03/11/2018 01:09
Những kinh nghiệm cực kỳ hữu ích khi mua một chiếc xe cũ
Mua xe cũ đôi khi không hề đơn giản, bạn nên kiểm tra thật kỹ lưỡng "từ đầu đến đuôi" đúng nghĩa đen để tránh rơi vào cảnh tiền mất tật mang.
Nếu mua một chiếc xe mới thì quá đơn giản, bạn chỉ việc chọn chiếc xe vừa ý, vừa giá và "xuống tiền" đem xe về. Tuy nhiên, nếu tài chính không cho phép hoặc đơn giản là bạn cảm thấy phí khi mua xe mới, và bạn muốn chọn mua một chiếc xe cũ đã qua sử dụng, bài viết dưới đây sẽ cố gắng hướng dẫn thật chi tiết những gì cần kiểm tra khi bạn đi xem xe cũ.
Động cơ
Trên chiếc ôtô thì động cơ hiển nhiên là chi tiết quan trọng nhất, đồng thời cũng là chi tiết tốn kém nhất nếu cần phải sửa chữa. Do đó việc kiểm tra và xem xét thật kỹ lưỡng động cơ là ưu tiên hàng đầu khi mua một chiếc xe cũ.
Trước hết hãy kiểm tra khi máy xe đã nguội, nhớ đem theo một đèn pin nhỏ và soi xung quanh khoang máy xem có bộ phận nào rò rỉ dầu hoặc nước làm mát. Không chỉ xem kỹ khoang máy mà còn phải xem bên dưới gầm, các khu vực cần để ý là đáy cạc-te, hộp số, khu vực thước lái.
Nếu có tình trạng dầu nhỏ giọt bên dưới động cơ thì chắc chắn không nên mua. Tương tự đối với thước lái, nếu có bám dầu chứng tỏ thước đã xì phốt, chi phí khắc phục nhẹ như thay phốt cũng khoảng 2-3 triệu đồng, nặng thì phải thay thế toàn bộ thước tốn gấp mười lần.
Tiếp đến, soi kỹ vào khu vực két nước và đường ống dẫn xem có rò rỉ hay không. Nếu có bạn sẽ rất dễ nhận thấy vì nước tản nhiệt thường có màu đỏ tươi hoặc xanh lá cây sáng màu. Nếu két nước đã rò rỉ thì bắt buộc phải thay thế vì các biện pháp sửa chữa khắc phục chỉ là giải pháp tạm thời trong 1-2 tháng.
Tương tự đối với ống dẫn, các ống này chỉ xì khi đã bị lão hóa, và bắt buộc phải thay mới. Chi phí thay thế két nước cũng không hề rẻ nên nếu chiếc xe bạn xem đã bị rò nước thì chắc chắn không nên mua.
Xe chảy dầu khá nặng khi nâng gầm kiểm tra. Ảnh: Peter Finn. |
Nếu không phát hiện thấy rò rỉ gì, ta có thể tiếp tục kiểm tra các phần khác trong khoang máy. Bạn hãy mở nắp bình nước tản nhiệt và rọi đèn vào xem, nước tản nhiệt cần phải sáng màu, không có váng dầu, nếu có tức là xe đã bị hở ron đầu.
Tiếp đến, bạn hay mở nắp nhớt, xem xét kỹ phần nắp và nhìn vào bên trong xem có bám lợn cợn hoặc vón cục màu trắng hay không, nếu có tức là xe đã hở ron. Kiếm tra xuống bên dưới phần dây cu-roa, nếu dây không có vết nứt, nhấn vào thấy nặng tay thì tức là còn tốt.
Thứ tự tiếp theo, chúng ta cần kiểm tra xe khi máy nổ, vẫn để mở nắp ca-pô và đề máy, bạn cần để ý xem máy có rung lắc nhiều hay không. Nếu rung mạnh thì rất có thể cao su chân máy đã bể và phải cần thay thế. Nếu máy còn tốt thì garanti phải giòn đều, tua máy không tăng lên giảm xuống thất thường.
Tùy theo từng dòng xe mà tiếng cò có thể lớn hơn hay nhỏ hơn, nhưng ngoài ra bất kỳ âm thanh lạ nào khác đều cho thấy máy đang có vấn đề gì đó.
Lưu ý kiểm tra ống xả có ra khói hay không, nếu ra khói trắng liên tục thì máy đã bị hở ron đầu hoặc hở ron xú-páp khiến dầu lọt vào buồng đốt.
Xe nổ máy ra khói trắng liên tục tức đã bị "hở bạc". |
Trong khi máy nổ hãy dùng đèn pin kiểm tra lại khoang máy thêm một lần nữa để chắc chắn không có chỗ nào rò rỉ nữa.
Nếu mọi thứ đã ổn, bạn hạy chạy thử xe một vòng. Bài kiểm tra đầu tiên là tăng tốc nhanh, nếu xe tăng tốc êm, vào số mượt mà, ko giật thì là đủ tiêu chuẩn. Sau đó bạn hãy nhả chân ga và để xe lướt, để ý tua máy giảm đều, không đột ngột.
Kế đến, hãy kiểm tra hệ thống thắng bằng cách chạy ở vận tốc tương đối cao và phanh “dính gót” để cảm nhận ABS hoạt động. Xe phải giảm tốc nhanh và đều, không lục cục hoặc giật trong khi thắng.
Việc lái thử cũng là dịp để kiểm tra kỹ phần gầm lái. Bạn hãy tìm một khu vực trống và thử chạy xe theo hình số 8, luân phiên đánh hết lái sang cả hai bên. Nếu có tiếng hú thì là vấn đề ở thước lái, các âm thanh lục cục khi đánh hết lái là do cao su càng đã mòn hoặc bể. Nhìn chung xe phải đánh lái đều đặn, bất cứ âm thanh lạ nào đều cho thấy hệ gầm đang có vấn đề.
Đồng thời bạn cũng nên lưu ý những hiện tượng sau sẽ xảy ra khi phuộc nhún và lò xo đã hỏng: khi thắng xe sẽ bị “cắm” đầu; đi qua đoạn đường hơi gồ ghề thì xe ko êm và khá xóc; vào cua có tình trạng chao xe, lắc qua lại trái phải.
Việc khắc phụ dàn gầm nhún không chỉ dừng ở việc thay bốn phuộc mà có thể phải thay thế các loại cao su càng A trên và dưới. Vấn đề này có hai phương án, một là ép cao su càng cũ ra và thay bằng cao su mới; hai là thay cả cụm càng trên dưới, chi phí khá tốn kém.
Phuộc nhún chảy dầu tức đã mất khả năng nhún. |
Thước lái chảy dầu cũng là điều khá nghiêm trọng. |
Nội thất và dàn lạnh
Khi bước vào nội thất, trước hết hãy kiểm tra các ghế lái, da (hoặc vải) bọc có còn tốt hay không, có trầy hay rách không. Tắt và đề lại máy xem có đèn báo lỗi gì hay không. Sau đó bạn hãy kiểm tra kỹ các hệ thống điện trên xe: ghế chỉnh điện các hướng, chỉnh điện bốn kính, thử hết các phím chức năng trên vô-lăng lẫn táp-lô.
Dỡ hết các tấm lót chân hai bên ghế lái lẫn ghế phụ để kiểm tra xem có ẩm thấp hay không, nếu có chứng tỏ xe đã từng bị vào nước.
Thử máy lạnh bằng cách bật lạnh hết mức, nếu cảm thấy lạnh đủ sâu thì là ổn. Nếu lạnh yếu thì phải cân nhắc, đừng bao giờ tin khi người bán nói máy lạnh chỉ cần bơm ga. Trên thực tế việc máy lạnh yếu có khá nhiều nguyên nhân và thường không đơn giản chỉ là hết ga. Việc sửa chữa dàn lạnh cũng tốn kém không ít.
Kiểm tra kỹ bên dưới thảm lót ghế tài lẫn ghế phụ, mỗi số dòng xe có đến hai lớp thảm, cần lật tất cả lên để xem. Ảnh: ashokaglobalizer.com |
Hệ thống gầm, lái
Đối với các xe đã chạy khoảng trên 60.000 km thì những chi tiết của hệ thống treo bắt đầu cần được thay thế. Trong số này có thể kể đến bốn phuộc nhún, rô-tuyn càng, các cao su hai đầu càng. Đối với những xe tuy ít chạy nhưng tuổi đời thuộc dạng lâu (8-10 năm) thì các chi tiết cao su tuy không hỏng như rất có thể đã bị lão hóa, không thể sử dụng được nữa.
Khâu kiểm tra này đòi hỏi bạn phải đưa xe lên cầu nâng mới có thể xem xét thật kỹ và chắc ăn. Để ý xem bốn phuộc có bị xì dầu hay không. Phuộc nhún đã chảy dầu thì tức là đã mất khả năng giảm xóc. Chỉ cần một phuộc xì chứng tỏ toàn bộ bốn phuộc đã “tới tuổi”.
Xem xét kỹ hai đầu thước lái, vị trí rô-tuyn trong lẫn rô-tuyn ngoài của thước để đảm bảo không xì, nếu có thì không nên mua vì đây là chi tiết phức tạp, khó xử lý.
Cao su càng mới và cao su càng đã mòn. Ảnh: 2carpros.com. |
Thân, vỏ
Điều quan trọng nhất khi kiểm tra thân vỏ là xem xem xe đã từng đâm đụng nặng hay chưa. Với tình hình giao thông đông đúc ở Việt Nam thì chuyện va quẹt, trầy xước là điều không thể tránh khỏi; nhưng với những va chạm mạn, phạm sâu và thân xe hoặc khung gầm thì có thể ảnh hướng đến độ an toàn về lâu dài và cần phải tránh.
Mở nắp ca-pô và xem xét kỹ những đường khung bao quanh khoang động cơ, nếu đã có tai nạn khá nặng, những phần này cho dù “lấp liế”m tốt đến mấy cũng sẽ bị méo, không thẳng liền lạc được. Giữa những tấm kim loại thân xe luôn có một đoạn khe hở vừa đủ, ví dụ như ở nắp ca-pô, cửa cốp, bốn cửa xe. Hãy vuốt ngón tay của bạn dọc theo những khe này, nếu có những đoạn hở rộng hơn hoặc hẹp hơn chứng tỏ khu vực này đã từng được gò lại.
Xem kỹ đoạn hở giữa các cửa và các tấp panel thân xe. Ảnh: VW Heritage. |
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp