là kịch bản xấu nhất. Nó cũng có một tên gọi khác là “Đại suy thoái”. Điều này xảy ra khi một nền kinh tế trải qua một cuộc suy thoái nghiêm trọng và không phục hồi được tốc độ tăng trưởng trước đó trong vài năm.
Cái gọi là "thập niên mất mát" của Nhật Bản những năm 1990 là một ví dụ kinh điển về suy thoái hình chữ L. Đất nước này đã chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế vững chắc từ những năm ngay sau Chiến tranh Thế giới thứ II cho đến cuối những năm 1980. Điều đó dẫn đến những gì mà sau này bị coi là sự định giá quá lớn của tài sản hoặc "bong bóng kinh tế".
Kể từ khi bong bóng kinh tế đó bị nổ vào đầu những năm 1990, Nhật Bản đã tiếp tục có tỉ lệ tăng trưởng yếu và vẫn chưa trở lại với tốc độ tăng trưởng dương trong giai đoạn từ năm 1950 - 1990.
Như vậy, những kiểu suy thoái mà chúng ta sẽ thực sự chứng kiến sau đại dịch COVID-19 chắc chắn sẽ là chủ đề để tranh luận sôi nổi. Và tất nhiên, tốt nhất là không nên coi những dự báo tương lai của các nền kinh tế là chính xác, và bất kỳ dự đoán nào cũng chỉ nên để tham khảo.
(Nguồn: TTX/BBC)
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement