06/06/2019 23:40
Nhìn doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam quảng bá sản phẩm ở triển lãm quốc tế mà... ngao ngán
Dù xuất hiện tại một triển lãm quốc tế nhưng rất nhiều gian hàng của doanh nghiệp Việt tại Thaifex bày trí đơn sơ, nhân viên chẳng thèm ngó khách tham quan…
Thaifex là một hội chợ quốc tế thường niên với sự hiện diện của khoảng 3.000 gian hàng, đại diện cho gần 50 quốc gia tổ chức tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm quốc tế IMPACT, Bangkok, Thái Lan. Đây được xem như sự kiện chuyên ngành thực phẩm lớn nhất châu Á, cơ hội để các nhà sản xuất thực phẩm từ khắp nơi trên thế giới giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác khách hàng.
Hầu hết các tên tuổi lớn trong lĩnh vực thực phẩm từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều góp mặt và cố gắng phô bày những gì ấn tượng nhất để thể hiện hình ảnh của mình. Năm nay có khá đông các doanh nghiệp Việt Nam tham dự sự kiện, nhưng có thể thấy sự đối lập khá rõ giữa các nhà sản xuất thực phẩm của Việt Nam khi đến sự kiện này.
Có những gian hàng không có nhân viên khi khách tham quan. |
Số ít doanh nghiệp dường như có kinh nghiệm và nhìn nhận những cơ hội từ hội chợ nên có sự đầu tư về cách bài trí sản phẩm, trang trí gian hàng, nhân viên niềm nở chào mới khách tham quan khi ghé gian hàng. Những doanh nghiệp gây được ấn tượng có thể kể đến như Vinamit, Khải Hoàn, Cỏ May…
Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực gạo dù ít tên tuổi tại thị trường trong nước nhưng cũng biết cách gây ấn tượng với khách tham quan bằng cách trưng bày sáng tạo như để sản phẩm trong những chiếc thuyền nhỏ, bên cạnh là những mô hình gắn với đồng ruộng…
Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp tham gia triển lãm như để… cho có. Đáng nói, trong số này có cả những doanh nghiệp thực phẩm rất lớn trong nước.
Nhiều những gian hàng bài trí sơ sài, sản phẩm đơn điệu và nhân viên tại nhiều gian hàng không mấy mặn mà với khách.
Tại khu vực Hall 6 của triển lãm, nơi có khoảng 30 gian hàng của các doanh nghiệp Việt. Nằm sát với dãy hàng hóa của doanh nghiệp Ý, nhưng có sự đối lập rất lớn về cách tiếp thị sản phẩm. Cùng diện tích gian trung bày (chỉ rộng chừng 2m) nhưng các doanh nghiệp của Ý bày trí khá bắt mắt, nhiều gian hàng dù rất ít sản phẩm nhưng cũng được làm nổi bật và thu hút được khách tham quan.
Trong khi đó, rất nhiều gian hàng của Việt Nam dường như các nhà sản xuất chỉ mang theo một vài tấm áp phích in hình sản phẩm, thông tin nhà sản xuất và sản phẩm lèo tèo được bày trí sơ sài trên bàn. Trong đó có cả những loại nông, đặc sản mà cả triển lãm không có nhiều như quế, hồi… Có gian hàng có nhân viên ngồi trực nhưng mải gác chân lướt điện thoại, khách ghé hay đi cũng không cần biết.
Thậm chí, một số gian hàng còn không có sản phẩm, không có nhân viên đón khách… Nhân viên một số gian hàng cho biết, công ty mang rất ít sản phẩm sang để trưng bày vì di chuyển bằng máy bay nên không thể mang được nhiều. Nhân viên tại một sạp hàng trong ngành gạo thậm chí còn thật thà là chỉ “xách tay” sang. Một số khác giải thích, do sang cận ngày triển lãm, mọi thứ lạ lẫm nên không thể thuê người trang trí, bày biện gian hàng…
Anh Nguyễn Tuấn Khởi, đại diện một doanh nghiệp trong lĩnh vực truyền thông tại TP.HCM cho biết, anh từ Việt Nam qua Thái Lan từ ngày 30/5 để tham quan triển lãm để tham khảo kinh nghiệm. Dành thời gian đi hầu hết các khu vực triển lãm rộng lớn, nhưng khi được đề nghị đưa ra nhận xét về những gian hàng trong nước góp mặt tại Thaifex, anh Khởi không giấu nổi sự ngao ngán.
Anh cho biết, đi một vòng triển lãm mới thấy sự khác biệt. Tham gia triển lãm mang tầm thế giới chắc chắn kinh phí không hề ít, nhưng dường như nhiều doanh nghiệp trong nước đưa nhân viên đến đây như một kỳ du lịch ngắn ngày.
Một gian hàng chỉ vài mét vuông không quá khó để trang trí cho đàng hoàng, bắt mắt hơn. Rất nhiều gian hàng của các nước dù có rất ít sản phẩm nhưng họ cũng biết nâng hình ảnh sản phẩm của mình lên chỉ thông qua các bày trí không quá tốn kém.
Anh Khởi dẫn chứng, nếu như cùng một sản phẩm dừa, nếu như các nhà sản xuất của Việt Nam chỉ có thể giới thiệu là nước dừa đóng chai hay mứt dừa, cơm dừa sấy thì các nhà sản xuất của Thái Lan đa dạng hơn. Một mặt hàng cơm dừa họ giới thiệu hàng chục loại snack khác nhau theo gia vị phối trộn, chẳng hạn như cơm dừa muối, snack dừa wasabi…
Quan trọng hơn, là họ chọn một chiếc khay bằng sứ rất đẹp đổ sản phẩm vào đó, và một sản phẩm còn nguyên trong bao bì đặt bên cạnh. Một chiếc đèn chụp, rọng thẳng xuống... vậy là đủ thu hút khách đi ngang ghé vào nếm thử sản phẩm.
“Có gian hàng Việt, tôi ghé vào tham quan một vòng, còn cùng người đồng hành thay phiên chụp hình mà không thấy nhân viên đâu. Đến lúc gần rời gian hàng thì mới thấy nhân viên trở lại, họ nhìn chúng tôi và nhóm khách châu Âu rồi chẳng nói gì mà đi thẳng tới bàn ngồi lướt điện thoại… “, anh Khởi ngao ngán.
Chủ đề liên quan
Advertisement