22/08/2023 13:32
Nhật Bản bắt đầu xả nước thải hạt nhân Fukushima ra biển từ ngày 24/8
Nhật Bản hôm thứ Ba (22/8) cho biết, họ sẽ bắt đầu xả hơn 1 triệu tấn nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima từ ngày 24/8.
Tháng 3/2011 Nhật Bản hứng chịu thảm họa kép động đất và sóng thần, khiến nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị ảnh hưởng. TEPCO, đơn vị vận hành nhà máy, phải xử lý hàng trăm bể chứa 1,34 triệu tấn nước ô nhiễm dùng để làm mát lò phản ứng. Năm 2021, giới chức Nhật Bản bắt đầu lên kế hoạch xả dần nước thải đã qua xử lý xuống biển.
Thủ tướng Nhật Bản, Fumio Kishida cho biết vào sáng thứ Ba rằng đã yêu cầu Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) nhanh chóng chuẩn bị xả nước theo kế hoạch đã được Cơ quan quản lý hạt nhân phê duyệt và dự kiến việc xả nước sẽ bắt đầu vào ngày 24/8 nếu điều kiện thời tiết cho phép.
"Chính phủ Nhật Bản sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo kế hoạch được thực hiện một cách an toàn, ngay cả khi việc xả thải cần hàng chục năm để hoàn tất", ông Kishida cho biết thêm.
Nhật Bản đã nói rằng việc xả nước là an toàn. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã bật đèn xanh cho kế hoạch này vào tháng 7, dù vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nước láng giềng như Trung Quốc và Hàn Quốc cũng như các ngư dân địa phương.
IAEA đánh giá kế hoạch xả nước phóng xạ ra đại dương của Nhật Bản đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Cơ quan này cho rằng việc xả thải dần dần, có kiểm soát sẽ có tác động phóng xạ không đáng kể đến con người và môi trường.
Trung Quốc cấm nhập khẩu hải sản từ 10 tỉnh của Nhật Bản, trong đó có Fukushima và thủ đô Tokyo. Nhập khẩu hải sản từ các tỉnh khác được phép nhưng phải vượt qua các cuộc kiểm tra phóng xạ và có bằng chứng chúng được sản xuất bên ngoài 10 tỉnh bị cấm. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hồi tháng 7 nói Nhật Bản đã thể hiện "sự ích kỷ và kiêu ngạo", không tham vấn ý kiến cộng đồng quốc tế.
Các nhà hoạt động Hàn Quốc cũng phản đối kế hoạch này, mặc dù Seoul đã kết luận từ nghiên cứu của chính mình rằng việc xả nước đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và cho biết họ tôn trọng đánh giá của IAEA.
Tokyo cho biết nước thải phóng xạ sẽ trải qua hệ thống lọc để loại bỏ các đồng vị phóng xạ, chỉ để lại tritium, một trong hai đồng vị phóng xạ của hydro. Dù tritium độc hại, nó vẫn tồn tại trong tự nhiên và các chuyên gia cho biết lượng tritium trong môi trường sẽ cực nhỏ do hòa lẫn với nước biển.
Các nghiệp đoàn đánh cá từ lâu đã phản đối kế hoạch, cho rằng động thái sẽ xóa bỏ mọi nỗ lực khôi phục hình ảnh, trong bối cảnh một số nước đã cấm nhập thực phẩm từ Nhật Bản sau thảm họa.
Theo một điều tra trong nước do Đài NHK thực hiện về việc có thích hợp hay không việc thực hiện Kế hoạch xả thải, 53% người được hỏi cho rằng thích hợp, 30% trả lời là không thích hợp và 17% không có câu trả lời.
(Nguồn: CNA)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement