23/02/2017 11:14
Người Việt mạnh tay mua sắm, du lịch
Theo báo cáo 'Chỉ số niềm tin người tiêu dùng' quý 4/2016 vừa được Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen công bố, người Việt tiết kiệm nhất thế giới nhưng cũng mạnh tay chi tiêu.
Cụ thể, có tới 76% dân số để dành tiền vào tiết kiệm tuy nhiên lại chi lớn cho nhiều khoản ngoài sinh hoạt thiết yếu khi đầu tư cho du lịch lên tới 35%, mua sắm quần áo 33%, sử dụng các dịch vụ giải trí bên ngoài 32%, mua sắm sản phẩm công nghệ mới 30% và cuối cùng là sửa chữa trang trí nhà cửa (27%).
Chi 6 tỉ USD du lịch nước ngoài
Số liệu từ Hiệp hội Lữ hành VN cho hay, mỗi năm có khoảng 5 triệu lượt khách du lịch đi nước ngoài. Ước tính du khách Việt chi tiêu cho việc du lịch nước ngoài năm 2015 khoảng 6 tỉ USD (năm 2012, con số này chỉ ở mức khoảng 3,5 tỉ USD). Trong 4 năm qua, con số này tăng lên gần gấp đôi chứng tỏ nhu cầu du lịch của người Việt tăng lên một cách đáng kể.
Du lịch có lẽ là sở thích chung của tất cả mọi người, đặc biệt với người VN khi thấm nhuần đạo lý “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Các gia đình có con nhỏ có nhu cầu đưa con đi du lịch đây đó để mở mang đầu óc, nâng cao tri thức. Gia đình nào có điều kiện còn đề ra mục tiêu mỗi năm cho con đi một đến hai chuyến nước ngoài.
Các bạn trẻ năng động, ưa khám phá thì rủ nhau thực hiện các tour du lịch nhóm, vừa tham quan vừa kết hợp vận dụng, nâng cao khả năng ngoại ngữ. Đặc biệt trong nhịp sống quá nhanh hiện nay, du lịch là lựa chọn tối ưu để con người có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Nên cũng dễ hiểu, vì sao nhiều người Việt “mạnh tay” cho loại hình dịch vụ này.
Chưa kể, việc thực hiện một tour trong nước hay xuất ngoại giờ đây hết sức đơn giản. Chỉ với một chiếc smartphone, bất kỳ ai cũng có thể chọn một chuyến du lịch phù hợp với nhu cầu của mình. Toàn bộ lịch trình, thủ tục xin cấp visa đã có các công ty du lịch lo “tận răng”.
Các công ty du lịch thì đua nhau tung ra các tour với giá cả vô cùng hấp dẫn, nhất là du lịch nước ngoài. Một tour khám phá xứ sở Chùa Vàng - Thái Lan trong 5 ngày 4 đêm, giá trọn gói chỉ vào khoảng hơn 5 triệu đồng. Những điểm đến khác hấp dẫn với người Việt như Hàn Quốc, Singapore cũng chỉ có giá dao động từ 10 - 13 triệu cho 4 ngày và 3 đêm. Nếu không thích đi theo tour, chúng ta cũng hoàn toàn có thể tự tổ chức một chuyến đi nước ngoài bởi vé máy bay giá rẻ thì ngày càng nhiều, “dễ săn” và các dịch vụ tìm khách sạn trên mạng luôn sẵn sàng phục vụ.
Việc có nhiều ngày lễ nghỉ dài cũng là một trong những nguyên nhân tác động đến nhu cầu du lịch của người Việt. Chị H. (TP.HCM) gần như dịp lễ nào cũng đưa cả nhà đi du lịch vì “nghỉ mấy ngày ở nhà biết làm gì cho hết ngày, phải kiếm chỗ mà đi cho con có chỗ chơi mà mình cũng nghỉ ngơi luôn”, chị chia sẻ.
Tín đồ shopping
Đứng ngay sau du lịch, mua sắm quần áo là khoản chi tiêu được người tiêu dùng VN “vung tay”. Thế mới hiểu vì sao Zara - thương hiệu thời trang bình dân hàng đầu thế giới đã “chinh phạt” nhiều quốc gia, nhưng chỉ khi vào VN tạo nên cơn sốt, “làm loạn” thị trường thời trang Việt với con số kỷ lục: đón khoảng 5.500 lượt khách, đạt doanh thu 5,5 tỉ đồng trong ngày khai trương đầu tiên. Nhưng không chỉ trong những ngày khai trương, Zara VN với giá cả phải chăng, mẫu mã đa dạng vẫn tiếp tục là điểm ghé thăm thường xuyên của những tín đồ shopping Việt.
Ông Rendy, quản lý thương hiệu Zara tại VN, nhận xét: “VN là một thị trường rất tiềm năng vì GDP bình quân đầu người tăng, tầng lớp trung lưu cũng đang tăng và họ luôn sẵn sàng chi tiền cho thời trang. Thông tin Hãng thời trang quốc tế H&M chuẩn bị vào VN cũng đang gây háo hức cho các tín đồ thời trang và cũng được dự đoán sẽ tạo nên cơn sốt không kém gì Zara”.
Không chỉ Zara, các hãng thời trang nổi tiếng như Mango, GAP, Marks and Spencer... lúc nào cũng tấp nập khách ra vào mặc dù giá cả không hề “mềm”. Một vị khách thường xuyên mua sắm tại Vincom chia sẻ: “Cuối tuần nào tôi cũng đưa con vào trung tâm thương mại chơi. Cứ vào là lại phải ghé qua Mango, GAP, Zara xem có gì hay ho không. Mà ghé vào rồi thì thế nào chả có đồ để mua. Zara rẻ hơn nên mỗi lần cũng mua được vài ba món, mà tuần nào cũng đi nên thành ra đồ mới có khi còn chưa động tới”.
Mua hàng trong nước chưa thỏa mãn, những người “mộ đạo” thời trang còn sẵn sàng “chơi” một chuyến máy bay sang Singapore - thiên đường mua sắm trong khu vực chỉ để shopping. Thế mới thấy độ “máu”, độ “chịu chơi” của người Việt lớn đến mức nào.
VN cũng là quốc gia cập nhật xu hướng thời trang một cách nhanh chóng và mạnh mẽ nhất. Thời trang Hàn Quốc, Thái Lan đang “làm mưa làm gió” trên thị trường VN. Hàng ngàn shop thời trang xuất hiện và hầu hết đều ăn nên làm ra.
Thêm vào đó, khách hàng ngày càng được chăm sóc tận tình. Chọn đồ qua mạng, đưa địa chỉ rồi sẽ có shipper giao hàng đến tận nhà... Không chỉ những người có thu nhập cao, giới trẻ bây giờ sẵn sàng bỏ ra số tiền không nhỏ cho việc mua sắm quần áo, giày dép. Gần đây rộ lên xu hướng “chơi giày”. Những đôi sneaker của Adidas, Nike, New Balance... đang “làm mưa làm gió” trên thị trường với số lượng tiêu thụ lớn dù giá thấp nhất cũng từ 1 - 4 triệu đồng/đôi. Thế mới có nhiều trường hợp sinh viên nhịn ăn tiết kiệm tiền mua giày, hay thậm chí là ứng tiền học để mua trước 1 đôi sneaker vì “đây là hàng giới hạn, không đặt tiền ngay là hết mất”, theo tâm sự của bạn Phương, sinh viên ở Hà Nội.
Tiết kiệm nhất thế giới nhưng cũng chịu chơi cho mua sắm thời trang, đi du lịch có lẽ cũng là nét đặc biệt của người Việt.
VN là một thị trường rất tiềm năng vì GDP bình quân đầu người tăng, tầng lớp trung lưu cũng đang tăng và họ luôn sẵn sàng chi tiền cho thời trang. Thông tin hãng thời trang quốc tế H&M chuẩn bị vào VN cũng đang gây háo hức cho các tín đồ thời trang và cũng được dự đoán sẽ tạo nên cơn sốt không kém gì Zara.
ÔngRendy,quản lý thương hiệu Zara tại VN
Advertisement
Advertisement