Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ lên tới 90%

Kinh tế thế giới

22/04/2025 20:15

Việc áp thuế nhập khẩu của Chính phủ Mỹ đang khiến nguy cơ suy thoái đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng cao – và nguyên nhân chủ yếu đến từ tác động nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp nhỏ.

Đó là nhận định mới được đưa ra từ ông Torsten Sløk, nhà kinh tế trưởng tại công ty quản lý tài sản Apollo Global Management.

Trong một thông báo gửi tới khách hàng cuối tuần trước, ông Sløk cho biết các mức thuế mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp lên hàng hóa nhập khẩu từ những quốc gia khác có thể làm tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ giảm tới 4 điểm phần trăm.

Dự báo này được đưa ra dựa trên kinh nghiệm từ năm 2018, khi các mức thuế đầu tiên được áp lên hàng hóa Trung Quốc và đã khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ chững lại rõ rệt.

Ông Sløk cho hay: "Thuế quan được áp dụng theo cách không hiệu quả, và hiện nay có tới 90% khả năng Mỹ sẽ rơi vào một cuộc suy thoái kinh tế". Theo ông, các doanh nghiệp nhỏ, vốn phụ thuộc vào môi trường kinh doanh ổn định trong nhiều thập kỷ, sẽ phải thích nghi ngay lập tức nhưng lại không có đủ vốn lưu động để chi trả cho những khoản thuế nhập khẩu. Ông Sløk nói: "Hãy chờ đợi cảnh tượng tàu hàng bị đình lại ngoài khơi, các đơn hàng bị hủy và những chuỗi bán lẻ lâu đời phải nộp đơn phá sản".

Nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ lên tới 90%- Ảnh 1.

Cảng Long Beach ở Los Angeles, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhà kinh tế trưởng của Apollo Global Management nhấn mạnh rằng doanh nghiệp nhỏ đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là về việc làm và đầu tư. Tính đến tháng 1/2025, các doanh nghiệp có dưới 500 lao động đang sử dụng khoảng 110 triệu lao động– gấp khoảng 4 lần so với các doanh nghiệp lớn hơn. Không chỉ tạo ra phần lớn việc làm, doanh nghiệp nhỏ còn chiếm tỷ trọng đầu tư cố định tư nhân cao hơn cả các tập đoàn lớn.

Theo số liệu từ Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA), trong quý I/2024, đầu tư cố định tư nhân tại Mỹ đạt khoảng 4.200 tỷ USD – trong khi tổng chi đầu tư của các công ty thuộc chỉ số S&P 500 chỉ khoảng 1.000 tỷ USD cùng kỳ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhỏ cũng từng đóng góp lớn vào đà tăng trưởng GDP. Năm 2014 – mốc dữ liệu gần nhất – các doanh nghiệp nhỏ chiếm khoảng 5.900 tỷ USD trong GDP của Mỹ.

Ông Sløk kết luận rằng nếu các mức thuế hiện tại vẫn được duy trì, kinh tế Mỹ sẽ chứng kiến một đợt giảm tốc mạnh. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nhỏ đã bắt đầu lo lắng về những hệ lụy do thuế quan mang lại. 

Theo một khảo sát của Vistage Worldwide cho Wall Street Journal hồi tháng 3/2025, có tới 2/3 doanh nghiệp nhỏ cho biết họ lo ngại sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thuế và những vấn đề liên quan đến thương mại, giữa bối cảnh phần lớn các nhà kinh tế đều nhận định thuế quan có thể đẩy giá cả tiêu dùng tại Mỹ tăng cao.

Còn theo Hiệp hội các Thương hiệu Tiêu dùng (CBA), người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho cà phê, chuối, vani và giấy vệ sinh do các mức thuế quan mới.

CBA, một nhóm thương mại đại diện cho Coca-Cola, Procter & Gamble, Target và các tập đoàn tiêu dùng khác, cho biết một số nguyên liệu và vật liệu "thiết yếu" trong thực phẩm, đồ uống và hàng hóa được người tiêu dùng Mỹ sử dụng hàng ngày không có sẵn trong nước.

Ông Tom Madrecki, Phó chủ tịch phụ trách khả năng phục hồi chuỗi cung ứng của CBA, nhận định rằng dù Chính sách Thương mại "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump có mục đích tốt đẹp đến đâu, thì để thành công, chính sách này cũng cần cân nhắc đến những công ty Mỹ đang hoạt động hiệu quả nhưng vẫn phải phụ thuộc vào một số nguyên liệu và đầu vào nhập khẩu vì không thể tìm được nguồn cung trong nước. 

Việc áp thuế quan trả đũa mà không tính đến tình trạng khan hiếm nguyên liệu đầu vào chắc chắn sẽ dẫn đến tăng giá sản phẩm, hạn chế khả năng tiếp cận hàng hóa giá rẻ của người tiêu dùng, và vô tình gây thiệt hại cho các nhà sản xuất lớn của Mỹ.

Người tiêu dùng Mỹ có thể cũng sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho các mặt hàng gia dụng thiết yếu không phải thực phẩm. Theo CBA, giấy vệ sinh, tã, kem dưỡng da và dầu gội đầu có thể trở nên đắt hơn khi các nhà sản xuất chuyển phần chi phí tăng thêm cho bột gỗ, sợi tre, bơ hạt mỡ và dầu cọ sang cho người tiêu dùng.

Trong khi đó, tổ chức nghiên cứu Chief Executive mới đây công bố kết quả khảo sát cho thấy ngày càng có nhiều giám đốc điều hành (CEO) hàng đầu của Mỹ dự báo nền kinh tế nước này sẽ rơi vào suy thoái trong tương lai gần.

Theo Chief Executive, trong số hơn 300 CEO được khảo sát trong tháng 4/2025, có tới 62% dự đoán một cuộc suy thoái hoặc tình trạng kinh tế đi xuống khác sẽ diễn ra trong vòng sáu tháng tới. Con số này tăng đáng kể so với mức 48% trong cuộc khảo sát tháng 3/2025.

Dữ liệu của Chief Executive nhấn mạnh mối lo ngại ngày càng tăng trong giới doanh nghiệp Mỹ về tương lai của nền kinh tế.

Khoảng 75% số CEO được khảo sát cho biết thuế quan sẽ gây tổn hại cho doanh nghiệp của họ trong năm 2025. Khoảng 66% cho biết họ không ủng hộ các mức thuế do ông Trump đề xuất, nhiều mức thuế hiện đang được tạm hoãn.

TTXVN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement