13/09/2023 13:57
Nhu cầu sầu riêng toàn cầu tăng 400% do ‘cơn sốt’ Trung Quốc
Theo HSBC, nhu cầu sầu riêng toàn cầu đã tăng 400% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu được thúc đẩy bởi “cơn sốt” trái cây ở Trung Quốc.
Một báo cáo do ngân hàng HSBC công bố hôm 11/9 cho biết: "Đi ngược lại xu hướng toàn cầu, nhu cầu sầu riêng đang tăng 400% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ do cơn sốt ở Trung Quốc".
Trong hai năm qua, Trung Quốc đã nhập khẩu sầu riêng trị giá 6 tỷ USD, chiếm 91% nhu cầu toàn cầu, Nhà kinh tế ASEAN Aris Dacanay của HSBC cho biết trong báo cáo.
"Sự bùng nổ sầu riêng" phần lớn tập trung ở Trung Quốc, nơi người tiêu dùng không xem nó chỉ là một loại trái cây mà còn là một món quà thể hiện sự giàu có của người tặng.
Tở SCMP dẫn lời Ma Qian, một người dân sinh sống tại một quận vùng quê, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc - cho biết việc tặng quà cưới hay quà đính hôn cho người thân và bạn bè hiện nay đã có thêm lựa chọn là sầu riêng, bên cạnh nho, dăm bông, sữa, và nấm khô như truyền thống.
"Em họ tôi đính hôn vào tháng trước và người lớn trong nhà đã yêu cầu tôi tặng sầu riêng thay vì nho, vì nghĩ rằng như vậy sẽ trang trọng và hợp thời hơn", Ma Qian nói.
"Quan niệm xưa cho rằng sầu riêng có hàm lượng dinh dưỡng cao và ăn một trái sầu riêng bằng với ăn 3 con gà", người này nói thêm.
"Tự do cherry" - một cụm từ thông dụng ở Trung Quốc nhằm ám chỉ khả năng một người có thể mua trái cây đắt tiền một cách thoải mái mà không cần đắn đo - bây giờ đã trở thành "tự do sầu riêng".
Theo dữ liệu từ HSBC, trong khi sự bùng nổ về nhu cầu sầu riêng của Trung Quốc bắt đầu từ đầu năm 2017, thì nhu cầu chỉ tăng lên từ cuối năm 2022.
Các nước xuất khẩu sầu riêng chủ chốt
"Trái cây vua" được bán với giá hơn 10 USD/kg ở Trung Quốc, so với mức trung bình khoảng 6 USD/kg ở các nước Đông Nam Á.
Và nhà cung cấp chính cho sự gia tăng nhu cầu này nằm ở ASEAN, khu vực chiếm tới 90% lượng xuất khẩu sầu riêng của thế giới vào năm 2022.
Chỉ riêng Thái Lan đã chiếm 99% tổng xuất khẩu sầu riêng trong khối 10 quốc gia Đông Nam Á bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Ngoài ra, sau khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jnr ký thỏa thuận về tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật liên quan đến xuất khẩu sầu riêng với Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Bắc Kinh vào tháng 1, nước này đã xuất khẩu những quả sầu riêng đầu tiên sang Trung Quốc vào tháng 4.
Bộ nông nghiệp Malaysia cũng đang tìm kiếm sự chấp thuận để xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc, theo báo cáo phương tiện truyền thông địa phương vào tháng 6, sầu riêng đông lạnh đã được chấp nhận.
Sam Sin, giám đốc phát triển của S&F Produce Group ở Hồng Kông, cho biết người tiêu dùng ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông "sẵn sàng trả tiền" cho sầu riêng từ Thái Lan vì chúng có thời hạn sử dụng lâu hơn so với các khu vực khác ở Đông Nam Á.
"Liệu sầu riêng có phải là loại cao su mới không? Có thể một ngày nào đó, việc tặng mẹ chồng tương lai của bạn một quả sầu riêng sẽ trở thành truyền thống thế giới. Chỉ có thời gian mới trả lời được", Dacanay nói.
Nhà kinh tế này cho biết, nhu cầu sầu riêng tăng cao cũng mang lại cơ hội cho phần còn lại của Đông Nam Á, không chỉ Thái Lan.
Dacanay viết: "Thị trường ở Trung Quốc rộng lớn đến mức có rất nhiều cơ hội cho các quốc gia ASEAN khác nhảy vào và cạnh tranh – một kiểu 'cơn sốt' sầu riêng".
Báo cáo cho biết, thỏa thuận thương mại tự do đối tác kinh tế toàn diện khu vực, bao gồm khối ASEAN cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand, cho phép các bên tham gia tiếp cận thị trường Trung Quốc một cách tự do và bình đẳng hơn.
"Cơ hội đã có… thị trường sầu riêng vẫn ngày càng lớn hơn khi các nền kinh tế khác trong ASEAN háo hức lao vào cạnh tranh với sự thống trị của Thái Lan đối với Vua trái cây", Dacanay nói thêm.
(Nguồn: CNBC/SCMP)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement