19/12/2022 22:03
Những chính sách nổi bật về thị trường chứng khoán trong năm 2022
2022 là một năm đầy biến động với thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhiều chính sách, quy định đã được ban hành, sửa đổi nhằm theo kịp với sự vận động không ngừng của thị trường.
Công bố thông tin dữ liệu giao dịch tự doanh
Từ đầu tháng 3/2022, thông tin về giao dịch của bộ phận tự doanh các công ty chứng khoán đã bị dừng cung cấp. Theo đại diện HOSE, việc dừng cung cấp thông tin giao dịch tự doanh "không ảnh hưởng tới vấn đề công bố thông tin", bởi nó chỉ cung cấp theo gói dịch vụ cho một số khách hàng. Sở cũng cho biết việc ngừng cung cấp thông tin là để phục vụ việc rà soát, phát triển sản phẩm mới.
Liên quan đến vấn đề này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có văn bản đề nghị Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) chỉ đạo HOSE, HNX thực hiện công bố thông tin cuối ngày về tổng khối lượng và tổng giá trị giao dịch mua, bán tự doanh đối với từng mã chứng khoán. Theo đó, HOSE đã công bố dữ liệu tự doanh từ ngày 17/5. HNX công bố dữ liệu từ ngày 20/5.
Dữ liệu giao dịch tự doanh các thị trường được công bố tại các địa chỉ:
Thị trường cổ phiếu niêm yết: https://hnx.vn/vi-vn/thong-tin-cong-bo-ny-hnx.html
Thị trường cổ phiếu UPCoM: https://hnx.vn/vi-vn/thong-tin-cong-bo-up-hnx.html
Thị trường chứng khoán phái sinh: https://derivatives.hnx.vn/web/phai-sinh/trang-chu
Đây là những giải pháp mang tính đồng bộ mà Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra nhằm tăng cường giám sát, bảo đảm thị trường hoạt động công khai, minh bạch.
Doanh nghiệp phải giải trình khi giá cổ phiếu tăng trần, giảm sàn 5 phiên liên tiếp
Ngày 16/5/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có công văn số 2828/UBCK-VP hướng dẫn các Sở Giao dịch Chứng khoán (GDCK) về việc yêu cầu tổ chức niêm yết/tổ chức đăng ký giao dịch giải trình khi giá cổ phiếu tăng trần, hoặc giảm sàn liên tiếp, căn cứ theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Theo đó, Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp trong thời hạn 24 giờ kể từ khi giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn từ 5 phiên liên tiếp trở lên phải báo cáo, công bố thông tin liên quan đến công ty có ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu. Sở GDCK Hà Nội sẽ công bố toàn bộ nội dung báo cáo giải trình của tổ chức niêm yết/tổ chức đăng ký giao dịch trên trang thông tin điện tử của Sở.
Đây là một trong những giải pháp mang tính đồng bộ mà Bộ Tài chính, UBCKNN đưa ra nhằm ổn định thị trường, tăng cường giám sát, đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch.
Yêu cầu giải trình khi cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn 5 phiên liền đã làm hoạt động công bố thông tin nhộn nhịp hơn nhiều. Tuy nhiên, văn bản giải trình từ phía doanh nghiệp thường không thật sự làm thỏa mãn nhà đầu tư. Hầu hết các văn bản chỉ dừng lại ở mức giá cổ phiếu biến động theo cung cầu thị trường và khẳng định doanh nghiệp không có tác động gì tới sự biến động đó. Hoặc nhiều doanh nghiệp giải trình rằng cổ phiếu bị ảnh hưởng do tâm lý thị trường trong nước và thế giới.
Đổi cách tính giá thanh toán ngày đáo hạn phái sinh
Dưới sự chỉ đạo của UBCKNN, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã thay đổi phương pháp tính giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai.
Theo Quyết định số 61 ngày 16/5/2022 của VSD, phương pháp tính giá thanh toán cuối cùng (FSP) của hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số VN30 được thay đổi từ ''giá trị đóng cửa của chỉ số cơ sở tại ngày giao dịch cuối cùng'' thành ''giá trị trung bình số học giản đơn của chỉ số trong 30 phút cuối cùng của ngày giao dịch cuối cùng (bao gồm 15 phút khớp lệnh liên tục và 15 phút khớp lệnh định kỳ đóng cửa), sau khi loại trừ 3 giá trị chỉ số cao nhất và 3 giá trị chỉ số thấp nhất của phiên khớp lệnh liên tục".
Kỳ áp dụng đầu tiên là kỳ tháng 6/2022, nhà đầu tư tham gia giao dịch hợp đồng tương lai VN30F1M từ kỳ tháng 6 trở đi sẽ không chốt giá đáo hạn ở giá đóng cửa VN30 như trước đây mà sẽ là trung bình của chỉ số VN30 trong 30 phút từ 2h15 đến 2h45.
Rút ngắn giao dịch T+
Ngày 19/8/2022, Tổng Giám đốc VSD đã ký Quyết định số 109/QĐ-VSD ban hành Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán tại VSD và Quyết định số 110/QĐ-VSD ban hành quy chế Thành viên Lưu ký tại VSD.
Theo quy chế mới, thời gian ngân hàng thanh toán (NHTT) hoàn tất thanh toán tiền và VSD hoàn tất thanh toán chứng khoán được điều chỉnh từ 15h30-16h00 lên 11h00-11h30 ngày T+2 (trường hợp có phát sinh thành viên lưu ký mất khả năng thanh toán tiền thì thời gian hoàn tất thanh toán chậm nhất là 12h00).
Thành viên lưu ký phải thực hiện phân bổ tiền và chứng khoán cho khách hàng ngay sau khi NHTT hoàn tất thanh toán tiền và VSD hoàn tất thanh toán chứng khoán, đảm bảo hoàn tất trước 13h ngày thanh toán; đồng thời thông báo cho VSD về kết quả thực hiện chậm nhất 16h30 cùng ngày.
Nhà đầu tư có giao dịch mua, bán chứng khoán ngày T+0 sẽ nhận được chứng khoán, tiền trước 13h ngày T+2 để có thể thực hiện mua, bán chứng khoán trong phiên giao dịch buổi chiều cùng ngày.
Quy chế mới giúp nhà đầu tư có thể bán chứng khoán mua ngày T+0 ngay trong phiên giao dịch chiều ngày T+2 thay vì chờ đến ngày T+3 như trước đây.
Giao dịch lô lẻ trên sàn HOSE
Từ sau sự kiện nghẽn lệnh sàn HOSE, lô cổ phiếu tối thiểu được nâng lên 100 đã khiến nhà đầu tư gặp một số bất tiện trong giao dịch.
Nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch chứng khoán lô lẻ của nhà đầu tư, Sở GDCK TP.HCM (HOSE) đã phối hợp với Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT nâng cấp và thử nghiệm toàn thị trường chức năng giao dịch chứng khoán lô lẻ. Theo đó, từ ngày 12/9/2022, nhà đầu tư đã được giao dịch lô lẻ trên HOSE, theo VietStockFinance.
"Việc áp dụng giao dịch chứng khoán lô lẻ sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư chủ động trong việc đặt lệnh mua - bán, như dễ dàng bán những chứng khoán lô lẻ còn lại trong tài khoản hoặc mua thêm chứng khoán lô lẻ cho tròn một lô giao dịch (lô chẵn), giảm bớt sự phụ thuộc vào các công ty chứng khoán", phía HOSE cho hay.
Đối với giao dịch chứng khoán lô lẻ, nhà đầu tư có thể đặt lệnh giao dịch có khối lượng từ 1 - 99 cổ phiếu. Tuy vậy, giao dịch được thực hiện trên bảng riêng, hoàn toàn tách biệt với giao dịch chứng khoán lô chẵn, các lệnh giao dịch chứng khoán lô lẻ chỉ được khớp với nhau và không được khớp với lệnh chứng khoán lô chẵn nên nhà đầu tư giao dịch với lô lẻ vẫn chưa thật sự được như kỳ vọng.
Sửa quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
Trong tháng 9, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 16/9/2022.
Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích.
Theo đó, mục đích phát hành trái phiếu là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành tại phương án phát hành và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu. Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư.
Trong đó, nghị định sửa đổi, bổ sung một số điểm chính bao gồm bổ sung nguyên tắc phát hành trái phiếu; quy định rõ cách thức xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; bổ sung quy định về đại diện người sở hữu trái phiếu; sửa thời hạn công bố thông tin, tăng cường tính minh bạch…
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp