Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Nhà ở xã hội cần thêm trợ lực

Tỷ lệ giải ngân thấp, dự án còn tắc ở nhiều khâu, từ pháp lý, thẩm định dự án, giao đất tới các chính sách hỗ trợ… đang khiến việc triển khai nhà ở xã hội càng thêm chậm.

Vẫn còn nhiều bất cập

Báo cáo từ Bộ Xây dựng cho biết, tính đến hết tháng 9/2023, trong số 120.000 tỷ đồng dành cho các dự án nhà ở xã hội được triển khai cho vay từ đầu tháng 4/2023, mới chỉ giải ngân được 83 tỷ đồng. Số tiền giải ngân khiêm tốn nói trên trong bối cảnh nhu cầu từ phân khúc này đang rất lớn đã đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng phát triển các dự án nhóm này.

Tại phiên chất vấn về lĩnh vực kinh tế tổng hợp, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đang diễn ra, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương (Đoàn đại biểu An Giang) đã nêu câu hỏi chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.

Theo đại biểu, đây là một chủ trương rất nhân văn của Đảng, Nhà nước ta, được cử tri và đông đảo người dân phấn khởi và kỳ vọng. Tuy nhiên, kể từ khi chính thức triển khai đến nay, tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp, cần phải có các giải pháp cụ thể để tăng giải ngân và số lượng các dự án được cho vay.

Nhà ở xã hội cần thêm trợ lực- Ảnh 1.

Một dự án nhà ở xã hội tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Thành Nguyễn

Trả lời các thắc mắc nêu trên, Thống đốc cho biết, hiện đã có 18/63 UBND tỉnh, thành phố gửi văn bản công bố danh mục dự án tham gia chương trình và công bố trên Cổng thông tin điện tử 53 dự án, với tổng nhu cầu vay là 27.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, các ngân hàng mới giải ngân được gần 105 tỷ đồng cho 3 dự án ở 3 địa phương. Nguyên nhân đến từ nguồn cung nhà ở thuộc đối tượng của chương trình còn hạn chế. Về điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội, hiện còn có ý kiến phản ánh chưa phù hợp với thực tế.

Ngoài ra, theo Thống đốc, chương trình này thực hiện trong thời gian 10 năm và các khoản cho vay bất động sản thường kéo dài, giải ngân theo tiến độ nên số tiền giải ngân ban đầu còn thấp.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Giám đốc Sen Vàng Group nhìn nhận, có nhiều lý do dẫn đến việc giải ngân chậm cho các dự án nhà ở xã hội. Với các dự án này, cái khó là nhiều chủ đầu tư muốn tham gia nhưng lại vướng nhiều thứ, chẳng hạn dự án chưa được duyệt, còn tắc ở nhiều khâu từ pháp lý, thẩm định dự án, giao đất… tới các chính sách hỗ trợ.

Mục tiêu từ nay tới năm 2030, mỗi năm cần xây dựng khoảng 130.000 căn nhà ở xã hội nên việc hoàn thành đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội là một nhiệm vụ hết sức nặng nề.

Theo bà Ngọc, chính sách lãi suất của gói vay hiện chưa tạo thuận lợi cho cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà ở xã hội, mức lãi suất cho vay đối với chủ đầu tư là 8,2%/năm và đối với người mua nhà là 7,7%/năm vẫn còn cao. Hay như việc người có thu nhập từ 9 triệu đồng/tháng thuộc diện phải đóng thuế thu nhập cá nhân sẽ không nằm trong diện được mua nhà ở xã hội, điều này dẫn đến thực trạng người muốn mua lại không thể thỏa mãn điều kiện (không đủ tiền hoặc không đạt tiêu chí)…

Mặt khác, trong các dự án nhà ở xã hội có 2 phần thuê và mua, nhưng trên thực tế, người dân chủ yếu thích mua, trong khi tỷ lệ chọn thuê rất thấp. Việc thất bại với mục tiêu cho thuê cũng làm ảnh hưởng đến khả năng triển khai các dự án nhà ở xã hội.

Quan trọng là cơ chế

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về giải pháp thúc đẩy giải ngân các dự án nhà ở xã hội, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có kiến nghị và rất mong UBND các tỉnh, thành phố sớm công bố các dự án nhà ở thuộc chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng để hệ thống ngân hàng có thể tích cực triển khai. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tập trung tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phối hợp với các bộ, ngành khác để người dân nắm rõ về chương trình này.

Còn bà Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu quan điểm, có thể áp dụng kinh nghiệm thành công trong giai đoạn 2013 - 2014, tức mở rộng tiêu chí cho người mua nhà ở xã hội. Theo đó, người mua nhà lần đầu nên được ưu tiên tiếp cận các dự án nhà ở xã hội, cùng với đó là các quy định ưu tiên về độ tuổi, chẳng hạn từ 25 - 35 tuổi, bởi đang là độ tuổi lao động, cũng là nhóm có nhu cầu nhà ở cao.

“Nhóm khách hàng nói trên đang trong tuổi lao động, là lực lượng quan trọng tạo ra của cải vật chất, đóng góp cho kinh tế - xã hội, nếu được tạo điều kiện mua nhà, họ sẽ nỗ lực làm việc để đảm bảo thanh toán tiền nhà, đóng thuế… Từ đó, ‘mũi tên’ an sinh sẽ đi trúng đích và tạo động lực cho thị trường, cho người có nhu cầu thực”, bà Ngọc nói và phân tích thêm, với việc giá nhà liên tục tăng cao gấp hàng chục lần thu nhập bình quân đầu người phần nào tạo tâm lý e ngại trong giới trẻ, thậm chí nhiều người cho biết đã xác định không thể mua nhà và sẽ chọn thuê (không phải các dự án nhà ở xã hội vì vướng thủ tục). Điều này sẽ tạo ra tâm lý tiêu cực cho thị trường và cần phải được cải thiện sớm bằng các chính sách hỗ trợ về lãi suất, cơ chế và đối tượng.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, phân khúc nhà ở thực gồm nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền luôn có nhu cầu rất lớn nên cần được hướng đến. Riêng nhà ở xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, nhưng quá trình triển khai còn nhiều vướng mắc khiến số lượng các dự án chưa nhiều.

Ông Thịnh cho rằng, mục tiêu từ nay tới năm 2030, mỗi năm, cần xây dựng khoảng 130.000 căn nhà ở xã hội nên việc hoàn thành đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội là một nhiệm vụ hết sức nặng nề.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, theo ông Thịnh, cần sự quyết tâm vào cuộc đồng bộ của cả Nhà nước và doanh nghiệp, với động lực thể chế đủ mạnh để đưa nhà ở xã hội là một trong những điểm tựa để thị trường bất động sản đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.

Do đó, cần tập trung vào các giải pháp như lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm đối với từng địa phương, từng lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là quy hoạch các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân các khu công nghiệp để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở.

Với chính quyền các địa phương, cần khẩn trương rà soát, thống kê số lượng các dự án bất động sản đang triển khai trên địa bàn, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân các khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của xã hội.

Cùng với đó, cần đẩy nhanh quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư dự án; lựa chọn chủ đầu tư phù hợp; bàn giao mặt bằng sạch trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân các khu công nghiệp để rút ngắn thời gian chuẩn bị, giảm chi phí cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Ngoài ra, cần chi tiết hóa và hướng dẫn đầy đủ về các thủ tục, các quy trình để các chủ đầu tư dễ dàng tiếp cận với các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước khi thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Mặt khác, Chính phủ và chính quyền các địa phương cần nhanh chóng xác định rõ các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và các đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất để các chủ đầu tư có thể nhanh chóng tiếp cận gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng nhằm giảm chi phí sản xuất, chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm và kích cầu nhu cầu mua bán bất động sản.

Đồng thời, cần thực hiện truyền thông rộng rãi các gói hỗ trợ lãi suất cho vay mua nhà ở, cho vay xây dựng, sửa chữa nhà cửa cho các đối tượng ưu tiên đang được Ngân hàng Chính sách Xã hội triển khai.

THÀNH NGUYỄN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement