Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon
img

Cuối năm là thời điểm bận rộn nhất của những làng nghề truyền thống Hà Nội. Tất cả đều nhộn nhịp đủ sắc màu với những mặt hàng cần thiết phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết.


Mỗi làng nghề ở Hà Nội đều mang dấu ấn lịch sử lâu đời, đậm nét văn hóa dân gian Việt Nam. Nhắc đến làng nghề nào, người Hà Nội cũng đều tự hào bởi làng nghề là nơi hội tụ tinh hoa, nơi những bàn tay khéo léo tạo ra sản phẩm, sản vật nức tiếng gần xa.

Những làng nghề đậm màu hương vị Tết ở Hà Nội- Ảnh 1.

Nằm ở quận Tây Hồ, làng đào Nhật Tân là một trong những vựa hoa nổi tiếng và lớn nhất miền Bắc. Đào ở đây nổi tiếng với những cánh hoa to, đẹp, sẫm màu và dày cánh mà không nơi nào có được. Những ngày cận tết, vườn đào nơi đây rực rỡ khoe sắc đỏ, thu hút lượng khách lớn đến mua, ngắm nghía và du xuân.

Đào Nhật Tân dưới bàn tay khéo léo của người dân đã được tạo đủ thế, đáp ứng nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng. Ở đây cho ra đời những cành đào giá bình dân cho đến những gốc đào cổ có giá cả trăm triệu đồng.

Những làng nghề đậm màu hương vị Tết ở Hà Nội- Ảnh 2.

CHIA SẺ

Năm nay các dáng đào huyền, cành cong vẫn tiếp tục được người chơi ưa chuộng, giá đào tăng gấp 1,5 lần so với năm trước. Hiện đào ở các nhà vườn có giá khác nhau, phụ thuộc vào từng phân khúc khách hàng. Trung bình với cây vừa có giá dao động từ 1 - 3 triệu đồng, có cây 50 - 80 triệu đồng thậm chí có cây vài trăm triệu đồng tùy dáng, thế và đường kính của gốc đào.

Mỗi vườn hoa đào ở Hà Nội có một diện tích khác nhau, một lịch sử hình thành khác nhau nhưng tất cả đều rất đẹp vào những ngày xuân mới đến. 

Những làng nghề đậm màu hương vị Tết ở Hà Nội- Ảnh 3.

Cùng với hoa đào thì quất cảnh cũng là một loại cây chơi Tết của nhiều người dân Thủ đô. Đến làng quất Quảng Bá (Tây Hồ, Hà Nội) những ngày cuối năm, khách tham quan sẽ được hòa mình vào sắc xanh vàng của bạt ngàn gốc quất đang chuẩn bị đến từng gia đình để cùng chào đón năm mới.

Không chỉ với người Hà Nội, làng Quảng Bá còn là điểm đến của rất nhiều người dân ở những tỉnh thành khác, bởi sự nổi tiếng của những cây quất đẹp mang dáng vẻ độc đáo. Tất cả mọi người khi đến đây, đều hy vọng có thể tìm và chọn mua cho gia đình mình một cây quất ưng ý để bày trong nhà dịp Tết đến xuân sang.

Không khí chuẩn bị đợi Tết của các nhà vườn ở thời điểm này vô cùng tấp nập. Người dân từ già tới trẻ, ai ai cũng lo làm nốt những công việc cuối cùng để có một cây quất cảnh trước khi mang đi bán cho người ta chưng Tết.

Những làng nghề đậm màu hương vị Tết ở Hà Nội- Ảnh 4.
Những làng nghề đậm màu hương vị Tết ở Hà Nội- Ảnh 5.
Những làng nghề đậm màu hương vị Tết ở Hà Nội- Ảnh 6.
Những làng nghề đậm màu hương vị Tết ở Hà Nội- Ảnh 7.

Cùng với làng đào Nhật Tân, trước Tết Nguyên Đán 1 tháng luôn là thời điểm tất bật nhất của những người trồng quất cảnh làng Quảng Bá.

Nhiều năm gần đây, không ít hộ trong làng Quảng Bá đã mang quất ra trồng trên bãi đất bồi ven sông Hồng để thay thế các loại hoa lá có thu nhập thấp. Việc trồng và bán quất cảnh là nguồn thu nhập chính nên có tới 80% diện tích đất canh tác ở đây đã được người dân chuyển đổi để làm vườn. 

Những làng nghề đậm màu hương vị Tết ở Hà Nội- Ảnh 8.

Mỗi dịp cuối năm, khi làng bánh chưng Tranh Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) tất bật với những lá dong, những thúng gạo nếp trắng thơm, những nắm đỗ vàng ươm cũng là lúc Tết đang về bên ngưỡng cửa của mỗi gia đình.

Nếu đến thăm làng Tranh Khúc vào thời điểm này thì cảnh tượng dễ gặp nhất là những nồi bánh chưng đang sôi trên bếp lửa bập bùng, tỏa ra một mùi thơm phức. Bánh chưng Tranh Khúc nổi tiếng với hương vị thơm ngon đặc trưng, bánh dền, nếp dẻo, đỗ bùi kết hợp với vị ngậy của thịt ba chỉ ướp hạt tiêu và mùi thơm của lá dong.

Những làng nghề đậm màu hương vị Tết ở Hà Nội- Ảnh 9.

Bánh chưng được gói bằng gạo nếp cái hoa vàng trắng ngần cùng đỗ nhuyễn bọc trong đó miếng thịt nửa nạc nửa mỡ đã được tẩm ướp đủ vị.

Bánh chưng Tranh Khúc trải qua nhiều năm thăng trầm vẫn giữ được niềm yêu thích của các bà các chị xa gần bởi cho dù khó khăn đến thế nào, chiếc bánh vẫn được gói bằng những sản vật tốt nhất cùng cái tâm tử tế của người làm.

Sáu chiếc lá dong xanh, bọc lấy lớp gạo lớp đỗ, lớp thịt, chẳng cần khuôn mà cứ đều tăm tăm, cả nghìn chiếc gói như một. Người làng Tranh Khúc chẳng có ai gói bánh bằng khuôn vì đã quá quen tay nghề.

Làng bánh chưng nhộn nhịp đến hết ngày 29 tháng Chạp để đón Tết. Sau đó nửa tháng, làng lại bắt đầu những mẻ bánh mới cho rằm tháng Giêng. Cứ thế, 365 ngày trôi qua, trong hương thơm bánh chưng cổ truyền. Lễ Tết, giỗ chạp, ngày rằm mùng một, cưới hỏi, lúc nào cũng cần những chiếc bánh chưng.

Chiếc bánh chưng truyền thống vuông vức mang trong mình những giá trị còn mãi với thời gian. Một lần về Tranh Khúc để gói bánh chưng và lắng nghe những câu chuyện đời, chuyện làng, chuyện bánh, chuyện văn hóa và lịch sử cha ông trong những ngày mùa xuân rực rỡ.

Những làng nghề đậm màu hương vị Tết ở Hà Nội- Ảnh 10.

Miến là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ cúng gia tiên mỗi dịp Tết đến, xuân về. Canh miến ngon chủ yếu là nhờ sợi miến, nấu lên không bị bở, khi ăn sợi miến phải cảm nhận được vị giòn, dai.

Ở miền Bắc, có một làng miến nổi tiếng chuyên cung cấp các loại miến ngon đúng chuẩn như thế đó chính là làng miến Cự Đà ở huyện Thanh Oai, nằm cách thủ đô Hà Nội chưa đầy 20 km. Đây là một trong những làng nghề sản xuất miến lớn nhất và lâu đời nhất tại miền Bắc.

Đặc điểm của miến Cự Đà là sợi nhỏ đều, bó miến có màu vàng óng hoặc trắng tinh. Miến được làm từ bột dong nên khi ăn miến có vị dai, giòn, vừa miệng, đặc biệt không bị nát nếu các bà nội trợ có lỡ tay nấu quá lửa một chút.

Những làng nghề đậm màu hương vị Tết ở Hà Nội- Ảnh 11.
Những làng nghề đậm màu hương vị Tết ở Hà Nội- Ảnh 12.

Làng miến Cự Đà có từ lâu đời. Không ai biết đích xác làng nghề ra đời từ năm nào, tháng nào, chỉ nghe lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Bánh đã tráng xong được trải lên các tấm phên, làm từ vỏ tre, có khả năng chống ẩm mốc và chống dính, rồi mới hấp chín, mang ra phơi nắng nhiều lần. Trong điều kiện nắng đẹp, mỗi lần phơi mất khoảng 3 tiếng đồng hồ bánh mới khô, còn thời tiết xấu như trời mưa, nồm thì thời gian kéo dài, có khi phải mất đến nhiều ngày trời. Khi bánh đã khô, người thợ cắt thành từng sợi miến nhỏ, dài rồi tiếp tục đưa ra phơi nắng.

Hiện nay số lượng hộ dân theo nghề chỉ còn 10% trên tổng số khoảng 2.100 hộ. Số lượng hàng hóa sản xuất và tiêu thụ của 10% hộ dân vào giai đoạn này gấp nhiều lần so với nhiều năm trước, nhưng vẫn không thể không lo lắng khi nghề nghiệp của cha ông được truyền từ đời này sang đời khác đang mai một dần.

Những làng nghề đậm màu hương vị Tết ở Hà Nội- Ảnh 13.

Trong mâm ngũ quả ngày Tết, bưởi là thứ quả được đặt ở chính giữa mâm trên nải chuối xanh với ý nghĩa tượng trưng cho sự an khang thịnh vượng, niềm vui đủ đầy ngọt ngào, tròn trĩnh như trái bưởi.

Loại bưởi thơm ngon và được người tiêu dùng chọn mua nhiều nhất chính là bưởi Diễn. So với các giống được trồng ở nhiều nơi khác thì bưởi được trồng ở Phú Diễn (Hà Nội) có màu vàng tươi, da căng bóng, hương thơm đặc trưng tỏa khắp không gian, múi mọng nước, tép bưởi ráo, giòn, thanh thanh dịu ngọt.

Người ưa thích bưởi Diễn thường mua cả vườn để làm quà Tết biếu khắp nơi. So với trước đây, diện tích trồng bưởi Diễn tăng lên đáng kể. Xưa người dân chỉ trồng bưởi trong vườn nhà. Nhưng thời điểm hiện tại bưởi đa số được trồng ngoài cánh đồng, khi cây lúa không cho giá trị cao, không còn được canh tác.

Những làng nghề đậm màu hương vị Tết ở Hà Nội- Ảnh 14.

Ngoài ra ở Làng Phú Diễn còn có một loại bưởi tên là bưởi đào, có vào dịp rằm tháng 8. Sở dĩ nó có tên là bưởi đào vì múi và vỏ trong của nó có màu hồng. Vỏ ngoài của quả bưởi này là màu xanh lá cây. Nếu như mà ăn vào dịp rằm tháng tám thì bưởi ăn rất ngọt, múi dóc, nhưng lại không được thơm như bưởi Diễn Tết.

Những làng nghề đậm màu hương vị Tết ở Hà Nội- Ảnh 15.

Tết về không chỉ qua những cành đào, cây quất, nồi bánh chưng thơm phức. Tết còn về khi ta ngửi thấy mùi hương thơm ấm áp. Làng hương Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội) là một trong những làng nghề làm hương lâu đời. Theo các cụ già trong làng kể lại thì làng nghề này có từ thế kỉ 13 và phát triển cho đến tận bây giờ.

Quy trình làm hương Yên Phụ rất nhiều công đoạn và đòi hỏi sự tỉ mỉ. Ngày trước thì đều phải làm bằng tay, phải túc trực từng nén hương một. Nhưng bây giờ, làng nghề cũng đã có thêm máy móc để hỗ trợ các quá trình tạo nên hương. Điều đó cũng giúp người làm hương đỡ vất vả hơn và năng suất cũng cao hơn nữa.

Điều quan trọng là chọn được nguyên liệu tốt để làm hương. Hầu hết đều lấy từ gỗ tùng, có mùi thơm tự nhiên. Sau đó, trải qua quá trình pha chế thì mỗi nhà sẽ có tạo ra một mùi hương riêng biệt, đặc trưng.

Tết này, thắp nén hương thơm cúng ông bà tổ tiên thì thật là ấm cúng, thể hiện sự thành kính của con cháu hướng đến cội nguồn.

Những làng nghề đậm màu hương vị Tết ở Hà Nội- Ảnh 16.

Nghề làm hương tuy không nhàn hạ và thu nhập cũng chẳng lấy gì làm cao nhưng người dân vẫn một mực theo nghề vì họ cho rằng đây là nghề truyền thống. Vả lại từ lâu người dân đã sống bằng nghề này giờ không biết chuyển nghề nào cho hợp.

Những làng nghề đậm màu hương vị Tết ở Hà Nội- Ảnh 17.

Bao đời nay, mứt Tết là một món ăn mang hương vị cổ truyền không thể thiếu của người Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về. Ngày nay, dù các loại bánh kẹo nội, ngoại tràn ngập thị trường nhưng khi nghĩ đến Tết, người ta không thể quên gói mứt - nét văn hóa đặc trưng ngày Tết Nguyên đán.

Tại Hà Nội, làng nghề Xuân Đỉnh thuộc quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) được nhiều người biết đến với truyền thống sản xuất kẹo mứt phục vụ cho Tết Nguyên Đán từ bao đời nay.

Mứt Tết Xuân Đỉnh có vị đặc trưng rất riêng, khác với các loại mứt công nghiệp trên thị trường, luôn đem đến hương vị chuẩn truyền thống. Mỗi hộp mứt Tết như gói gọn cả tinh hoa của đất trời, từ vị ngọt bùi của mứt bí, cay nồng của mứt gừng đến vị chua dịu của mứt quất hay thơm mát của mứt hạt sen.

Những làng nghề đậm màu hương vị Tết ở Hà Nội- Ảnh 18.

Mỗi năm, chỉ riêng tại đây đã cung cấp hơn 600 tấn mứt kẹo cho thị trường. Điều đặc biệt ở đây chỉ làm mứt kẹo vào khoảng tháng 1 dương lịch, gần sát Tết cổ truyền. Vào những ngày này, chỉ cần đứng ở đầu cổng làng thôi cũng có thể ngửi thấy mùi thơm phức của mứt kẹo mới ra lò. Mứt Xuân Đỉnh luôn đem đến hương vị Tết cổ truyền quen thuộc trong từng nếp nhà.

Những làng nghề đậm màu hương vị Tết ở Hà Nội- Ảnh 19.

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía Tây, làng hoa Tây Tựu từ lâu đã nổi tiếng là nơi cung cấp hoa chủ lực cho Thủ đô và các vùng lân cận. Những ngày cận Tết Nguyên đán, cả một làng hoa rực rỡ muôn màu với đa dạng những loại hoa khác nhau. Mỗi loại đều mang một vẻ đẹp khác nhau, tạo nên một không gian lộng lẫy đón tết về.

Ngay từ đầu tháng Mười Âm lịch, người dân nơi đây đã bắt đầu chuẩn bị mùa hoa Tết. Đặc biệt, khi bước sang tháng Chạp, nhịp độ làm việc càng nhộn nhịp hơn. Nghề trồng hoa tại Tây Tựu được hình thành từ năm 1930 nhưng phải đến đầu những năm 90, người dân mới bắt đầu tập trung trồng hoa. 

Hiện tại, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của xã dùng để trồng hoa, biến nơi đây trở thành vùng đất "trăm hoa đua nở". Không chỉ cung cấp cho khu vực Hà Nội, hoa Tây Tựu đã mở rộng thị trường ra các tỉnh phía Bắc, phía Nam và xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trước đây, Tây Tựu chủ yếu trồng hoa hồng, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, người dân bắt đầu trồng thêm nhiều loại hoa khác như hoa ly, loa kèn, cúc, đồng tiền, cẩm chướng… để phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng.

Với lịch sử gần 100 năm làm nghề, làng hoa Tây Lựu đã được nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống. Có được thương hiệu riêng, người dân càng thêm gắn bó với nghề, tăng thu nhập cho gia đình, quan trọng hơn là giữ gìn bản sắc của làng nghề truyền thống trên mảnh đất quê hương.

Những làng nghề đậm màu hương vị Tết ở Hà Nội- Ảnh 20.

Hoa được trồng quanh năm, nhưng để phục vụ hoa cho thị trường Tết, có những loài hoa được trồng từ tháng 9, và được người dân chăm sóc rất cẩn thận.

THANH TRÚC (tổng hợp)
Internet
18/01/2024 18:00
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ