22/06/2020 08:16
Nhân tố mới sẽ làm mới nhiều doanh nghiệp
Mùa đại hội đồng cổ đông năm nay đã và đang chứng kiến những biến động lớn trong cơ cấu sở hữu tại nhiều doanh nghiệp.
Những nhóm cổ đông lớn rút ra, thay thế bằng các ông chủ mới, sẽ vừa tạo động lực, vừa tạo áp lực buộc doanh nghiệp phải đổi mới.
Từ tháng 2 - 5/2020, các nhà đầu tư nước ngoài (gồm nhiều quỹ đầu tư) thường xuyên sở hữu gần hết room ngoại ở CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico, SVC) đã lần lượt thoái gần hết vốn.
Trước khi diễn biến này xảy ra, cơ cấu cổ đông của Savico khá cô đặc với Tổng công ty Bến Thành sở hữu 40,8%, các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 47,4%.
Trong sở hữu của khối ngoại, PYN Elite Fund nắm 8,23%, Finansia Syrus Securities nắm 12,08%, Probus Opportunities nắm 7,3%, Tundra Founder nắm 5,1%, Endurance Capital Vietnam I Ltd nắm 4,57%… Các quỹ trên đã lần lượt bán ra toàn bộ, kéo tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại Savico hiện chỉ còn hơn 3%.
Tính đến thời điểm ngày 19/6/2020, thông tin về các nhà đầu tư mới “nhảy” vào SVC vẫn chưa được hé lộ. Theo thông tin từ Ban lãnh đạo Savico, số vốn toàn bộ cổ đông lớn nước ngoài thoái ra được thay thế bởi nhóm nhà đầu tư trong nước.
Câu chuyện đằng sau những động thái bán ra của khối ngoại phần nào được hé mở khi trong một báo cáo của Pyn Elite Fund mới đây, quỹ này cho biết: "Chuỗi đại lý xe hơi Savico đang trong thời kỳ biến động với cuộc tranh giành quyền sở hữu trong Công ty mở ra cơ hội thoái vốn cho chúng tôi".
Theo Pyn Elite Fund, Quỹ đã lỗ một chút khi thu về 3,6 triệu Euro (khoảng 90 tỷ đồng) từ thương vụ này.
Sau biến động lớn về sở hữu, câu chuyện bầu cử thành viên HĐQT trở thành tâm điểm chú ý tại Đại hội đồng cổ đông của Savico. HĐQT Savico nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã có sự tham gia của những cái tên mới đến từ CTCP Đầu tư ngành nước DNP và CTCP Chứng khoán VNDIRECT.
Cũng biến động mạnh về cơ cấu sở hữu ngay trước thềm Đại hội thường niên 2020 là CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP).
Theo đó, SK Investment Vina III, đơn vị đầu tư trực thuộc tập đoàn đa ngành SK Group (Hàn Quốc) đã nhận chuyển nhượng tới 12,32 triệu cổ phiếu, tương đương 25% vốn tại IMP, chủ yếu từ nhóm Quỹ Dragon Capital với 11,3 triệu cổ phiếu, phần còn lại đến từ một số quỹ khác như CAM Vietnam Mother Fund, Kingsmead, Mirae Asset…
Sau giao dịch, SK Investment Vina III trở thành cổ đông lớn nhất tại IMP. Chiếu theo mức giá 54.200 đồng/cổ phiếu chốt phiên 29/5, thời điểm thực hiện chuyển nhượng, ước tính SK Group đã chi ra khoảng 666 tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn tại IMP.
Tại Đại hội đồng cổ đông của IMP, đại diện từ phía Dragon Capital cho biết, quỹ này buộc phải bán cổ phiếu IMP để tái cơ cấu danh mục.
Dragon Capital cũng cho biết, SK Group là một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, đứng đầu về đầu tư gián tiếp tại Việt Nam và Quỹ đã chọn lựa rất kỹ việc chuyển giao phần vốn góp tại IMP, với mong muốn mang lại giá trị và xứng đáng thay thế Dragon Capital.
Ở một doanh nghiệp khác, CTCP Xây dựng và Kinh doanh Vật tư (CNT), Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) thông báo bán toàn bộ hơn 3,6 triệu cổ phiếu, tương ứng 36,53% vốn. Đáng chú ý, giao dịch trên được thực hiện ngay trước khi cuộc họp Đại hội đồng cổ đông niên 2020 của CNT diễn ra, vào ngày 30/6.
Nhà đầu tư xuất hiện tại CNT là một cá nhân, ông Nguyễn Hải Trường. Ông Trường đã mua vào thêm gần 3,7 triệu cổ phiếu CNT trong cùng ngày CC1 thoái vốn.
Theo đó, ông Trường trở thành cổ đông lớn nhất tại CNT với sở hữu gần 3,8 triệu cổ phiếu, tương đương 37,88% vốn.
Kinh doanh sa sút trong suốt nhiều năm qua, năm 2019 là năm đầu tiên CNT thoát lỗ kể từ năm 2012.
Năm ngoái, CNT thu về 399 tỷ đồng doanh thu và 1,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt hoàn thành 85% và 22% kế hoạch. Năm nay, sau khi CC1 thoái sạch vốn, CNT đề ra mục tiêu đạt 550 tỷ đồng doanh thu, hơn 20 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Khác với các nhà đầu tư đại chúng hay các quỹ đầu tư thực hiện đảo danh mục hàng ngày để tận dụng cơ hội thị trường kiếm lãi, những cuộc mua - bán của các nhà đầu tư, cổ đông lớn thường xuất phát từ những câu chuyện đủ lớn tại doanh nghiệp.
Ở mỗi doanh nghiệp có một câu chuyện riêng, nhưng các cuộc thay đổi chủ sở hữu lớn đều bao hàm trong đó một loại áp lực, đó là thúc doanh nghiệp phải thay đổi, phải cải thiện hiệu quả, nếu không muốn bị các ông chủ mới thay thế.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp