27/12/2020 07:50
Nhìn lại kinh tế Việt Nam 2020: Các tỷ phú kiếm tiền ra sao? (bài 4)
Tổng tài sản của các tỷ phú Việt Nam hiện đạt gần 16 tỷ USD. Dịch bệnh COVID-19 hầu như không làm thương tổn nhóm người giàu nhất cả nước.
COVID-19 là nỗi ám ảnh với nhiều người khi nhìn lại năm 2020. Tuy nhiên trên thực tế không phải tất cả mọi người và mọi ngành kinh tế đều bị ảnh hưởng. Và trong bối cảnh trên, người ta lại nhìn ra một nghịch lý, đó là các đại gia lại ngày càng giàu có hơn trong đại dịch.
Oxfam, liên minh quốc tế tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công xã hội, đã có báo cáo chỉ rõ, COVID-19 làm giàu thêm cho các tỷ phú. Tại Việt Nam, điều này cũng không ngoại lệ.
Năm 2020 là năm thứ 8 liên tiếp tỷ phú Phạm Nhật Vượng trở thành tỷ phú tính theo tờ bạc xanh. Ông lần đầu được Tạp chí Forbes vinh danh là tỷ phú USD vào năm 2013, với khối tài sản 1,5 tỷ USD, ở vị trí 974. Từ đó đến nay, ông luôn giữ ngôi vị người giàu nhất Việt Nam.
Đến cuối năm nay, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup vẫn là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt khi cổ phiếu VIC một lần nữa trở lại “câu lạc các cổ phiếu có thị giá trên 100.000 đồng”.
Chốt phiên sáng 26/12, VIC được giao dịch trong vùng giá 105.700 đồng/cổ phiếu, giúp tài sản của ông Vượng lên tới con số hơn 200.000 tỷ đồng (khoảng 8,6 tỷ USD). Giá trị cổ phiếu VIC của ông Vượng thậm chí cao gần gấp đôi so với tổng giá trị cổ phiếu của các tỷ phú còn lại của Việt Nam.
Hiện tại, theo bảng xếp hạng tỷ phú thời gian thực của Fobes, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng là 6,7 tỷ USD, đứng thức 362 trên thế giới. So với đợt thống kê chính thức vào tháng 3, tài sản của người giàu nhất Việt Nam đã tăng thêm 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên khi so với hồi đầu năm nay, ông chủ Vingroup có tài sản bị vơi đi hẳn gần 1 tỷ USD, thời điểm năm ngoái, con số này là 7,6 tỷ USD.
Trong năm, tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam gần như “miễn dịch” khá tốt với COVID-19. Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, Tập đoàn Vingroup đã thu về được 74.490 tỷ đồng doanh thu và 2.790 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Hai chỉ số này lần lượt giảm 19,6% và 70,3%. Đến nay, Vingroup chỉ mới hoàn thành được hơn một nửa chỉ tiêu về doanh thu và 55,8% chỉ tiêu về lợi nhuận theo kế hoạch cả năm 2020.
Riêng trong quý III/2020, sự tăng trưởng của Vingroup chủ yếu đến từ mảng “xương sống” bất động sản khi tập trung bàn giao nhiều sản phẩm tại 3 đại dự án Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City và Vinhomes Grand Park. Ngoài ra, trong cơ cấu doanh thu, hoạt động sản xuất tăng mạnh nhờ doanh số bán xe VinFast và điện thoại VinSmart tăng trưởng tốt.
Đặc biệt ở mảng xe hơi, VinFast đang ngày càng gặt hái nhiều thành công đáng mong đợi. Trong top 10 ô tô bán chạy nhất tháng 11/2020, VinFast Fadil đã vươn lên mạnh mẽ với 2.816 mẫu được bán ra, chỉ xếp sau Toyata Vios.
Một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19 là hàng không. Do đó, trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VJC của Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet cũng đối mặt nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau thời gian giảm sâu, VJC vẫn phục hồi ngoạn mục. Với mức giá 123.000 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên sáng 26/12, VJC đem đến cho CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo khối tài sản trị giá hơn 26.000 tỷ đồng. Bà Thảo là tỷ phú giàu thứ ba trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời là người phụ nữ duy nhất trong danh sách top 5 này.
Tuy nhiên ở bảng xếp hạng của Forbes, bà Nguyễn Thị Phương Thảo lại là tỷ phú giàu thứ 2 với khối tài sản trị giá 2,6 tỷ USD, xếp hạng thứ 1.167 trên thế giới. Tài sản của bà chủ Vietjet Air tăng nhẹ so với mức 2,1 tỷ USD trong đợt thống kê tháng 3. Khi so với tài sản của bà hồi đầu năm nay, con số hiện tại thay đổi không đáng kể.
Đáng nói, dù Vietjet Air hoạt động trong ngành nghề chịu ảnh hướng rất nặng nề bởi dịch bệnh nhưng vị trí á quân của bà Phương Thảo không hề bị lung lay suốt năm nay.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, hãng hàng không giá rẻ này chỉ có doanh thu 13.780 tỷ đồng (giảm 64% so với cùng kỳ), lỗ ròng 924 tỷ đồng (giảm 125%). So với kế hoạch cả năm 2020, hãng hàng không này mới hoàn thành được 38% chỉ tiêu về doanh thu. Còn với lợi nhuận cho cả năm, Vietjet Air rất có thể phải chịu cảnh phá sản về “mơ ước” hoà vốn.
Sau khi được phép bay trở lại, toàn mạng Vietjet đã vận chuyển được hơn 3 triệu lượt khách trong quý III/2020. Hãng hàng không này đã mở mới thêm 8 đường bay nội địa để đáp ứng nhu cầu đi lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Tuy nhiên, lần bùng phát dịch thứ 2 vào cuối tháng 7/2020 làm ảnh hưởng đến kết quả quý III/2020. Trong đó, số chuyến bay nội địa hơn 15.000 chuyến bay, giảm 35% so với cùng kỳ. Tổng số chuyến bay trong 9 tháng năm 2020 đạt gần 60.000 chuyến.
Chưa kể, trong quý III, hãng hàng không này mất hẳn nguồn thu từ chuyển giao quyền sở hữu và thương mại tàu bay. Mảng này đóng góp tới gần 64% tổng doanh thu của quý trước.
Nếu như 2 vị tỷ phú trên có một năm 2020 ít nhiều biến động thì ông Trần Đình Long lại là người khá thành công, ít nhất ở hầu bao riêng mình. Trên sàn chứng khoán Việt, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoà Phát đang giữ vị trí thứ 2 về độ giàu có nhờ đà tăng mạnh của cổ phiếu HPG.
Chốt phiên sáng 26/12, cổ phiếu HPG dừng ở mức 39.950 đồng/đơn vị, tăng đến 20.000 đồng, tương đương 100%, so với phiên cuối cùng của năm 2019. Như vậy, sau gần 1 năm, vốn hoá thị trường Hoà Phát đã tăng gấp đôi và tài sản của ông Trần Đình Long cũng theo đó tăng gấp đôi lên hơn 34.500 tỷ đồng.
Còn ở bảng xếp hạng của Forbes, ông chủ Hoà Phát chỉ đứng vị trí thứ 3 với tài sản tròn 2 tỷ USD, đứng thứ 1.513 trên thế giới.
Lũy kế 9 tháng năm 2020, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận doanh thu 65.000 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận sau thuế tăng 56%, lên tới 8.845 tỷ đồng. Với kết quả này, Hòa Phát đã hoàn thành 98% kế hoạch lợi nhuận của năm 2020. Còn số này cũng vượt mức doanh thu và lợi nhuận của cả năm 2019 mà Hòa Phát thực hiện.
Tính riêng mỗi ngày kinh doanh trong quý III/2020, doanh nghiệp thép này có lãi đến 42 tỷ đồng. Kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh triền miên suốt quý I và bùng phát trở lại đầu quý III, nhưng Hòa Phát khẳng định các lĩnh vực kinh doanh đều đạt doanh thu rất tốt. Trong đó, lĩnh vực cốt lõi là sắt thép và nông nghiệp đóng góp lớn nhất.
Tháng 9 vừa qua là tháng đầu tiên Hòa Phát chính thức vượt lên dẫn đầu về sản lượng sản xuất thép thô, với 575.000 tấn, cao nhất từ trước đến nay, tăng 19% so với tháng 8 và gần gấp đôi so với cùng kỳ 2019.
Trong kế hoạch kinh doanh 2021, tập đoàn đa ngành này quyết thoái vốn khỏi mảng nội thất sau 25 năm chiếm lĩnh thị trường nội thất văn phòng. Cùng thời điểm, tập đoàn này cũng thành lập Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Hòa Phát với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, nhằm quản lý các hoạt động đầu tư, xây dựng, phát triển bất động sản của Hòa Phát.
Năm 2020 vẫn đem lại cơ hội cho không ít ngành, trong đó có ngành tiêu dùng. Giữa đại dịch, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan vẫn tăng trưởng mạnh. Cổ phiếu của MSN đã tăng đáng kể trong thời gian qua. Sau gần 1 năm giao dịch, MSN tăng khoảng 35.000 đồng, tương đương 70% so với phiên cuối cùng của năm 2019. Chốt phiên sáng 26/12, thị giá mã này đạt 82.700 đồng/đơn vị.
Nhờ thế, tài sản của ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan đã tăng lên đáng kể.
Tải sản của ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang lần lượt ở mức khoảng 22.000 tỷ đồng và 21.500 tỷ đồng. Đây là 2 tỷ phú giữ vị trí thứ 4 và thứ 5 trong danh sách 5 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt hiện nay.
Ngoài ra, cổ phiếu TCB của Techcombank cũng đóng góp đáng kể vào tải sản của ông Hùng Anh và ông Đăng Quang. Cả hai đều là những cổ đông lớn của Masan và Techombank. Chốt phiên sáng 26/12, thị giá mã này đạt 27.950 đồng/cổ phiếu.
Thương vụ nhận chuyển nhượng VinCommerce bắt đầu ghi nhận những nét tích cực. Ảnh: VCM |
Còn với cách tính của Forbes, ông Hồ Hùng Anh là người giàu thứ tư tại Việt Nam với tài sản 1,7 tỷ USD, đứng thứ 1.718 trên thế giới. Ông Nguyễn Đăng Quang giàu thứ 6 với tài sản 1,4 tỷ USD và đứng thứ 1.925 trên thế giới.
Luỹ kế 9 tháng, doanh thu của Masan đạt 55.618 tỷ đồng, tăng 110,8% so với cùng kỳ năm 2019. Sự tăng trưởng này chủ yếu do hợp nhất các mảng kinh doanh mới sáp nhập và được thúc đẩy bởi tăng trưởng nội tại của tất cả các mảng kinh doanh.
Trong khi đó, lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông là 969 tỷ đồng, thấp hơn so với các kỳ tương ứng trước đó do ảnh hưởng từ hợp nhất VinCommerce, tăng lợi ích của cổ đông thiểu số do giảm tỷ lệ sở hữu của MSN tại Masan Consumer,… Nhưng lợi nhuận của tập đoàn này vẫn được bù đắp bởi đóng góp lợi nhuận cao hơn từ Techcombank.
Cụ thể, tổng thu nhập hoạt động trong 9 tháng của ngân hàng tăng gần 34% lên gần 19.300 tỷ đồng. Trong đó, hai mảng đóng góp chính vào tổng thu nhập cũng như mức tăng trưởng trên là thu nhập lãi thuần (13.300 tỷ đồng) với mức tăng gần 29% và thu nhập từ dịch vụ tăng trưởng 65% lên 3.100 tỷ đồng.
Techcombank đã hoàn thành 82,4% mục tiêu lợi nhuận cả năm với khoản lãi trước thuế xấp xỉ 10.700 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn vẫn ở mức rất cao, đạt 16,7%.
Là một trong những nhân vật kiếm tiền tốt trong năm nay nhưng tài sản của ông Trần Bá Dương trên sàn chứng khoán khó xác định vì vị này sở hữu nhiều cổ phiếu khác nhau, có mã còn chưa lên sàn HOSE hay HNX. Tuy nhiên theo Forbes, ông đang sở hữu tài sản trị giá 1,5 tỷ USD, là người giàu thứ 5 tại Việt Nam và thứ 1.884 trên thế giới.
Khối tài sản này không thay đổi so với đợt thống kê chính thức hồi tháng 3/2020 nhưng lại vơi đi 200 triệu USD nếu so với ngày đầu năm.
Ít hé lộ bức tranh tài chính nhưng Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) của ông Dương luôn được mặc định giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường ô tô Việt Nam. Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô (VAMA), doanh số bán xe của Thaco trong tháng 11/2020 là 13.714 chiếc. Đây cũng là tháng có doanh số bán hàng cao kỷ lục của Thaco, chủ yếu nhờ doanh số Kia đột biến. Đáng nói, trong 3 tháng gần đây, doanh số Thaco liên tục tăng mạnh. Xét trên thị phần, Thaco hiện là hãng số 1 thị trường khi nắm giữ 39,3%.
Tuy nhiên, trước khi lập kỷ lục, Thaco đã có giai đoạn bán hàng chật vật, nhất là những tháng giữa 2 đợt bùng phát dịch COVID-19. Sự sụt giảm về doanh số của Thaco trong giai đoạn đó là tâm ít thắt chặt chi tiêu mùa dịch và do lượng khách chờ đợi áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ.
Thaco đã xuất khẩu các sản phẩm xe bus, xe tải, xe du lịch, sơmi rơmoóc sang nhiều nước như Thái Lan, Philippines, Campuchia, Singapore, Myanmar, Nhật Bản, Mỹ,… Ảnh: THA |
Nhìn chung, Thaco vẫn là một tên tuổi lớn trên thị trường xe hơi Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Thuế, trong giai đoạn 2015-2019, Thaco đã đóng vào ngân sách nhà nước tổng cộng 85.294 tỷ đồng, là một trong 30 doanh nghiệp đóng thuế lớn nhất Việt Nam. Con số trên phần nào giúp thị trường hình dung rõ hơn về quy mô kinh doanh của “ông lớn” trên.
Ngoài xe hơi, Thaco còn đang tham gia lĩnh vực nông nghiệp. Sau khi hợp tác với Hoàng Anh Gia Lai về lĩnh vực trồng trọt, Thaco tiếp tục hợp tác với Hùng Vương (HVG) về lĩnh vực chăn nuôi với định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp đất nước, bao gồm phát triển cây ăn trái, chăn nuôi bò và heo, chế biến, sản xuất và cung ứng vật tư nông nghiệp, kinh doanh bao tiêu xuất khẩu.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp