02/05/2018 14:33
Nhà tương lai học nổi tiếng dự đoán về tiền số, các ngành nghề biến mất trong 20 năm tới và lý do ông xóa Facebook
Theo ông Leonhard, những công nghệ mới và blockchain sẽ “cướp” mất 60% lợi nhuận các ngân hàng.
Gerd Leonhard, nhà tương lai học, nhà văn và là một trong những người có tầm ảnh hưởng nhất ở châu Âu đã tiên đoán rằng trong tương lai gần các ngân hàng sẽ mất đi 60% lợi nhuận bởi sự thịnh hành của blockchain. Ông cũng đưa ra dự đoán về những ngành nghề sẽ biến mất trong 20 năm tới.
Theo ông Leonhard, những công nghệ mới và blockchain sẽ “cướp” mất 60% lợi nhuận các ngân hàng. Ông cũng dự đoán rằng tiền mặt sẽ biến mất trong 10 năm tới và chúng được thay thế bởi tiền số.
Nhà tương lai học Gerd Leonhard đưa ra nhiều dự đoán thú vị về tương lai loài người. (Ảnh: Flickr) |
Phóng viên tờ Business Insider thường trú tại Ba Lan, ông Lukasc Grass đã có cuộc phỏng vấn với ông Gerd Leonhard về tương lai gần của nhân loại. VietTimes xin trích đăng bài phỏng vấn này.
PV: Ông đã nhận định rằng trong 20 năm tới loài người sẽ có sự thay đổi nhiều hơn những gì đã diễn ra trong 300 năm qua. Vậy nhân loại sẽ thay đổi như thế nào và đâu là nguyên nhân?
Gerd Leonhard: Khi tôi nói về sự thay đổi của nhân loại là tôi muốn đề cập đến sự thay đổi trong xã hội, công việc và nền kinh tế. Theo nghĩa rộng hơn là sự thay đổi về sinh hóa học và ý thức – những thứ cấu tạo nên cơ thể con người. Cho đến nay, công nghệ vẫn ở bên ngoài cơ thể của chúng ta. Nhưng trong tương lai rất gần, công nghệ tiên tiến đến nỗi nó sẽ ở bên trong cơ thể của mỗi người. Chúng ta có thể sử dụng công nghệ để thay đổi tâm trí của mình – trở thành siêu nhân. Trong 10 năm tới, chúng ta sẽ có các robot siêu nhỏ trong máu và các giao diện kết hợp não bộ và máy tính.
PV: Ông đã từng nêu lên khái niệm: “phần mềm đang xâm chiếm thế giới”. Tôi cũng cho rằng công nghệ mới và blockchain sẽ xâm chiếm ngân hàng. Hồi tháng 3, tôi đã từng có dịp nói chuyện với các CEO của các ngân hàng lớn nhất của Ba Lan. Chúng tôi đã thảo luận về tương lai của ngành ngân hàng. Nhưng các CEO lại cho rằng blockchain không đe dọa mà lại giúp ích cho sự phát triển của ngân hàng. Ông nghĩ gì về nhận định này?
Gerd Leonhard: Tôi chưa thể khẳng định họ nói đúng hay sai. Tôi chỉ có thể nói rằng công nghệ làm cho dịch vụ nhanh hơn và thuận tiện hơn, loại bỏ các yếu tố trung gian. Các ngân hàng là những người trung gian và phải nhấn mạnh rằng vai trò của họ từ trước đến nay là quá lớn. Trong tương lai gần, sẽ có hàng ngàn cách để làm các công việc mà ngân hàng hiện nay đang đảm nhiệm. Ví dụ, chúng ta có thể chuyển tiền lương ngay lập tức qua các ngân hàng mà không cần có trung gian, như trường hợp ở châu Phi. Điều này không có nghĩa là ngân hàng sẽ biến mất hoàn toàn, nhưng một số ngân hàng sẽ mất từ 40% đến 60% thu nhập. Chúng ta đang có ngân hàng tư nhân, ngân hàng tiêu dùng và ngân hàng đầu tư. Nhưng chúng ta đang kết nối Internet và thực sự không cần sử dụng ngân hàng để gửi tiền.
Ông Leonhard cho rằng tương lai việc mua ô tô giống như tạo danh sách nhạc Spotify. (Ảnh: Flickr) |
PV: Thế còn các chi nhánh ngân hàng?
Gerd Leonhard:Từ lâuchúng ta đã không sử dụng các chi nhánh ngân hàng theo cách truyền thống. Tình huống này tương tự như các nhà máy sản xuất và đại lý bán xe hơi. Trong 5 năm tới, chúng ta sẽ không đến các đại lý bán xe nữa. Xe hơi sẽ được mô phỏng qua màn hình máy tính và chúng ta mua xe giống như tạo một danh sách nhạc Spotify. Xe hơi sau đó sẽ được gửi thẳng tới nhà chúng ta.
PV: Còn những công ty bảo hiểm và truyền thông thì sao. Chúng cũng sẽ bị tiêu diệt bởi sự tiến bộ của công nghệ?
Gerd Leonhard: Những nghề trung gian hiện tại đang bị đe dọa bởi những trung gian mới mạnh mẽ như Amazon, Google, Facebook hoặc Alibaba. Các công ty này đã nắm giữ 65 lĩnh vực kinh doanh khác nhau, từ bán lẻ, thương mại điện tử đến ngân hàng, truyền thông xã hội và phim ảnh. Amazon sẽ sớm trở thành một “ngân hàng”. 350 triệu người dùng Amazon sẽ nhận được các dịch vụ ngân hàng miễn phí và không phải trả một xu để được chuyển tiền. Các ngân hàng truyền thống có mô hình tài chính rất đơn giản: họ lấy tiền từ bạn và đầu tư nó. Các ngân hàng kỹ thuật số mới sẽ cho phép bạn chi nhiều tiền hơn, thay vì nắm giữ chúng như các ngân hàng truyền thống. Đây là những mô hình kinh doanh hoàn toàn khác nhau.
PV: Ông có nghĩ rằng tiền mặt sẽ biến mất? Thế còn tiền số thì sao?
Gerd Leonhard: Tiền sẽ được số hóa, chắc chắn rồi. Đây là một sự thay đổi quan trọng. Trong 10 năm tới, tiền tệ sẽ được số hóa và tiền mặt sẽ biến mất.
PV: Không nghi ngờ gì nữa, những tiến bộ công nghệ sẽ thay đổi thế giới trong 20 năm tới. Câu hỏi đặt ra là, loài người sẽ đi về đâu?
Gerd Leonhard: Khi nghĩ về một nền văn minh mới, đa số thường nghĩ đến sự diệt vong hoặc mất mát của cái cũ. Tôi thì nghĩ rằng 95% sự thay đổi là tích cực. Điều duy nhất chúng ta phải suy nghĩ là bao nhiêu sự thay đổi được phép can thiệp vào cuộc sống của chúng ta.
PV: Ông có thể dự đoán về một số ngành nghề sẽ biến mất trong vòng 20 năm tới? Tôi thì cho rằng những nghề bị ảnh hưởng sẽ là luật sư, ngân hàng, nhà báo, nhân viên bưu chính, nhân viên thu ngân, kiến trúc sư, nhà môi giới đầu tư, thợ mỏ, cố vấn tài chính và nông dân.
Sẽ có nhiều ngành nghề biến mất trong tương lai. (Ảnh: Business Insider) |
Gerd Leonhard: Điều này phụ thuộc vào lĩnh vực bạn làm việc. Hãy bắt đầu với nghề luật sư. Trong nhiều trường hợp, nghề này chỉ là công việc thường xuyên, chẳng hạn như kiểm tra hợp đồng. Loại công việc đó sẽ biến mất. Cũng tương tự là các nghề kiến trúc sư, cố vấn đầu tư, đại lý bất động sản và ngân hàng – nhưng chỉ ở những vị trí làm công việc văn phòng.
Giả sử tôi có 10 nghìn euro để chi tiêu, tôi sẽ không cần một cố vấn tài chính. Tôi có thể sử dụng danh mục đầu tư chứng khoán nhân tạo, tốt hơn, nhanh hơn và rẻ hơn.
Đối với các nhà báo, AI sẽ không tiêu diệt họ. Những nhà báo mà viết các tác phẩm đòi hỏi phải có sự gặp gỡ với nhân vật, hoặc viết các bài phỏng vấn. Những nhà báo như vậy sẽ không bị robot làm báo thay thế.
PV: Tôi hoàn toàn đồng ý với ông. Những đoạn văn đơn giản, những bài dịch hoặc bài viết dựa trên một nguồn dữ liệu cho sẵn hoàn toàn khả thi với robot làm báo. Thế còn nông dân thì sao?
Gerd Leonhard: Nông nghiệp đã được tự động hóa cao nhưng nông dân sẽ không hoàn toàn biến mất. Chúng ta đang phát triển các “trang trại dọc”. Đây là khoản đầu tư tốt nhưng đắt đỏ. Hãy tưởng tượng một tòa nhà chọc trời 40 tầng nơi bạn có thể trồng xà lách, củ cải, hẹ, trái cây và các loại rau quả khác trên mỗi tầng. Điều này đã xảy ra ở Abu Dhabi. Nông dân sẽ tồn tại với các công nghệ hiện đại. Họ không phải là nông dân truyền thống với bình thuốc trừ sâu trên vai. Công nghệ mới sẽ thay đổi nông nghiệp rất nhanh chóng.
PV: Thế còn nhân viên bưu chính? (người đưa bưu phẩm)
Gerd Leonhard: Đây là một điều thú vị. Tôi không nghĩ là máy bay điều khiển từ xa không người lái (drone) có thể chuyển phát bưu phẩm do những trở ngại về tiếng ồn, sự riêng tư và an ninh. Tôi nghĩ chúng ta vẫn cần người giao hàng.
PV: Thế còn nghề thợ mỏ?
Gerd Leonhard: Ngành khai khoáng gần như hoàn toàn tự động. Ở Ba Lan, vấn đề này sẽ sớm trở thành một thách thức khi tôi nghĩ rằng trong vòng mười năm tới, than đá sẽ không thể cạnh tranh với năng lượng mặt trời.
PV: Ông có nghĩ năng lượng mặt trời sẽ thay thế than đá?
Gerd Leonhard: Hoàn toàn đúng. Thứ nhất, chúng ta cần phải làm điều này vì lý do môi trường. Thứ hai, giá thành các tấm năng lượng mặt trời đã giảm hơn 90% trong một số trường hợp.
PV: Tôi muốn hỏi ông về vai trò của truyền thông xã hội trong một thế giới thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là về Facebook?
Gerd Leonhard: Tôi đã xóa tài khoản Facebook từ ba tuần trước.
PV: Tại sao vậy?
Gerd Leonhard: Về cơ bản, Facebook đã trở thành một phiên bản lỗi của phương tiện truyền thông xã hội. Facebook đã sử dụng vị thế của nó để tiến hành các thí nghiệm với trí tuệ nhân tạo.
PV: Ông không đồng ý với cách làm của họ? Và quyết định xóa tài khoản Facebook là một hành động phản đối?
Gerd Leonhard: À, tôi nghĩ đó là vấn đề về trách nhiệm. Nguyên tắc hoạt động của Facebook là cung cấp cho mọi người một nền tảng, nhưng Facebook lại thu thập tất cả thông tin bạn gõ vào và “làm tiền” với hàng ngàn cách khác nhau. Tôi cho rằng đây là một sự lạm dụng. Nếu bạn không thể chấp nhận điều này, bạn nên xóa tài khoản Facebook.
PV: Có lẽ đây là thời điểm phù hợp để nói về vấn đề đạo đức kinh doanh. Theo ông, có phải những người sáng lập, những người điều hành doanh nghiệp đã bỏ qua điều này?
Ông Leonhard nói rằng mọi người cần phải chịu trách nhiệm đối với công cụ kính doanh mà mình tạo ra. (Ảnh: Flickr) |
Gerd Leonhard: Mọi người nên có trách nhiệm với dịch vụ kinh doanh của mình. Dù bạn kinh doanh gì cũng sẽ gây tác động nhất định đến xã hội và văn hóa, và bạn phải chịu trách nhiệm với mọi hậu quả, cũng giống như các chủ nhà máy chịu trách nhiệm về ô nhiễm môi trường. Vì vậy, nếu bạn tạo ra một công cụ AI, bạn phải chịu trách nhiệm về sự an toàn và những tác động nào đó từ công cụ mà bạn tạo ra. Về mặt lý thuyết, bạn càng kết nối với nhiều công nghệ mới, bạn càng dễ bị tội phạm mạng đánh cắp dữ liệu cá nhân. Hãy tưởng tượng mọi thứ mà bạn kết nối Internet – tủ lạnh, tài khoản, nhà, xe hơi. Bất cứ ai sở hữu dữ liệu này cũng dễ dàng sao chép nó.
PV: Vậy làm thế nào có thể kiểm soát được điều này?
Gerd Leonhard: Kiểm soát không phải là giải pháp. Chúng ta cần trách nhiệm và sự trung thực trong kinh doanh. Facebook đã không chịu trách nhiệm, thực sự họ là kẻ vô trách nhiệm.
PV: Thách thức lớn nhất của nhân loại liên quan đến công nghệ mới là gì?
Gerd Leonhard: Chúng ta đang phát triển công nghệ mới, nhưng nó không đem lại lợi ích cho tất cả mọi người. Đây là những gì tôi gọi là sự bất bình đẳng. Nếu chúng ta tạo ra các công nghệ mới mạnh mẽ hơn, tự động hóa các nhà máy thì đồng thời cũng gây ra tình trạng thất nghiệp. Lúc đó, chúng ta phải trả thuế cho phù hợp, tạo việc làm mới và phải luôn suy nghĩ về quyền lợi của con người. Nếu chúng ta cổ phần hóa toàn bộ công ty, chúng ta có nhiều tiền hơn cho công ty và chia nhiều cổ tức hơn cho cổ đông, nhưng cũng tạo ra một số lượng lớn người thất nghiệp trên đường phố.
PV: Xin cảm ơn ông!
Advertisement