12/07/2023 08:50
Nhật Bản và ASEAN lên kế hoạch đàm phán mới về chuỗi cung ứng
Nhật Bản và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) muốn tổ chức các cuộc đàm phán thường xuyên về an ninh kinh tế, tìm cách tăng cường chuỗi cung ứng cho các nguyên liệu chính và đưa ra phản ứng chung đối với bất kỳ sự ép buộc kinh tế nào của các quốc gia như Trung Quốc.
Nhật Bản và ASEAN sẽ kỷ niệm 50 năm tình hữu nghị tại một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 12, trong đó họ có kế hoạch nâng cấp quan hệ thành "quan hệ đối tác chiến lược toàn diện".
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hayashi Yoshimasa đến Jakarta để tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 (AMM-56) và các hội nghị liên quan, diễn ra từ 11/7 đến 14/7 tại Jakarta, Indonesia.
Các cuộc họp sẽ tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến an ninh, kinh tế và nhiều hồ sơ nổi cộm khác. Ngoài các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, các nhà ngoại giao của các đối tác như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ tham gia sự kiện.
Theo Nikke, mục đích giải quyết các chi tiết liên quan đến sự hợp tác mở rộng của Tokyo với khối trước hội nghị thượng đỉnh của nhóm vào tháng 9, cũng như cuộc họp vào tháng 12.
Các đối tác chiến lược toàn diện khác của Tokyo bao gồm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Thái Lan. Nhật Bản hiện có quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN, cùng với Liên minh châu Âu, Ý và các nước khác.
Các chi tiết cụ thể của mỗi quan hệ đối tác toàn diện khác nhau. Với ASEAN, Nhật Bản muốn tạo ra các cuộc tham vấn cấp chuyên viên thường xuyên về an ninh kinh tế.
Sự thúc đẩy này diễn ra trong bối cảnh Tokyo ngày càng lo ngại về các hành động của Bắc Kinh được coi là cưỡng chế kinh tế. Ngày 3/7, Trung Quốc cho biết nước này sẽ hạn chế xuất khẩu gali, nguyên liệu chính được sử dụng trong chất bán dẫn.
Nhật Bản hy vọng các cuộc đàm phán mới với ASEAN sẽ cho phép hai bên hợp tác nhanh chóng để đối phó với các động thái của Trung Quốc, cũng như thiết lập chuỗi cung ứng thay thế cho các khoáng sản chính.
Đông Nam Á là khu vực sản xuất niken và coban lớn, vốn rất quan trọng đối với pin xe điện và công nghệ liên quan đến quốc phòng. ASEAN cũng là một bên đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực dược phẩm và các lĩnh vực khác mà Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.
Trong một thông cáo chung vào tháng 5, Nhật Bản và các quốc gia khác thuộc Nhóm G7 cho biết họ sẽ "tiếp tục hợp tác với các đối tác không thuộc G7, đặc biệt là các đối tác nước đang phát triển, là những đối tác không thể thiếu trong chuỗi cung ứng".
Phù hợp với tuyên bố này, Tokyo có kế hoạch hỗ trợ ASEAN trong việc xây dựng chuỗi cung ứng ổn định và hạn chế sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhật Bản vào tháng 6 đã thông qua các hướng dẫn mới liên quan đến viện trợ phát triển chính thức , cho phép Tokyo tiếp cận các nước đang phát triển bằng tiền thay vì chờ đợi để nhận được yêu cầu.
Hayashi, khi ở Jakarta, cũng sẽ nhấn mạnh sự cần thiết của các quốc gia trong việc tuân thủ các quy tắc quốc tế, chẳng hạn như Hiến chương Liên hợp quốc.
Các nước Đông Nam Á đã tìm cách cân bằng mối quan hệ của họ với một bên là Mỹ và châu Âu, bên kia là Trung Quốc và Nga. Nhưng mỗi quốc gia đều coi quan hệ kinh tế với Trung Quốc là quan trọng và có sự khác biệt trong sự cảnh giác của họ đối với Bắc Kinh. Nhật Bản cho rằng họ có thể đặt nền móng hợp tác với ASEAN tốt hơn bằng cách tập trung vào tầm quan trọng của pháp quyền, thay vì chỉ trích Trung Quốc một cách rõ ràng.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 (AMM-56) và các hội nghị liên quan, diễn ra từ 11/7 đến 14/7 tại Jakarta, Indonesia.
Đây là loạt hội nghị quan trọng diễn ra trong năm nay dưới vai trò Chủ tịch ASEAN của Indonesia.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 và các hội nghị liên quan thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế bởi quy tụ không chỉ có bộ trưởng ngoại giao của 10 nước ASEAN mà còn còn có các bộ trưởng ngoại giao đến từ các nước đối thoại như Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Hội nghị không chỉ bàn thảo những vấn đề của khu vực ASEAN mà còn là dịp để các nước ASEAN và các đối tác thảo luận về tình hình khu vực và thế giới, nhất là trong bối cảnh nhiều điểm nóng trong khu vực và trên thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp.
Bà Retno Marsudi - Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia cho biết: "Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các nước đối thoại là một trong những cơ chế của ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp các bên, nơi mà văn hóa giao tiếp, văn hóa đối thoại tiếp tục thúc đẩy thực hiện dựa trên các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến chương ASEAN và Luật pháp quốc tế".
Indonesia trong vai trò Chủ tịch ASEAN hướng hội nghị lần này vào một số ưu tiên bao gồm thúc đẩy tiến trình đàm phán bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông COC, nỗ lực duy trì ASEAN là khu vực không có vũ khí hạt nhân và củng cố tầm nhìn dài hạn của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
Có tổng cộng 18 cuộc họp chính diễn ra trong 4 ngày kể từ hôm nay và có trên 1.100 đại biểu đến từ 29 quốc gia tham dự loạt hội nghị.
(Nguồn: Nikkei)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement