23/02/2024 14:54
Nguồn cung nhà ở hạn chế, giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ còn chậm
Tỷ lệ giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng vẫn còn thấp là do phần lớn các dự án được công bố mới đang ở giai đoạn hoàn thiện thủ tục, bắt đầu triển khai. Một số địa phương đến nay vẫn chưa có dự án NƠXH được khởi công mới.
Chậm giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng do nguồn cung nhà ở còn hạn chế
Phát biểu tại hội nghị toàn quốc triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH) cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" năm 2024, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân vừa là một trong những trụ cột của các chính sách an sinh xã hội, vừa là một giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Đồng thời góp phần tạo nguồn cung, tái cơ cấu lại thị trường bất động sản, cân đối trong cơ cấu sản phẩm bất động sản, đặc biệt là phân khúc NƠXH, nhà ở giá phù hợp cho người thu nhập thấp và trung bình như hiện nay.
Theo Bộ Xây dựng, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 499 dự án NƠXH đã được triển khai với quy mô hơn 411.000 căn hộ, trong đó 71 dự án đã hoàn thành với quy mô gần 40.0000 căn.
Nhiều địa phương đã tích cực trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng NƠXH như tỉnh Bắc Ninh 15 dự án, 6.000 căn; Bắc Giang 5 dự án, 12.475 căn; Hải Phòng 7 dự án, 11.678 căn; Bình Dương 7 dự án, 6.557 căn...
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng thẳng thắn nhìn nhận việc triển khai Đề án vẫn còn rất nhiều khó khăn, tồn tại những hạn chế, vướng mắc cần phải tập trung và quyết liệt giải quyết trong thời gian tới.
Cụ thể, còn nhiều địa phương có kết quả thực hiện chậm so với kế hoạch đăng ký tại Đề án. Một số địa phương đến nay vẫn chưa có dự án NƠXH được khởi công mới.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu về NƠXH rất lớn nhưng việc đầu tư NƠXH còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025.
Cụ thể, Hà Nội 3 dự án, 1.700 căn, đáp ứng 9%; TP.HCM 7 dự án, 4.996 căn, đáp ứng 19%; hoặc một số địa phương không có dự án NƠXH khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An, Quảng Ngãi...
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp.
Nhiều địa phương chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm, chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển NƠXH trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, theo Chinhphu.vn.
Một số thành phố lớn, tập trung nhiều người lao động thu nhập thấp, có nhu cầu về NƠXH cao, tuy nhiên địa phương đăng ký NƠXH hoàn thành trong năm 2024 thấp như: Hà Nội 1.181 căn, TP.HCM 3.765 căn, Đà Nẵng 1.880 căn, Cần Thơ 1.535 căn...
"Việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp đầu tư NƠXH, nhà ở cho công nhân", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tỷ lệ giải ngân của Chương trình 120.000 tỷ đồng vẫn còn thấp là do phần lớn các dự án được công bố mới đang ở giai đoạn hoàn thiện thủ tục, bắt đầu triển khai.
Đặc biệt, nguồn cung NƠXH còn hạn chế do UBND một số tỉnh, thành phố còn chưa công bố danh mục dự án đủ điều kiện vay vốn Chương trình; một số dự án thuộc danh mục được công bố nhưng chủ đầu tư không, có nhu cầu vay vốn (do đã hoàn thành hoặc đã vay vốn từ các nguồn khác); một số dự án còn gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thủ tục tính tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất…
Theo ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chương trình 120.000 tỷ đồng được triển khai trong 10 năm (đến năm 2030) nhằm thực hiện Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH. Vì vậy, để đẩy mạnh Chương trình 120.000 tỷ đồng, cần có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH, từ đó tạo ra khối lượng hoàn thành công trình để có thể giải ngân cho vay.
Năm 2024, Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh phát triển NƠXH, nỗ lực phấn đấu hoàn thành khoảng 130 nghìn căn hộ. Bên cạnh đó, cần rà soát lại việc triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ để có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy việc tiếp cận, giải ngân gói tín dụng này.
Cần đơn giản hóa các tiêu chí xác định đối tượng được mua NƠXH
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, nhiều khó khăn, vướng mắc đã được giải quyết trong Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 vừa được Quốc hội thông qua.
Bộ Xây dựng, cùng với các bộ, ngành cần rà soát, phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ; đồng thời khẩn trương xây dựng, đưa những điểm mới trong pháp luật đất đai, nhà ở … vào cuộc sống."Công việc phải rất chi tiết, cụ thể, như xác định đối tượng được mua, thuê NƠXH, trình tự thủ tục đầu tư, tiếp cận vay vốn ưu đãi…", Phó Thủ tướng nói.
Đối với khó khăn về quỹ đất phát triển NƠXH, Phó Thủ tướng cho rằng, phải đơn giản hóa các tiêu chí xác định đối tượng được mua NƠXH, như: chưa có nhà ở trên địa bàn đang sinh sống, chưa được mua NƠXH, có việc làm thu nhập ổn định…;
Đồng thời bổ sung các doanh nghiệp trong khu công nghiệp vào đối tượng được thuê, mua NƠXH làm ký túc xá cho công nhân. Đây là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp… tham gia thống kê, đề xuất, để các địa phương tổng hợp nhu cầu nhà ở.
Từ đó, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa vào quy hoạch phát triển hệ thống đô thị và nông thôn, phục vụ nhu cầu nhà ở khi phát triển các khu công nghiệp, cơ sở giáo dục, y tế, giải phóng mặt bằng, tái định cư, xóa nhà tạm, chỉnh trang đô thị, nông thôn…
"Các khu NƠXH phải có đầy đủ hạ tầng thiết yếu về giao thông, giáo dục, y tế, văn hóa, an toàn cháy nổ… trong 'bức tranh chung' về quy hoạch đô thị, nông thôn", Phó Thủ tướng lưu ý và cho biết thêm, "Luật Đất đai năm 2024 không hạn chế sử dụng quỹ đất đã có, phù hợp với quy hoạch được cấp thẩm quyền quyết định để chuyển mục đích sử dụng sang làm NƠXH".
Đồng tình với kiến nghị cần có nguồn tài chính ổn định cho phát triển NƠXH, Phó Thủ tướng cho rằng, bên cạnh nguồn lực Nhà nước cần huy động được nguồn lực ngoài nhà nước tham gia, theo Dân trí.
Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu phương án, giải pháp tạo thuận lợi, hỗ trợ các ngân hàng triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực NƠXH theo cơ chế thị trường; cho phép doanh nghiệp thế chấp tài sản hình thành trên đất để vay vốn tín dụng; thành lập quỹ về NƠXH…
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp