17/05/2019 07:25
Nguồn nhân lực logistics thiếu trầm trọng
70% doanh nghiệp logistics gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực này, bao gồm cả nhân sự quản lý cấp cao, lao động phổ thông.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và dự án Au4mSkills do Chính phủ Australia tài trợ, tổ chức diễn đàn “Phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics và xu hướng tại Việt Nam”.
Hơn 200 đại biểu là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã thảo luận, xây dựng kế hoạch phối hợp hành động giữa các cơ quan quản lý nhà nước, trường dạy nghề, doanh nghiệp logistics nhằm thu hẹp khoảng cách cung cầu về kỹ năng tại Việt Nam.
Ngành logistics đang khát nguồn nhân lực |
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics, ngành logistics phát triển hàng năm trên 10% và đóng góp vào GDP khoảng 5%. Chính phủ đã giao nhiệm vụ giai đoạn 2020 - 2030, ngành logictics phải đóng góp 10%, gần tiệm cận với ngành du lịch.
Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ mang đến cho Việt Nam nhiều cơ hội lớn. Điều đó giúp cho kim ngạch xuất khẩu Việt Nam tăng lên vì dịch vụ logistics gắn liền với công tác xuất nhập khẩu.
Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, các trường dạy nghề ở Việt Nam hiện nay gặp nhiều khó khăn trong việc đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng sinh viên so với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp; sinh viên mới tốt nghiệp thường được xếp vào những vị trí tay nghề thấp, mức lương khiêm tốn để các nhà tuyển dụng đào tạo lại.
Ngược lại, có đến 70% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực này, bao gồm cả nhân sự quản lý cấp cao, lao động phổ thông.
Diễn đàn còn kỳ vọng sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp -trường học để đào tạo nguồn nhân lực logistics chất lượng cao, nhằm giải quyết bài toán “khát” nhân lực. Đây còn là cơ hội cho sinh viên tốt nghiệp ngành logistics với mức lương khởi điểm khá tốt.
Với xu thế tự động hóa và thương mại điện tử đang tác động mạnh mẽ đến hệ sinh thái của ngành logistics, cần đặc biệt quan tâm đào tạo lại kỹ năng cho lực lượng lao động hiện có để bắt kịp tiến bộ công nghệ, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam.
Thực tế, nhu cầu lớn về nhân lực logistics đã được dự báo từ trước nhưng cung vẫn thiếu so với nhu cầu đào tạo. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, giai đoạn 2017 - 2020, ngành logistics Việt Nam cần thêm khoảng 200.000 lao động chất lượng cao, có trình độ chuyên môn, kỹ năng và trình độ tiếng Anh và đến năm 2039, con số sẽ là 2 triệu lao động từ cao cấp đến phổ thông, có trình độ chuyên môn, Công nghệ thông tin và Truyền thông (ICT), ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Advertisement
Advertisement