26/07/2023 08:28
Nhận tin tích cực, nhóm cổ phiếu ngành gạo bật tăng
Ngành gạo Việt Nam được hưởng lợi khi Ấn Độ, quốc gia cung cấp gạo lớn nhất thế giới, đang xem xét cấm xuất khẩu trước nguy cơ lạm phát và biến đổi khí hậu.
Tăng trưởng xuất khẩu cả về sản lượng và giá trị
Trong 6 tháng đầu năm 2023, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 4,27 triệu tấn, mang lại 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Ấn Độ đang cân nhắc cấm xuất khẩu hầu hết các loại gạo nhằm hạn chế lạm phát tăng cao, trong bối cảnh giá gạo trong nước thời gian qua tăng mạnh (bên cạnh đó, giá cà chua, nguyên liệu không thể thiếu trong nhiều món ăn, tăng phi mã vì mất mùa). Trước đó, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm và áp mức thuế 20% đối với gạo trắng xuất khẩu, ngoại trừ việc xuất khẩu sang một số nước châu Phi và Indonesia.
Trước tình hình biến động nguồn cung từ Ấn Độ, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2023 có cơ hội lập kỷ lục mới, dự kiến xuất khẩu 8 triệu tấn, thu về hơn 4 tỷ USD. Thông tin này được ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ tại buổi họp về tình hình xuất khẩu gạo mới đây.
Năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 7,1 triệu tấn, mang về 3,45 tỷ USD, tăng 5,1% về kim ngạch so với năm 2021, với giá xuất khẩu bình quân đạt 486 USD/tấn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2023, giá gạo xuất khẩu bình quân ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Cập nhật của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, ngày 18/7/2023, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 528 USD/tấn, cao hơn gạo của Ấn Độ (493 USD/tấn).
Chuẩn bị nguồn lực tận dụng lợi thế
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Trung An, mã chứng khoán TAR) đánh giá, Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% hoạt động thương mại gạo trên toàn cầu, tiếp theo là Thái Lan và Việt Nam.
Gạo Việt Nam hiện có lợi thế lớn về xuất khẩu khi Ấn Độ xem xét cấm xuất khẩu gạo, còn giá gạo của Thái Lan đang ở mức cao. Theo bảng giá ngày 18/7/2023, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan cao hơn Việt Nam khoảng 3 USD/tấn.
Tổng giám đốc của Trung An cho biết, giá gạo xuất khẩu của Công ty hiện cao hơn gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá và nhu cầu gạo trên thế giới gia tăng do nguồn cung thiếu hụt, bởi hiện tượng El Nino xuất hiện từ quý II/2023 ảnh hưởng tới mùa màng trên toàn cầu, diện tích trồng cây lương thực của nhiều quốc gia giảm mạnh. Mới đây, Trung An xuất khẩu hơn 16.600 tấn gạo thơm sang Hàn Quốc, với giá 674 USD/tấn.
Nguồn cung gạo toàn cầu đối mặt với nguy cơ sụt giảm khiến giá tiếp tục tăng.
Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên 2023, lãnh đạo Trung An cho hay, Công ty sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, mục tiêu đến năm 2030 đưa sản lượng gạo chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo sạch của cả nước, trong đó 30% tổng sản lượng xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo thương hiệu có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, Trung An chuyển dần từ bán lẻ sang bán buôn xuất khẩu, đưa sản phẩm lên kệ các siêu thị tại những nước phát triển. Các thị trường mà doanh nghiệp hướng đến là Mỹ, EU, Úc, chinh phục được các thị trường khó tính sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận.
Chiến lược trên đang đi đúng hướng khi Trung An là một trong số ít doanh nghiệp đạt chuẩn chất lượng để xuất khẩu gạo vào châu Âu.
“EU là thị trường đặc biệt cao cấp, có thể chấp nhận nhập khẩu gạo có phẩm cấp cao với giá lên đến 2.000 USD/tấn. Nhưng bù lại, họ yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm rất cao, nhất là vấn đề về tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật luôn là rào cản lớn nhất để vào được thị trường này”, ông Phạm Thái Bình chia sẻ.
Theo lãnh đạo Trung An, việc nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn gạo Việt Nam khẳng định chất lượng, uy tín gạo của Việt Nam ngày càng cao trên trường quốc tế.
Tương tự, lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán LTG) nhìn nhận, Ấn Độ dự kiến cấm xuất khẩu gạo mở ra cơ hội cho gạo Việt Nam và gạo Thái Lan có thể bán với giá cao hơn, đồng thời giúp tiêu thụ nhanh lượng hàng tăng thêm do năng suất tăng từ vụ Đông Xuân 2023.
Bên cạnh đó, Việt Nam có cơ hội cải thiện vị trí trên bản đồ xuất khẩu gạo toàn cầu, thế giới nhìn nhận Việt Nam là quốc gia có nguồn cung cấp lượng thực ổn định, chất lượng, uy tín.
Để tận dụng được cơ hội, các doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo chất lượng gạo tốt và ổn định, đáp ứng tiêu chí xuất khẩu vào các thị trường khó tính, liên kết chặt chẽ các khâu sản xuất - kinh doanh nhằm giảm chi phí. Các doanh nghiệp cũng cần chú trọng ký hợp đồng dài hạn với người mua, để các hộ nông dân yên tâm sản xuất, cung ứng bền vững cho thị trường quốc tế.
Quý IV/2023 được kỳ vọng là mùa tăng trưởng mạnh mẽ cho lĩnh vực xuất khẩu, đặc biệt những doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng có nhiều lợi thế như gạo. Cùng với sự thuận lợi về thị trường tiêu thụ, doanh nghiệp ngành gạo còn có lợi thế khi lãi suất cho vay đang trong xu hướng điều chỉnh, giúp giảm áp lực tài chính và cải thiện biên lợi nhuận.
Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (mã chứng khoán PAN) nhận định, nhu cầu lương thực thiết yếu tăng cao nên mảng này của Công ty có thể tăng trưởng 10 - 15% trong năm 2023.
Đại hội cổ đông thường niên 2023 của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (Afiex, mã chứng khoán AFX) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu 2.558 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 36,95 tỷ đồng, tăng lần lượt 52,6% và 4,6% so với mức thực hiện năm ngoái.
Triển vọng ngành gạo 6 tháng cuối năm 2023 được đánh giá cao khi nhiều quốc gia châu Á đứng trước nguy cơ sản lượng gạo sụt giảm do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Điều này thúc đẩy xuất khẩu tại những quốc gia có lợi thế nguồn cung ổn định như Việt Nam, trong khi các bộ, ngành chú trọng giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực, bao gồm gạo.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngành gạo gần đây bật tăng trước những thông tin tích cực. So với đầu năm 2023, giá cổ phiếu LTG, PAN, TAR đạt mức tăng từ 33 - 46%.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp