26/11/2019 10:29
Những công nghệ nào đã trở nên lỗi thời trong 20 năm qua?
Sự phát triển vượt bậc của công nghệ trong 20 năm qua, rất nhiều công nghệ đình đám đã và đang dần biến mất khỏi cuộc sống của chúng ta.
Tiệm rửa ảnh
Trước thời đại của máy ảnh kỹ thuật số, chụp ảnh đồng nghĩa với việc bạn phải dùng máy ảnh phim (analog), và vô cùng cẩn thận cho mỗi tấm ảnh vì không có chế độ xem trước, cũng như cần phải rửa phim mỗi khi chụp xong.
Chính bởi lẽ đó mà vào thời hoàng kim, các tiệm rửa ảnh có thể tìm thấy ở bất cứ đâu, thậm chí từng có cả dãy phố bán phim để chụp ảnh, và tất nhiên kèm luôn dịch vụ rửa ảnh.
Theo thống kê của Business Insider vào năm 1993, nước Mỹ có hơn 14.000 điểm rửa ảnh, thì đến năm 2015 chỉ còn khoảng 190 địa điểm để người yêu nhiếp ảnh phim lui tới. Tại Việt Nam, số lượng các dịch vụ rửa ảnh phim cũng đã thu gọn hơn rất nhiều so với những năm của thập niên 80-90.
Đĩa mềm
Trong suốt hai thập kỷ qua, mọi máy tính đều đi kèm ổ đĩa mềm. Tại thời điểm ấy, đĩa mềm là công cụ lưu trữ di động tiện lợi trước khi các ổ flash drive ra đời.
Nó thậm chí trở thành biểu tượng cho tính năng "lưu trữ" trên các chương trình phần mềm máy tính hiện nay, mà giới trẻ có lẽ không mấy ai biết được nguồn gốc của nó.
Điểm bất tiện nhất khiến đĩa mềm trở nên lỗi thời là khả năng lưu trữ hạn hẹp, với chỉ 1.2MB hoặc 1.4MB. Trong khi các ổ USB hiện nay đã có khả năng lưu trữ đến hàng TB.
Dù vậy, 1.4MB đã là khủng so với năm 1981, khi chiếc dĩa mềm đầu tiên trên thế giới chỉ lưu được có 360 kilobytes, không đủ cho một bài hát MP3 hiện nay.Chắc các bạn không quên, vào thế kỷ trước chúng ta phải có hàng mấy chục chiếc dĩa mềm 1.4MB chỉ để chép những game nặng dưới 50MB như Doom 2 hoặc Warcraft 2? Còn nếu muốn chép bộ Microsoft 1997, bạn cần 55 chiếc dĩa mềm trắng.
PDA - Trợ lý số cá nhân
Personal Digital Assistant hoặc PDA, từ này quen quen mà cũng là lạ.
Thiết bị này nhỏ gọn vừa lòng bàn tay, có bút cảm ứng để người dùng thao tác. So với các điện thoại phổ thông lúc đó, PDA là một thiết bị thông minh và nhiều tiện ích hơn hẳn. Có thể nói, đây chính là thiết bị tiền thân của smartphone, khi mang đến cho người dùng trải nghiệm của một máy tính thu gọn, có thể bỏ túi quần.
Những chiếc PDA có thể lưu trữ thông tin cuộc gọi, chạy ứng dụng, chơi game, nghe nhạc, truy cập Internet.
Dù vậy, trước sự xuất hiện của chiếc iPhone đầu tiên vào năm 2007, định nghĩa điện thoại thông minh đã được nâng lên một tầm cao mới với nhiều tính năng hữu ích hơn hẳn. Các nhà sản xuất PDA đã không kịp thay đổi, dẫn đến sự thất thế của các sản phẩm PDA.
Máy chiếu dùng tấm phim
Đây là một thiết bị từng rất phổ biến ở các trường đại học trên thế giới, và cả Việt Nam. Đầu tiên chúng ta sẽ phải soạn giáo án trên máy tính, in ra thành trang A4 rồi photo tài liệu này lên một tấm phim bằng nhựa trong.
Tiếp đến, tấm phim này được đặt lên máy chiếu, thông qua một hệ thống quang học không quá phức tạp, máy chiếu sẽ hắt nội dung tài liệu lên bảng, cho kích thước lớn để nhiều người có thể dễ dàng quan sát.
Máy chiếu dạng này từng là lựa chọn cố định tại các trường học và văn phòng từ khoảng 50 năm trước. Tuy nhiên nó đã bị thay thế hoàn hảo bởi máy chiếu hiện đại.
Nó đã ngừng sản xuất chúng vào năm 2015.
Đầu đọc băng VHF
“Xem phim cuộn" hoặc “Xem phim cuồn" là một từ rất phổ biến 20 năm trước đây, ý nói phim bộ được ghi bằng băng VHS và người dùng phải có đầu từ mới xem được loại video này. Nếu bạn là fan của TVB hoặc ATV thì chắc chắn bạn đã có những ý ức rất đẹp về VHS.
Và vào thời kỳ này, chỉ có con nhà giàu mới có khả năng săn lùng và sưu tầm những bộ băng VHS Tom & Jerry với hộp đựng bằng nhựa nhiều màu sắc. Những đứa trẻ bình thường thì có thể ra hiệu thuê băng về xem với giá vài nghìn đồng cho ba ngày “mượn băng”.
VHS cũng giúp cho những tiệm “thuê băng" trở nên thịnh hành khắp thế giới. Băng VHS có rất nhiều hạn chế về thời gian lưu trữ phim, chất lượng hình ảnh không cao, chưa kể là băng dễ bị đứt, hoặc đầu đọc của bạn có vấn đề nên sẽ “nhai băng"...
Đầu thế kỷ 21 là thời kỳ huy hoàng của đĩa CD- cho chất lượng cũng như dung lượng lưu trữ hơn hẳn, băng VHS chết dần.
Có thể nói, kế hoạch phát trực tuyến đầu tiên của Netflix có lẽ đã giáng một đòn chí tử vào các băng phim tương tự vào năm 2007, Funai, công ty cuối cùng trên thế giới sản xuất VCR, đã ngừng sản xuất vào năm 2016.
Quảng cáo trên báo in (báo giấy)
Quảng cáo từng là nguồn thu hàng đầu của các đầu báo trên thế giới. Người đọc có thể chủ động tìm được các thông tin mình cần từ trang quảng cáo: từ mua xe cũ, thuê nhà, làm cỏ, cho đến tìm việc làm.
Cuối thế kỷ 20, internet dần trở nên phổ biến và quảng cáo số, tiếp cận được đến với số đông khách hàng hơn. Craiglist- website cho phép đăng tải thông tin quảng cáo được xem là “tội đồ" của quảng cáo trên báo giấy.
Trong thống kê vào năm 2010, tờ Economist chỉ ra rằng doanh thu từ quảng cáo của báo giấy đã sụt giảm tới 70% so với 10 năm trước đó.
Ngày nay, thay vì chủ động đi tìm thông tin từ các trang quảng cáo thì người dùng internet lại gặp phải tình trạng “dội bom thông tin" khi phải xem quá nhiều những sản phẩm không liên quan đến mình.
Chắc bạn đã từng rất bực mình khi phải xem quảng cáo bỉm sữa dù mình còn chưa có con, hoặc được chào mời nhẫn cưới khi vừa chia tay người yêu?
Bản đồ giấy
Những năm trước đây, hình ảnh một du khách đến một thành phố lạ và lăm lăm tấm bản đồ trong tay để tìm đường đi, thì giờ đây chúng đã đi vào dĩ vãng, khi mà dịch vụ bản đồ số đã được tích hợp sẵn vào smartphone của người dùng.
Thậm chí, smartphone/ tablet đặt trên xe còn có thể chọn ra lộ trình ngắn và ít kẹt xe nhất cho người dùng, điều mà bản đồ giấy chịu chết.
Máy nghe nhạc MP3
Cũng giống như PDA, máy nghe nhạc MP3 từng "chói sáng" vào những năm của thập niên 90, nhưng dần dần bị thay thế bởi smartphone.
Ngay cả Apple cũng từng thừa nhận chính họ đã tự "bắn vào chân" khi ra mắt iPhone, bởi khi ấy, nhu cầu sử dụng iPod sụt giảm hẳn. Steve Jobs từng nói: "iPhone chính là chiếc iPod thành công nhất mà chúng tôi từng mang đến".
Tuy nhiên, sự tồn tại của chúng vẫn kéo dài tới nay, dẫu còn rất ít máy nghe nhạc MP3 còn sót lại trên thị trường. Ưu điểm của nó là nhỏ gọn và nhẹ hơn smartphone nếu như bạn chỉ cần đến tính năng nghe nhạc.
Điện thoại công cộng
Thêm một “nạn nhân" nữa của smartphone. Các trạm điện thoại công cộng từng rất phổ biến trên khắp thế giới, giúp người dùng có thể liên lạc bằng cách trả phí.Ngày nay, không những smartphone tiện dụng hơn, mà còn có thể gọi điện qua kết nối 3G, 4G, tiết kiệm đáng kể cước điện thoại.
Một trong những bộ phim nổi tiếng với chủ đề trạm điện thoại công cộng là Phone Booth. Toàn bộ phim ghi lại cảnh nhân vật do Colin Farrell thủ vai buộc phải nghe kẻ khủng bố hăm doạ suốt chiều dài phim.
Bộ phim được quay vào năm 2003 tại Manhattan, một trong những quận của New York, Mỹ và theo đạo diễn bộ phim cho biết, bốt điện thoại trong phim là bốt điện thoại cuối cùng của Manhattan vào thời điểm đỏ.Vào năm 2018, nước Mỹ có 100.000 bốt điện thoại công cộng, chỉ nhỉnh hơn con số của năm 1902 chút ít.
Tại Việt Nam, những trạm điện thoại công cộng cuối cùng đã bị xóa sổ từ lâu, khiến giới trẻ ngày nay có lẽ không còn cơ hội để tiếp cận chúng.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp