Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Những công ty đáng chú ý nhất ở châu Á khi năm mới bắt đầu

Báo cáo phân tích

05/01/2024 16:34

Các doanh nghiệp châu Á sẽ phải đối mặt với những thách thức mới về công nghệ, quy định, môi trường và địa chính trị vào năm 2024, chưa kể đến tác động tiềm tàng của các cuộc bầu cử lãnh đạo quốc gia quan trọng trong khu vực.
news

Cho dù một công ty Đài Loan đưa hoạt động sản xuất pin thể rắn sang châu Âu hay một nhà sản xuất vũ khí Hàn Quốc đang tạo dựng thị trường mới tại các điểm nóng toàn cầu, dưới đây là những cái tên công ty mà bạn có thể mong đợi được nghe nhiều hơn trong năm tới.

Tiktok làm "nóng" cuộc đua thương mại điện tử tại ASEAN

Nền tảng video ngắn thuộc sở hữu của Trung Quốc đang cố gắng quay trở lại Indonesia thông qua khoản đầu tư 1,5 tỷ USD vào một trong những đối thủ lớn nhất của nó, nhà cung cấp siêu ứng dụng địa phương GoTo. TikTok đã công bố vào tháng 12 rằng họ sẽ nắm 75% cổ phần kiểm soát trong Tokopedia, đơn vị thương mại điện tử của GoTo.

Thỏa thuận này được đưa ra sau khi TikTok Shop buộc phải tạm dừng dịch vụ tại Indonesia - thị trường đầu tiên và lớn nhất của ứng dụng này, sau khi chính phủ cấm các giao dịch thương mại điện tử trên mạng xã hội vào tháng 9. Sự hợp tác này có khả năng thay đổi cục diện công nghệ của khu vực, đặc biệt là thương mại điện tử có tính cạnh tranh cao.

Những công ty đáng chú ý nhất ở châu Á khi năm mới bắt đầu- Ảnh 1.

Giám đốc điều hành TikTok, ông Shou Zi Chew cho biết hàng tỷ USD sẽ được TikTok đầu tư cho Đông Nam Á trong vài năm tới.

Nhưng TikTok thuộc sở hữu của ByteDance đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn từ các chính phủ trong khu vực, bao gồm cả Malaysia, quốc gia cho biết họ đang nghiên cứu khả năng điều chỉnh TikTok và hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của nó.

Đối với TikTok, những nỗ lực đổi mới của họ ở Indonesia có thể trở thành nền tảng khi họ tìm cách mở rộng thị phần trong khu vực.

SICC - công ty Trung Quốc sẵn sàng định hình lại tương lai của chất bán dẫn điện

Trung Quốc đang đặt cược lớn vào "chất bán dẫn phức hợp", đặc biệt là chip silicon cacbua (SiC). Vật liệu này nổi tiếng vì có thể chịu được điện áp và nhiệt độ cao, khiến nó trở nên lý tưởng để chế tạo chất bán dẫn điện trong thiết bị năng lượng và sạc xe điện.

Nhu cầu trong nước đối với các linh kiện EV đang thúc đẩy lĩnh vực này, trong đó SICC có trụ sở tại Tế Nam đang nổi lên như một công ty chủ chốt, cạnh tranh với các gã khổng lồ Wolfspeed và Coherent của Mỹ, những công ty thống trị thị trường sản xuất chất nền SiC.

Những công ty đáng chú ý nhất ở châu Á khi năm mới bắt đầu- Ảnh 2.

Cacbua silic bán dẫn (SiC) có tiềm năng lớn trong thị trường xe năng lượng mới. Ảnh: silicon-carbides

Sự trỗi dậy của SICC diễn ra khi Trung Quốc đang tìm cách tăng cường khả năng tự lực của mình về nguyên liệu quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Châu Âu và Trung Quốc hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực này, với nhà sản xuất chip hàng đầu Infineon đã ký các thỏa thuận vào năm ngoái để đảm bảo nguồn cung cấp SiC từ SICC và Tankeblue.

Theo McKinsey & Co, thị trường chip SiC, mặc dù hiện có giá trị hơn 2 tỷ USD, nhưng được dự đoán sẽ tăng lên 14 tỷ USD vào năm 2030, nhờ tốc độ tăng trưởng 26% hàng năm. 

Mặc dù quy mô hiện tại rất nhỏ so với thị trường CPU và GPU, tầm quan trọng chiến lược của cacbua silic là không thể phủ nhận, khiến SICC sẵn sàng định hình lại tương lai của chất bán dẫn điện.

ProLogium - công ty Đài Loan mang pin thể rắn đến châu Âu

Năm 2017, ProLogium là đơn vị đầu tiên trên thế giới có dây chuyền thử nghiệm công nghệ pin thể rắn ứng dụng cho ô tô.

Loại pin này được đánh giá có thể là nhân tố thay đổi cuộc chơi đối với xe điện vì chúng có thể tích trữ nhiều năng lượng hơn, sạc nhanh hơn và mang lại độ an toàn cao hơn so với pin lithium-ion lỏng, giúp đẩy nhanh sự dịch chuyển khỏi xe ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.

Hồi tháng 8/2023, Ủy ban Châu Âu đã phê duyệt 1,5 tỷ euro theo các Quy định viện trợ Nhà nước của Liên minh Châu Âu (EU) cho dự án của công ty ProLogium Technology, xây dựng nhà máy sản xuất pin thể rắn cho xe điện tại Pháp.

Những công ty đáng chú ý nhất ở châu Á khi năm mới bắt đầu- Ảnh 3.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến thăm một nhà máy đúc kim loại ở Dunkirk, thành phố đã được công ty Đài Loan ProLogium lựa chọn để xây dựng một nhà sản xuất pin vào ngày 12/5. Ảnh: Reuters

Khoản tài trợ này sẽ cho phép dự án nghiên cứu và phát triển "Prometheus" của công ty ProLogium, tiên phong trong kế hoạch chế tạo và sản xuất pin thể rắn tiên tiến cho xe điện và xây dựng một nhà máy sản xuất khổng lồ 48 GWh ở Dunkirk, Pháp.

Châu Âu muốn Đài Loan đầu tư vào công nghệ khi nước này cố gắng giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc về các nguồn tài nguyên và hàng hóa quan trọng. Động thái của các công ty châu Á đang giúp đưa ngành công nghiệp quay trở lại châu Âu. Dự án sẽ giúp phát triển chiến lược pin của EU trong định hướng phát triển EV và chuyển đổi năng lượng xanh.

Mặc dù quá trình này diễn ra chậm và nhà máy vẫn chưa được xây dựng, ProLogium đang cố gắng đều đặn thâm nhập vào thị trường pin xe điện, với công nghệ tiên tiến có thể đánh bại các đối thủ.

Harita Niken - 'gã khổng lồ' khai khoáng lớn nhất Indonesia

Trimegah Bangun Persada, hay còn được gọi là Harita Nickel, là nhà sản xuất kim loại hàng đầu ở Indonesia. Được hỗ trợ bởi nhà máy lọc niken Ninh Ba Lygend Mining của Trung Quốc, Harita vận hành nhà máy lọc axit áp suất cao đầu tiên của Indonesia, xử lý quặng niken cấp thấp thành kết tủa hydroxit hỗn hợp, nguyên liệu để sản xuất pin xe điện.

Vào năm 2023, công ty đã đưa vào hoạt động cơ sở sản xuất niken sunfat và coban sunfat đầu tiên ở Indonesia, hai vật liệu được tinh chế thêm cho pin.

Những công ty đáng chú ý nhất ở châu Á khi năm mới bắt đầu- Ảnh 4.

Khu vực khai thác, chế biến niken và nhà máy sản xuất nguyên liệu cho pin xe điện của Trimegah Bangun Persada tại quần đảo Obi, Indonesia. Ảnh: Trimegah Bangun Persada.

Harita mang đến cái nhìn thoáng qua hiếm hoi về ngành công nghiệp chế biến niken đang bùng nổ của Indonesia, vốn do các công ty Trung Quốc thống trị, sau đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng trị giá 9,997 nghìn tỷ rupiah (644 triệu USD), một trong những đợt IPO lớn nhất tại Sở giao dịch chứng khoán Indonesia vào năm 2023.

Việc giám sát môi trường trong hoạt động của công ty và việc bắt giữ một giám đốc công ty vì cáo buộc hối lộ quan chức địa phương đã nhấn mạnh những ảnh hưởng đến ngành công nghiệp niken của Indonesia. 

Vụ nổ chết người gần đây tại nhà máy luyện niken ở Khu công nghiệp Morowali của Indonesia do công ty Tsingshan của Trung Quốc kiểm soát, biến động giá cả và sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc trong chuỗi cung ứng công nghệ xanh, có khả năng cản trở tham vọng của Indonesia trong việc sử dụng nguồn tài nguyên niken của mình để xây dựng một nền kinh tế mới ngành công nghiệp pin và xe điện trong nước.

Hanwha Aerospace - đơn hàng quốc phòng toàn cầu tăng vọt

Số lượng đơn đặt hàng ở các công ty quốc phòng lớn nhất thế giới đang đạt mức cao kỷ lục chỉ trong hai năm do các căng thẳng địa chính trị dâng cao, bao gồm cả cuộc xung đột ở Ukraina. 

Hanwha Aerospace đang tích cực mở rộng hoạt động kinh doanh vũ khí sang châu Âu, Trung Đông, Úc và xa hơn do chiến tranh và rủi ro địa chính trị.

Hàn Quốc từ lâu đã phải đối mặt với các mối đe dọa và khiêu khích từ Triều Tiên, trong nhiều thập kỷ đã phát triển ngành công nghiệp vũ khí đẳng cấp thế giới và Hanwha là biểu tượng cho điều đó.

Những công ty đáng chú ý nhất ở châu Á khi năm mới bắt đầu- Ảnh 5.

Một kỹ sư đang làm việc trên pháo tự hành K9 tại nhà máy Hanwha Aerospace ở Changwon, Hàn Quốc, vào ngày 15/9. Ảnh: AFP

Giá trị thị trường của công ty quốc phòng Hàn Quốc đã tăng 69% vào năm 2023 khi công ty ký hợp đồng trị giá hàng tỷ USD với Ba Lan, Úc và các nước khác để xuất khẩu pháo tự hành K9 và xe chiến đấu bộ binh Redback. Ba Lan là quốc gia tiền tuyến trong cuộc chiến ở nước láng giềng Ukraina, trong khi Úc đã tăng cường sức mạnh quân sự với sự hỗ trợ từ Mỹ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc.

Danh mục kinh doanh của Hanwha vượt ra ngoài lĩnh vực quốc phòng và bao gồm các bệ phóng tên lửa không gian và vệ tinh quan sát Trái đất. Hiện công ty đang hợp tác chặt chẽ với chính phủ Hàn Quốc trong chương trình không gian của đất nước.

PTT - công ty dầu khí hàng đầu Thái Lan 

Tập đoàn dầu khí thuộc sở hữu nhà nước PTT của Thái Lan đang tăng tốc chuyển đổi sang mô hình kinh doanh thân thiện với môi trường bằng cách triển khai thêm kho cảng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), sản xuất xe điện và khí hydrogen.

PTT tách hoạt động kinh doanh bán lẻ dầu khí của mình thành PTT Oil Retail (OR) để quản lý hoạt động kinh doanh bán lẻ dầu và phi dầu mỏ tại mạng lưới trạm xăng trên toàn quốc.

Tập đoàn đã đa dạng hóa rủi ro bằng cách tăng số lượng trạm sạc xe điện. Đồng thời đầu tư vào hoạt động kinh doanh phong cách sống di động tại các trạm xăng của mình, bao gồm cung cấp các quán cà phê, nhà hàng và cửa hàng tiện lợi để phục vụ khách hàng sạc pin.

Những công ty đáng chú ý nhất ở châu Á khi năm mới bắt đầu- Ảnh 6.

Một trạm sạc xe điện của Công ty kinh doanh bán lẻ và dầu mỏ PTT, đơn vị thành viên của PTT, ở Bangkok, Thái Lan. PTT đặt mục tiêu xây dựng 7.000 trạm sạc xe điện trên khắp nước vào năm 2030. Ảnh: Prnasia

Tập đoàn cũng kỳ vọng bắt đầu sản xuất xe điện vào năm nay thông qua nhà máy liên doanh Horizon Plus với Tập đoàn Foxconn của Đài Loan đặt tại tỉnh Chonburi.

PTT cũng sẽ khởi động sản xuất hydrogen. Hợp tác với chính phủ Saudi Arabia, tập đoàn nhắm đến hydrogen "xanh, tức sản xuất loại khí này mà không thải ra carbon. 

HashKey Group - xoay trục trung tâm tài chính mới của Hồng Kông

HasKey hiện đang là cái tên gây chú ý trong thời gian gần đây đối với đại đa số người dùng Châu Á. Được thành lập vào năm 2018, HashKey là một trong những đơn vị phát triển hệ sinh thái Web3 nổi tiếng và đứng đằng sau nó là HashKey Group.

Ngoài việc là một trong những sàn giao dịch hợp pháp đầu tiên của Hồng Kông, HashKey Exchange còn được kỳ vọng sẽ mang đến một trải nghiệm giao dịch mới đầy hợp pháp cho thị trường tiền mã hoá.

Kể từ đó, sàn giao dịch này đã thu hút được hơn 150.000 người dùng đã đăng ký, với doanh thu gần đây đạt mức cao kỷ lục khi giá Bitcoin tăng vọt để phòng ngừa rủi ro trước sự biến động của tài sản tài chính truyền thống.

Những công ty đáng chú ý nhất ở châu Á khi năm mới bắt đầu- Ảnh 7.

HasKey Group đang hoạt động chủ yếu tại các thị trường như Singapore, Thượng Hải và Nhật Bản.

Nhưng HashKey phải đối mặt với những cơn gió ngược khi một loạt vụ bê bối tại các sàn giao dịch tiền điện tử trong thành phố làm mất niềm tin của nhà đầu tư. 

Mười sàn giao dịch tiền điện tử khác đã nộp đơn xin cấp phép nền tảng, trong đó có một sàn được Binance hỗ trợ. Người sáng lập của nó gần đây đã nhận tội với các cơ quan quản lý Mỹ về tội rửa tiền.

Samuel Lok, giám đốc của HashKey Group, cho biết câu hỏi dành cho cơ quan quản lý Hồng Kông hiện nay là: "Họ có thể xử lý hết tất cả các sàn giao dịch hay không?"

Rapidus - quyết giành lại lợi thế trong sản xuất chip

Nhà sản xuất chip Rapidus mới thành lập của Nhật Bản đặt mục tiêu có thể cạnh tranh trên toàn cầu trong vòng bốn năm.

Chủ tịch Rapidus, Tetsuro Higashi, cho rằng Rapidus có thể nhanh chóng tăng tốc trước các tập đoàn như TSMC của Đài Loan và Samsung Electronics của Hàn Quốc, với sự hỗ trợ của chính phủ và các nhà sản xuất thiết bị trong nước.

Rapidus, công ty có sự hỗ trợ của chính phủ được thành lập vào tháng 8/2022, đang đầu tư hàng tỷ USD cho việc xây dựng nhà máy sản xuất chip dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2027, góp phần thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản.

Những công ty đáng chú ý nhất ở châu Á khi năm mới bắt đầu- Ảnh 8.

Rapidus đang xây dựng nhà sản xuất chip đầu tiên ở Hokkaido và đặt thử nghiệm tiêu điểm sản xuất đầu tiên vào tháng 4/2025. Ảnh: Jiji

Rapidus dự báo nhu cầu về chip có chức năng cụ thể sẽ tăng lên thay vì chip sử dụng thông thường khi thiết bị điện tử tiêu dùng ngày càng tiên tiến.

Nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Omdia, Akira Minamikawa, cho rằng những gì Rapidus đang nỗ lực hướng tới vô cùng thách thức, nhưng không hoàn toàn là không thể, nhờ sự phối hợp với các đối tác trên toàn cầu.

Nhật Bản đang nỗ lực quay ngược thời gian về những năm 1980 và 1990, khi nước này là nơi tập trung các nhà máy tiên tiến nhất trong lĩnh vực sản xuất chip.

SP New Energy - sử dụng năng lượng mặt trời để giảm chi phí điện năng ở Philippines

Tập đoàn SPNEC đang "đẩy nhanh" việc phát triển trang trại năng lượng mặt trời tại Philippines, nhấn mạnh đây là "dự án năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới".

Quốc gia này đang phải đối mặt với chi phí điện năng cao, khiến năng lượng tái tạo trở nên quan trọng và đang nhắm mục tiêu năng lượng tái tạo chiếm 35% tổng nguồn năng lượng vào năm 2030.

SPNEC được thành lập bởi Leandro Leviste, một doanh nhân tốt nghiệp Yale xuất thân từ một gia đình nổi tiếng về chính trị, và ra mắt trên sàn giao dịch chứng khoán Philippines vào năm 2021 với tư cách là công ty đầu tiên của đất nước trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Những công ty đáng chú ý nhất ở châu Á khi năm mới bắt đầu- Ảnh 9.

SPNEC cho biết địa điểm rộng gần 3.500 ha này đã được giải phóng mặt bằng và giai đoạn đầu tiên dự kiến sẽ hoàn thành vào quý 1/2026. Ảnh: SPNEC

Trong một tuyên bố đầu năm mới, SPNEC cho biết khu vực này sẽ có diện tích khoảng 3.500ha và giai đoạn đầu tiên của dự án dự kiến hoàn thành vào quý 1/2026.

Sau khi đi vào hoạt động, SPNEC khẳng định Terra Solar sẽ lớn hơn công viên năng lượng mặt trời Bhadla của Ấn Độ và công viên năng lượng mặt trời Golmud của Trung Quốc.

Trang trại năng lượng mặt trời trị giá 200 tỷ peso (3,6 tỷ USD) được thiết kế để có các tấm pin mặt trời có công suất 3.500 MW (megawatt) và bộ lưu trữ pin 4.000 MWh (megawatt giờ). Terra Solar sẽ có khả năng tạo ra hơn 5 tỷ kWh (kilowatt giờ) mỗi năm - tương đương khoảng 5% tổng khối lượng lưới điện ở Philippines và 12% tổng nhu cầu của người dân nước này.

Dự án năng lượng mặt trời khổng lồ được dẫn đầu bởi công ty con của SPNEC, Terra Solar Philippines, Inc., đánh dấu bước nhảy vọt đáng kể hướng tới các giải pháp năng lượng bền vững trong khu vực.

Theo Phó chủ tịch SPNEC Leandro Leviste, hơn 5 triệu tấm pin mặt trời dự kiến sẽ được lắp đặt, đồng thời công ty sẽ tập trung vào việc xây dựng kết nối của dự án với lưới điện quốc gia.

YTL - hợp tác với Nvidia trên trung tâm dữ liệu AI đầu tiên của Malaysia

Trong một động thái quan trọng nhằm tăng cường khả năng trí tuệ nhân tạo (AI) ở Đông Nam Á, công ty công nghệ Nvidia của Mỹ đã hợp tác với YTL Power International, một đơn vị của tập đoàn YTL của Malaysia, để phát triển cơ sở hạ tầng AI ở Malaysia. Khoản đầu tư cho sáng kiến này lên tới 4,3 tỷ USD.

YTL Power International thông báo rằng giai đoạn đầu của dự án dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào giữa năm 2024. Sự hợp tác này sẽ tập trung vào việc tạo ra các siêu máy tính nhanh nhất của Malaysia, tận dụng chip AI của Nvidia. 

Ngoài ra, YTL Power có kế hoạch sử dụng nền tảng điện toán đám mây AI của Nvidia để phát triển một mô hình ngôn ngữ lớn bằng tiếng Maylaysia. 

Những công ty đáng chú ý nhất ở châu Á khi năm mới bắt đầu- Ảnh 10.

Tỷ phú Jensen Huang nói chuyện cùng Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim ngày 8/11. Ảnh: Anwar Ibrahim/X

Cả hai cổ phiếu này đều tăng hơn 200% vào năm 2023. Trung tâm dữ liệu AI dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào giữa năm nay và khoản đầu tư vào trạm năng lượng mặt trời của YTL tại Singapore sẽ chứng kiến sản lượng điện tăng gấp 5 lần, lên 5 megawatt.

Những cơ hội mới cũng có thể mang lại lợi ích cho YTL khi Malaysia và Singapore tìm cách hồi sinh dự án đường sắt cao tốc trị giá hàng tỷ USD trong năm nay.

Tata Motors - hãng xe 'quốc dân' Ấn Độ đánh chiếm thị trường xe điện tỷ dân

Tata Motors, công ty tiên phong trong thị trường xe điện của Ấn Độ, đang làm mọi thứ có thể để đảm bảo duy trì vị trí thống lĩnh khi thị trường phát triển và các đối thủ cạnh tranh xuất hiện ngày càng nhiều.

Tata là nhà sản xuất ô tô lớn thứ tư của Ấn Độ tính theo sản lượng trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 11, sau Maruti Suzuki, Huyndai và Tập đoàn Mahindra. 

Một loạt xe điện dự kiến sẽ được tung ra thị trường trong vài năm tới từ các nhà sản xuất ô tô Ấn Độ Maruti Suzuki và Mahindra Group cũng như các hãng xe toàn cầu Hyundai, Skoda Auto Volkswagen, Nissan và Renault. 

Những công ty đáng chú ý nhất ở châu Á khi năm mới bắt đầu- Ảnh 11.

Tata Power có kế hoạch mở rộng mạng lưới trạm sạc của mình lên 25.000 bộ sạc trong vòng 5 năm tới.

Các công ty chỉ sản xuất xe điện cũng đang để mắt đến Ấn Độ. BYD của Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động tại địa phương, trong khi Tesla và VinFast đang chuẩn bị thành lập cửa hàng.

Tata, tập trung vào các loại xe thể thao đa dụng, có kế hoạch đáp ứng bằng cách tung ra ba mẫu SUV chạy điện trong năm nay. Họ cũng đang tăng cường cung cấp dịch vụ cao cấp của mình để thách thức những hãng như Tesla với một mẫu xe có tên Avinya sử dụng nền tảng của công ty con Jaguar Land Rover thuộc sở hữu hoàn toàn của công ty.

(Nguồn: Nikkei Asia)

TÚC
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ