23/07/2018 11:15
Những hiểu lầm về "chai" pin khi sạc điện thoại
Có nhiều nguyên nhân gây nên "chai" pin điện thoại, nhưng cũng có những hiểu lầm tai hại khiến việc sử dụng smartphone của bạn trở nên phiền phức.
Một chiếc smartphone mới mua có thể hoạt động liên tục trong khoảng 18 giờ, nhưng sau 1 năm, nó sẽ chỉ "sống" được 16 giờ đã cần phải sạc pin. Tuổi thọ của pin trong smartphone chịu tác động của việc sử dụng và sạc pin hàng ngày. Nhưng sạc thế nào cho đúng và những thông tin sai lệch nào về sạc pin đang bủa vây bạn?
Cắm sạc qua đêm sẽ nhanh hỏng pin
Đây là hiểu lầm lớn nhất liên quan tới việc sạc pin điện thoại. Hầu hết người được hỏi đều cho rằng sạc điện thoại qua đêm sẽ khiến pin bị chai nhanh hơn. Có người còn đặt chuông báo thức vào giữa giấc ngủ chỉ để rút sạc điện thoại, nhằm bảo vệ "dế yêu" của mình.
Bất kỳ khi nào sạc đầy, chiếc smartphone sẽ tự dừng sạc. |
Tuổi thọ của pin là vấn đề ai cũng nghĩ đến đầu tiên, chắc chắn cũng được các hãng smartphone quan tâm hàng đầu. Có thể việc sạc quá lâu làm chai pin điện thoại đã là chuyện của hàng chục năm về trước, giờ đây, bất kỳ khi nào sạc đầy chiếc smartphone cũng sẽ tự dừng sạc.
Theo các chuyên gia, pin trên smartphone là loại lithium ion, sẽ nạp đầy ở mức 4,1 volt, các cảm biến sẽ ngắt nguồn cung điện cho pin của chiếc smartphone ngay khi nó đầy năng lượng. Điều này người dùng có thể tự cảm nhận bằng nhiệt độ: khi đang sạc máy sẽ nóng lên, nhưng khi thức dậy vào mỗi sáng và sờ vào thiết bị, nó sẽ nguội như khi không cắm sạc.
Sạc nhiều sẽ nhanh hỏng pin
Hiểu lầm này còn tai hại hơn cả việc thức giấc nửa đêm để rút sạc khỏi chiếc smartphone. Chính vì hiểu lầm này nên nhiều người thường có xu hướng sử dụng gần cạn, hoặc thậm chí kiệt pin của smartphone, rồi mới cắm sạc, để tiết kiệm số lần sạc và nghĩ rằng điều này sẽ kéo dài tuổi thọ của pin.
Sạc nhiều lần trong ngày không gây hại tới pin. |
Trên thực tế, pin smartphone rất không nên sử dụng cạn kiệt đến 0%. Ngược lại củng không nên sạc đầy 100%. Cả 2 điều này sẽ khiến tuổi thọ của pin bị ảnh hưởng. Theo các chuyên gia, tốt nhất nên sạc pin khi nó còn khoảng 40% năng lượng và sạc nhiều lần trong ngày, nếu có thể.
Việc sạc nhiều lần không làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của pin, đồng thời việc sạc sớm từ khi pin còn 40% dung lượng sẽ khiến pin luôn hoạt động ở trạng thái tốt nhất, tiết kiệm năng lượng tiêu thụ nhất và giúp pin có tuổi thọ tốt hơn.
Cụ thể hơn, tuổi thọ của pin được tính bằng mức độ năng lượng tiêu thụ (Depth of Discharge - DoD). Pin tiêu thụ năng lượng hiệu quả nhất và tiết kiệm nhất ở ngưỡng từ 40 - 80% (gọi là low DoD). Khi dung lượng quá cao hoặc quá thấp, pin sẽ tiêu thụ nhiều năng lượng hơn, đồng nghĩa với việc giảm tuổi thọ. Nếu duy trì pin ở mức tối ưu, tuổi thọ của pin sẽ kéo dài.
Để pin luôn ở mức dung lượng tối ưu, người dùng cần sạc nhiều lần cho thiết bị trong ngày. Đây là điều không dễ để thực hiện, nhưng cũng không quá phức tạp, chỉ cần cắm sạc ở bất cứ đâu có thể. Nếu không thực hiện được cũng không sao, vì các chuyên gia tính toán rằng, những chiếc smartphone thông thường sẽ sử dụng được 5 năm mới cần quan tâm tới thời lượng pin (nếu dùng đúng cách). Trong khi trên thực tế, người dùng thường thay thế smartphone sau 2-3 năm sử dụng.
Không sạc ở nơi nhiệt độ cao
Nhiều người hay có thói quen cắm sạc điện thoại và đặt ở đầu giường, dưới gối hay bất kỳ đâu được cho là tiện lợi. Đáng chú ý đây lại là thứ nguy hiểm nhất tới không chỉ chiếc smartphone, mà cả đối với con người.
Không nên để smartphone cạn pin mới sạc và không nên sạc ở nơi nhiệt độ cao. |
Pin chịu ảnh hưởng rất lớn bởi nhiệt độ. Nếu sạc pin trong môi trường nắng nóng như bên trong ô tô, trong túi xách (với pin sạc dự phòng), dưới ánh nắng, đặt trên các thiết bị điện tử sinh nhiệt, hay ủ trong chăn gối,... cả chiếc smartphone sẽ trở nên rất nóng trong quá trình sạc. Không chỉ nóng, điều này còn khiến pin nhanh chóng hư hại và giảm tuổi thọ.
Do vậy, khi sạc pin, smartphone tốt nhất nên được đặt ở nơi thoáng mát và không quá nóng. Điều này không quá khó, về cơ bản bạn có thể đặt chiếc smartphone khi sạc ở bất kỳ đâu, ngoài những nơi sinh nhiệt và những nơi sẽ ủ nhiệt lượng của chính chiếc smartphone trong quá trình sạc.
Không chỉ gây hại cho pin, sạc điện thoại ở môi trường nóng cũng rất dễ gây nên hiện tượng cháy nổ, nguy hiểm tới người xung quanh. Đã có không ít vụ cháy nổ liên quan tới chiếc smartphone khi đang sạc, dù là iPhone hay Samsung, dù là trong nhà hay trong xe hơi và thậm chí có những vụ đã gây thương vong cho con người.
Sạc ở nơi nóng có thể khiến pin cháy nổ. |
Vừa sạc vừa sử dụng máy không gây hại đến pin
Về lý thuyết thì sạc pin và sử dụng máy không ảnh hưởng tới tuổi thọ của pin. Nhưng trên thực tế, các công nghệ sạc nhanh khiến máy nóng lên rất nhiều. Nếu cùng lúc sử dụng các ứng dụng tiêu tốn tài nguyên như xem phim 4K hay chơi game cấu hình cao, máy sẽ trở nên rất nóng. Nhiệt độ cao khiến pin giảm tuổi thọ và có thể gây cháy nổ.
Vì vậy, khi đang sạc pin, đặc biệt với công nghệ sạc nhanh, nên cho chiếc smartphone nghỉ ngơi trong khoảng 15 - 20 phút là đã có đủ năng lượng để sử dụng. Nếu cần thiết phải vừa sạc vừa sử dụng, nên tìm nguồn cấp điện công suất thấp hơn công nghệ sạc nhanh để máy không quá nóng. Nguồn cấp điện này có thể là adapter hay pin dự phòng có dòng điện thấp.
Tóm lại, ngoài việc tránh sạc cũng như sử dụng quá nhiệt chiếc smartphone, người dùng không cần quá lo lắng tới tuổi thọ của pin. Bởi lẽ các công nghệ mới đã khiến pin tốt hơn và bền hơn nhiều so với trước đây. Tất nhiên, nếu muốn chiếc smartphone có tuổi thọ cao hơn, hãy chăm chỉ sạc và duy trì dung lượng pin của máy ở mức lý tưởng.
Advertisement