21/06/2020 14:20
Nhận định chứng khoán tuần tới (22 – 26/6): Nhà đầu tư kỳ vọng nhịp tăng mới
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tuần giao dịch (từ 15 - 19/6) biến động mạnh. Sau “cú sập” mạnh (hơn 31 điểm) vào phiên đầu tuần, chỉ số VN - Index đã ổn định trở lại và hồi phục mạnh trong những phiên cuối tuần.
Giới đầu tư tại công ty chứng khoán cho rằng, với tâm lý e ngại được cởi bỏ, thị trường có thể bước vào nhịp tăng mới và các cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 2 khả quan sẽ là địa chỉ của dòng tiền.
Hoàn thành nhịp điều chỉnh
CTCP Chứng khoán MB - MBS phân tích, những áp lực ngắn hạn đối với thị trường đã qua và không gây ra xáo trộn nào, kỳ tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF (Quỹ hoán đổi danh mục) cũng diễn ra khá “êm” khi các lệnh đối ứng được "cân" rất tốt dù cho khối ngoại bán ròng.
Về kỹ thuật, chỉ số VN - Index chốt tuần cao hơn so với 5 phiên trước đó, nhịp điều chỉnh ngắn của thị trường có khả năng đã hoàn thành. Với tâm lý được cởi bỏ, thị trường sẽ bước vào nhịp tăng mới, các cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 2 khả quan sẽ là địa chỉ của dòng tiền.
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận định, thị trường kết thúc phiên cơ cấu ETF cuối tuần với sắc xanh lan tỏa thị trường. Thanh khoản tăng mạnh với độ rộng thị trường tích cực đang báo hiệu xu hướng giao dịch khả quan. VN - Index nhiều khả năng sẽ trở lại vùng 880 - 900 điểm trong các phiên giao dịch tuần tới.
CTCP Chứng khoán Rồng Việt – VDSC cho rằng, sau một thời gian tích lũy cùng với thanh khoản thấp thì phiên cuối tuần đã bùng lên mạnh, có phần góp mặt các quỹ ETF cơ cấu. Với xu hướng hiện tại của thị trường, VDSC đánh giá tích cực với nhiều cổ phiếu tăng giá.
VDSC khuyến nghị nhà đầu tư có thể xem xét giải ngân khi thị trường điều chỉnh nhẹ ở thời gian tới để gia tăng lợi nhuận cho danh mục.
CTCP chứng khoán Agribank giữ quan điểm thận trọng khi cho rằng, thị trường vẫn đang biến động trong vùng 830 - 870 điểm, tiếp tục xu hướng sideway (giá đi ngang trong một biên độ tương đối ổn định và không hình thành một xu hướng cụ thể nào trong một khoảng thời gian tương đối dài). Trong ngắn hạn, cần chờ đợi một phiên bứt phá khỏi một trong hai ngưỡng nêu trên. Kịch bản thị trường có thể điều chỉnh vẫn đang hiện hữu.
CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội phân tích, thị trường hồi phục nhẹ trong tuần qua trong bối cảnh làn sóng thứ hai của đại dịch COVID-19 xuất hiện tại một số quốc giá trên thế giới. Tuy nhiên, những biện pháp kích thích kinh tế từ Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giúp cho thị trường chứng khoán thế giới có những sự hồi phục nhất định.
Khối ngoại có tuần mua ròng thứ 2 liên tiếp với gần 14.725 tỷ đồng trên toàn thị trường, cao hơn nhiều so với mức 422 tỷ đồng của tuần trước. Đáng chú ý, việc mua ròng của khối ngoại đến từ giao thỏa thuận với gần 15.100 tỷ đồng cổ phiếu VHM trong phiên giao dịch ngày 15/6.
Nhóm cổ phiếu họ Vingroup là động lực chính giúp thị trường bật tăng trong tuần qua với VIC tăng 6,1%, VRE (7,4%), VHM (2,5%).
Nhóm cổ phiếu thép cũng tăng tích cực với 2 mã đầu ngành là HPG tăng 3,2%, HSG (8,2%).
Ở chiều giảm giá, các mã cổ phiếu vốn hóa lớn trong nhóm thực phẩm – đồ uống giảm mạnh nhất, với VNM (2,5%), MSN (2,6%), SAB (3,3%)...
Ngoài ra, các mã cổ phiếu hàng không cũng đi xuống. Cụ thể, VJC giảm 3%, HVN (1,6%).
Các mã cổ phiếu ngân hàng diễn biến khá ảm đạm với sắc xanh, đỏ đan xen. Dù vậy, nhìn vào những phiên giao dịch cuối tuần có thể thấy sự tích cực đã trở lại với nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Nhóm cổ phiếu ngành dầu khí diễn biến tăng giảm trái chiều, trong khí PLX tăng 1,9%, PVB tăng 4,2% và PVS tăng 1,1% thì GAS giảm 2,7%, PVC giảm 6,2%, POW giảm 0,8%.
Với diễn biến của nhóm cổ phiếu dầu khí trong tuần qua, khó có thể dự đoán được xu hướng của nhóm này trong tuần tới.
Thường thì giá cổ phiếu dầu khí diễn biến khá tương đồng với giá dầu thế giới, nhưng tuần qua, giá dầu thế giới và giá cổ phiếu dầu khí không “đồng pha”.
Kết thúc tuần giao dịch (từ 15 - 19/6), VN - Index tăng 5,04 điểm (0,6%) lên 868,56 điểm; HNX - Index giảm 1,552 điểm (1,3%) xuống 115,36 điểm.
Thanh khoản tăng nhẹ so với tuần trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 tuần với gần 9.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Thị trường chứng khoán trong nước tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam đã được kiểm soát hiệu quả qua việc nối lại các hoạt động kinh tế, thương mại, dịch vụ.
Trong khi đó, hầu hết các thị trường chứng khoán trên thế giới trong tuần qua cũng đi lên, bất chấp quan ngại về làn sóng dịch bệnh COVID-19 mới.
Chứng khoán thế giới đi lên
Dù giới đầu tư còn nhiều lo ngại, nhưng thị trường chứng khoán vẫn có một tuần đi lên. Tại thị trường chứng khoán Mỹ, tính chung cả tuần qua, Dow Jones tăng 1%, S&P 500 tăng 1,9%, còn Nasdaq ghi thêm 3,7%.
Giới đầu tư dường như đang gia tăng sự hoài nghi về triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa cảnh báo đại dịch COVID-19 đang bước vào một giai đoạn “mới và nguy hiểm hơn”.
Ảnh minh họa. |
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố các biện pháp bổ sung nhằm hỗ trợ thị trường trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và các số liệu về doanh số bán lẻ cao hơn kỳ vọng ở Mỹ đã khiến giới đầu tư ngày càng hy vọng rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ phục hồi nhanh hơn dự báo, qua đó giúp thị trường chứng khoán Mỹ đi lên liên tiếp trong hai phiên giao dịch đầu tuần qua (ngày 15 và 16/6).
Chủ tịch Cục Fed Jerome Powell cam kết sẽ duy trì các nỗ lực kích thích mạnh mẽ để hạn chế những thiệt hại kinh tế do các biện pháp phong tỏa chống dịch COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, ông Jerome Powell cũng tỏ ra thận trọng về sự cải thiện trong số liệu kinh tế, giữa lúc tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao và sự phục hồi kinh tế vẫn đang trong tình trạng “không chắc chắn”.
Sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 mới tại một số bang của Mỹ đã khiến nhiều người lo ngại về khả năng bùng phát đợt lây nhiễm thứ hai và đẩy thị trường vào diễn biến trái chiều. Trong khi đó, Bộ Lao động Mỹ ngày 18/6 công bố báo cáo cho thấy, có 1,508 triệu lao động đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 13/6, giảm nhẹ so với tuần trước đó.
Theo nhà kinh tế trưởng Chris Low của FHN Financial, báo cáo mới đánh dấu tuần thứ 11 liên tiếp số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ giảm, nhưng con số này vẫn ở mức cao chưa từng thấy trước khi nền kinh tế rơi vào suy thoái do các biện pháp phong tỏa nhằm kiểm soát đại dịch COVID-19.
Tại thị trường châu Á, đóng cửa ngày giao dịch 19/6, các thị trường chứng khoán đồng loạt tăng điểm nhờ giới đầu tư khá lạc quan với việc các nước đang dần nới lỏng lệnh phong tỏa đã áp dụng trước đó.
Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 tại thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) tăng 0,6% lên 22,478,79 điểm, chỉ số Hang Seng tại thị trường Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,73% (178,95 điểm) lên 24.643,89 điểm.
Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 1% lên 2.967,63 điểm, còn chỉ số KOSPI của thị trường Seoul (Hàn Quốc) tăng 0,37% (7,84 điểm) lên 2.141,32 điểm.
Các báo cáo cho hay việc Trung Quốc cam kết tăng cường mua nông sản của Mỹ như một phần thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa hai nước cũng hỗ trợ tâm lý của các nhà đầu tư. Sau giai đoạn tăng điểm nhờ việc tái mở cửa nền kinh tế của các nước cũng như các gói hỗ trợ trị giá hàng nghìn tỷ USD của các nước, các thị trường chứng khoán trên thế giới hiện đang chờ đợi “chất xúc tác” tiếp theo như việc công bố điều chế và thử nghiệm thành công vắc xin COVID-19.
Trong khi các nước tiếp tục nới lỏng các biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19 vốn ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh và việc làm, dịch bệnh này đang có dấu hiệu bùng phát trở lại ở một số nơi như Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Florida (Mỹ). Đức.
(Nguồn: TTXVN)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp