24/07/2023 18:34
Nhu cầu từ Trung Quốc phục hồi, xuất khẩu rau quả 7 tháng bằng cả năm 2022
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt hơn 3,25 tỷ USD, tăng 68,8% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt giá trị xuất khẩu rau quả khoảng 3,16 tỷ USD của cả năm 2022, ngành hàng rau quả Việt Nam kỳ vọng xác lập kỷ lục mới.
Nhu cầu từ Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ, kim ngạch xuất khẩu bật tăng
Trong tháng 7/2023, xuất khẩu rau quả cả nước ước đạt hơn 475,5 triệu USD, giảm 28,2% với tháng trước và tăng 90,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt hơn 3,25 tỷ USD, tăng 68,8% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt giá trị xuất khẩu rau quả khoảng 3,16 tỷ USD của cả năm 2022.
Nguyên nhân là do nhu cầu mua hàng của Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2022, xuất khẩu toàn ngành rau quả chịu ảnh hưởng nặng bởi chính sách Zero-COVID để phòng chống dịch của Trung Quốc, chỉ đạt 3,34 tỷ USD, giảm gần 6% so với năm 2021.
Đặc biệt, các nghị định thư đã ký với nước này trong năm ngoái đã giúp hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay có nhiều thuận lợi. Sầu riêng, xoài, thanh long, chuối là những sản phẩm đóng góp kim ngạch lớn nhất. Trong đó, sầu riêng vươn lên dẫn đầu các nhóm hàng trái cây với kim ngạch có thể đạt 1 tỷ USD năm nay.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, sầu riêng và chuối của Việt Nam ngày càng được nhiều quốc gia ưa chuộng do chất lượng nâng cao. Đặc biệt, vụ sầu riêng Việt kéo dài, trong đó, từ tháng 2 đến tháng 6 thu hoạch ở các tỉnh miền Tây; tháng 6-10 là ở miền Đông và Tây Nguyên nên sản lượng dồi dào, giá cạnh tranh hơn so với hàng Thái Lan, Philippines.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá, dù xuất khẩu sang Trung Quốc muộn hơn so với Thái Lan, nhưng sầu riêng Việt Nam có lợi thế riêng. Đến nay sản lượng thu hoạch mới đạt trên 50%, hiện đang chủ yếu thu hoạch ở Đồng Nai, Lâm Đồng. Đến tháng 8, tháng 9 sẽ thu hoạch chính ở Tây Nguyên và cuối năm ở miền Tây, theo Tạp chí Công Thương.
Việt Nam hiện có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói sầu riêng đã được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính thức sang thị trường này.
Cục Bảo vệ thực vật cho biết, đơn vị này đang làm việc với Hải quan Trung Quốc để thống nhất lịch kiểm tra tiếp theo cho khoảng 400 vùng trồng và 60 cơ sở đóng gói sầu riêng đã gửi hồ sơ cho phía Trung Quốc. Nếu được cấp thêm mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc còn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.
Nếu giữ vững tốc độ xuất khẩu như hiện tại thì kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt 5 tỷ USD trong năm nay, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra.
Ngành rau quả kỳ vọng xác lập kỷ lục mới
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 6 tháng đầu năm 2023, ngoài thị trường Trung Quốc, hàng rau quả xuất khẩu tới thị trường Hàn Quốc, Hà Lan, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao. Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, xuất khẩu hàng rau quả trong nửa cuối năm 2023 sẽ có nhiều dư địa tăng trưởng khả quan, đặc biệt là vào mùa lễ hội khi nhu cầu tăng mạnh tại các thị trường.
Dự báo, trong 2 quý cuối năm, gần 7,6 triệu tấn các loại trái cây chính cần được tiêu thụ. Nguồn cung trái cây dồi dào sẽ đáp ứng tốt các đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo nửa cuối năm nay, xuất khẩu rau quả có thể cán đích sớm 4 tỷ USD. Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc sẽ ngày càng thuận lợi hơn nếu các nhà xuất khẩu đáp ứng tốt yêu cầu thị trường theo hướng thực hành sản xuất tốt (GAP).
Trong Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt 5 tỷ USD vào năm 2025.
Song, theo ông Nguyên, nếu giữ vững tốc độ xuất khẩu như hiện tại thì con số 5 tỷ USD sẽ đạt được trong năm nay, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra. Kỳ vọng xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục mới xuất phát từ nhiều yếu tố.
Để xuất khẩu rau quả thêm thuận lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết đang đẩy mạnh cấp mã vùng trồng và cơ sở đóng gói cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ đang khuyến khích các hợp tác xã, cơ sở kinh doanh chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tăng cường hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, xanh, tuần hoàn, theo VTV.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement