24/12/2020 11:56
Nhìn lại kinh tế Việt Nam 2020: Thế giới ‘bất ngờ’ khi GDP Việt Nam tăng tốc (bài 1)
Vượt qua ảnh hưởng của COVID-19, kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương 3 quý liên tiếp, kỳ vọng quý cuối năm sẽ “tăng tốc”.
Sẽ có nhiều góc nhìn trái chiều khi nói về năm 2020, nhưng chắc hẳn ai cũng đồng ý khi gán từ “biến động” cho một năm sắp qua. Với nhiều khó khăn còn tồn đọng từ các căng thẳng địa - chính trị thế giới những năm cũ, cú sốc COVID-19 khiến kinh tế Việt Nam một phen choáng váng. Nhưng sau tất cả, nền kinh tế tăng trưởng hiếm hoi trên thế giới vẫn “rũ bùn đứng dậy”.
GDP tăng trưởng 3 quý liên tiếp
Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3/2020 ước tính tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất của quý 3 các năm trong giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, so với mức tăng chỉ 0,36% của quý II, mức tăng trưởng kinh tế trên đã được phục hồi đáng kể.
Đại diện Tổng cục Thống kê nhận định: “Dịch COVID-19 được kiểm soát chặt chẽ, nền kinh tế từng bước hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới nên GDP quý 3/2020 tăng trưởng khởi sắc so với quý 2/2020”.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2020, GDP Việt Nam tăng 2,12%. Đây là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020. Tuy vậy, khi đưa tin về tốc độ tăng GDP mới nhất của Việt Nam, cả hai tờ Bloomberg và Reuters đều dùng từ “tăng tốc” cho số liệu thống kê mới nhất của nền kinh tế quốc dân.
Như vậy, Việt Nam đã có 3 quý liên tiếp tăng trưởng dương. Hồi quý 2/2020, khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu, Bloomberg đã dùng từ “bất ngờ” vì mặc dù có tốc độ chậm nhất trong gần 10 năm qua nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương trong bối cảnh xuất khẩu sụt giảm vì đại dịch COVID-19 vẫn hoành hành bên ngoài thế giới.
Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước tăng 0,36% so với quý 2/2019. Mức tăng trưởng vẫn tiếp tục dương dù con số này thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 3,68% trong quý 1/2020. Lúc đó, Bloomberg vẫn đánh giá, Việt Nam tiếp tục có khả năng là một trong những nước có kinh tế hoạt động tốt nhất ở Đông Nam Á trong năm nay.
Với báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng năm 2020, các số liệu thống kê cho thấy nền kinh tế đã phục hồi vượt mong đợi.
Công nghiệp chế biến, chế tạo đang phục hồi, tạo động lực lớn cho nền kinh tế. Ảnh: Một Thế Giới |
Sản xuất nông nghiệp đang trong bước hoàn tất thu hoạch lúa mùa trên cả nước. Ngành thủy sản gặp thuận lợi khi cá tra nguyên liệu duy trì được mức giá tốt, sản lượng nuôi trồng tôm nước lợ tăng khá do giá tôm thẻ chân trắng tăng mạnh phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu.
Trước tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt ở trong nước, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA) được thực thi đã tạo thêm động lực cho các lĩnh vực của nền kinh tế phục hồi và phát triển hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Dù kinh tế thế giới vẫn còn rất tiêu cực nhưng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 11 tháng vừa qua vẫn đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD.
15.000 doanh nghiệp xuất hiện mỗi tháng
Cũng trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng năm 2020, Tổng cục Thống kê chỉ ra nhiều chuyển biến tích cực trong tình hình doanh nghiệp.
Tính chung 11 tháng, cả nước có gần 124.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.878,9 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 970.000 lao động, giảm 1,9% về số doanh nghiệp, tăng 19,3% về vốn đăng ký và giảm 14,7% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng đạt 15,1 tỷ đồng, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, còn có 40.800 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 10,7% so với 11 tháng năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng lên gần 165.100 doanh nghiệp, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi tháng có 15.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Dù là ngành chịu nhiều tổn thương vì COVID-19 nhưng 2/3 doanh nghiệp mới vẫn chọn kinh doanh dịch vụ.
Trong 11 tháng có gần 93.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 44.400 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 59,7%; 33.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 11,7%; hơn 15.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,1%. Trung bình mỗi tháng có 8.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở lĩnh vực bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo; kinh doanh bất động sản; dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch,…
GDP quý 4/2020 sẽ đạt 4%?
Trả lời trên báo chí, ông Phạm Đình Thủy, Giám đốc bộ phận công nghiệp của Tổng cục Thống kê, cho biết: “Chính phủ đang tích cực đẩy nhanh đầu tư công và điều đó chắc chắn sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP trong quý 4”.
Ngoài ra, theo ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ GDP của Tổng cục Thống kê, chi tiêu của các hộ gia đình cũng dự kiến sẽ tăng mạnh trong quý cuối năm. “Tăng trưởng GDP cả năm trên 2% hoàn toàn có thể đạt được nhờ sự gia tăng trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu và chi tiêu của nhà nước và gia đình”, ông Dương khẳng định.
Tiêu dùng cuối năm được kỳ vọng là một động lực quan trọng. Ảnh: Pháp Luật |
Theo dự báo mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sản xuất công nghiệp sẽ phục hồi tích cực hơn trong quý 4/2020 nhờ nhu cầu trong nước và toàn cầu được cải thiện. Tốc độ đầu tư công tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng GDP trong quý cuối năm. “Ngoài ra, chúng tôi kỳ vọng rằng việc mở cửa nền kinh tế với các quốc gia khác sẽ là một yếu tố hỗ trợ cho sự phục hồi của ngành dịch vụ”, đại diện VDSC chia sẻ.
Với giả định rằng không có sự bùng phát lớn trong nội địa trong cuối năm, VDSC dự báo tăng trưởng GDP quý 4/2020 ở mức 40% so với cùng kỳ và cả năm GDP ở mức tăng 2,7%.
Trong khi đó, tại báo cáo Triển vọng toàn cầu quý I/2021 của bộ phận Kinh tế toàn cầu và Nghiên cứu các thị trường thuộc Ngân hàng UOB (Singapore), Việt Nam được dự đoán sẽ đạt mức tăng GDP trong quý 4/2020 là 4% so cùng kỳ năm trước. Đồng thời, tăng trưởng GDP cả năm 2020 đạt 2,7% và sẽ đạt tới 7,1% vào năm 2021.
Cùng quan điểm, Ngân hàng HSBC Việt Nam, đánh giá trong năm 2020, động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục là khu vực chế biến chế tạo và xuất khẩu cùng với đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các chỉ số của tháng 11 cho thấy Việt Nam đang trên đà phục hồi kinh tế vững chắc. Sản xuất lần đầu tăng trưởng 2 con số kể từ đầu mùa dịch, trong khi xuất khẩu tiếp tục tỏa sáng do các đơn hàng về điện tử.
Quý 4/2020 được xem là khoảng thời gian quan trọng để đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế bằng các giải pháp đồng bộ. Nếu có kết quả tốt, đây sẽ là nền tảng để năm 2021 tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Cũng theo các chuyên gia kinh tế, các động lực chính cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam những năm qua sẽ còn tiếp tục được phát huy trong quý cuối năm và năm 2021.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp