Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Người tiêu dùng là kẻ thua cuộc cuối cùng trong các cuộc chiến thương mại

Phân tích

12/07/2018 08:04

Thế giới đang tiến gần cuộc chiến thương mại toàn diện hơn bao giờ hết, kể từ những năm 1930, với Mỹ, Trung Quốc và EU cùng tham chiến, theo The Guardian.

Đã đến bờ vực cuộc chiến?

Một chủ đề chính trong chiến dịch bầu cử của Donald Trump trong năm 2016 là công việc của người Mỹ đã bị mất, do thương mại toàn cầu không công bằng. Hầu hết các nhà bình luận đều cho rằng điều đó thật đáng sợ, khi Trump đe dọa sẽ áp đặt thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, đồng thời đưa Mỹ ra khỏi các giao dịch thương mại đa phương.

donald-trump-759
Tổng thống Mỹ Donald Trump

Và tổng thống Mỹ đã giữ cam kết từ chiến dịch của mình. Đầu tiên, ông đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại được ký bởi người tiền nhiệm Barack Obama.

Sau đó, Donald Trump đã cho tiến hành cuộc điều tra về những hành động của Trung Quốc được cho là đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ. Vào tháng 3, ông cho biết Mỹ sẽ áp đặt thuế nhập khẩu thép và nhôm. Hành động tiếp theo chống lại Trung Quốc cũng đã được công bố.

Điều gì đang diễn ra?

Thế giới hiện đang tiến gần tới cuộc chiến thương mại toàn diện hơn bất cứ lúc nào kể từ những năm 1930, khi Đạo luật Thuế quan Smoot-Hawley của Mỹ đã thúc đẩy một hiệu ứng domino giữa các quốc gia công nghiệp hóa khác. Nhiều biện pháp bảo hộ đã được đưa ra kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu của 1 thập kỷ trước, nhưng phần lớn chúng có quy mô nhỏ.

Căng thẳng hiện tại nghiêm trọng hơn nhiều. Bởi lẽ nó liên quan tới 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) - và nó quá lớn để bỏ qua.

Giả định là Trump đang sử dụng thuế để ép Trung Quốc và EU chấp nhận những điều khoản thương mại tốt hơn cho Mỹ, đồng thời gây áp lực lên Canada và Mexico nhằm điều chỉnh Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (Nafta) theo hướng có lợi cho Washington. Nhưng không ai biết chắc chắn hành động của Mỹ sẽ làm tổn hại như thế nào đến niềm tin của các doanh nghiệp vào thời điểm tăng trưởng chậm lại.

4437
Từ nhôm và thép, cuộc xung đột với công cụ thuế quan đang lan nhanh sang các mặt hàng khác.

Theo ngân hàng ING của Hà Lan, xuất khẩu thép và nhôm sang Mỹ chỉ chiếm 0,3% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên toàn thế giới của EU và chiếm 0,05% GDP của khối.

Nhưng nếu tình hình leo thang, hậu quả có thể nghiêm trọng. Nếu Mỹ và EU đánh thuế sang các mặt hàng khác, bao gồm cả xe hơi, tác động có thể làm giảm 0,4% tăng trưởng của Mỹ và giảm 0,3% tăng trưởng của EU.

Mỹ có thâm hụt thương mại hàng hóa với EU khoảng 38 tỷ USD, với khoảng 78 tỷ USD xuất khẩu của Mỹ sang châu Âu và 116 tỷ USD đi theo hướng ngược lại. Nếu thuế suất được nâng lên 10% so với mức đề xuất, ước tính thương mại toàn cầu sẽ giảm khoảng 6%.

EU cho biết sẽ trả đũa bằng cách đánh thuế trên một loạt hàng hóa cao cấp của Mỹ, đồng thời sẽ khởi kiện Mỹ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nếu chính quyền Trump phản ứng với biện pháp đối phó của châu Âu và có hành động mới, cuộc xung đột có thể leo thang nhanh chóng.

Ai là người thua cuộc?

Người tiêu dùng thường là những kẻ thua cuộc cuối cùng trong các cuộc chiến thương mại.

Nhiều thập kỷ của toàn cầu hóa có ý nghĩa rất quan trọng đối với các nhà bán lẻ khắp nơi trên thế giới. Vì vậy, mức thuế đối với hàng nhập khẩu được nâng lên sẽ đẩy chi phí hàng hóa cao hơn đến tay người tiêu dùng. Trong khi các nhà sản xuất sẽ "né đòn" bằng cách tăng giá sản phẩm để đối phó với chi phí nguyên vật liệu cao hơn.

Việc bảo vệ ngành thép của Mỹ có thể giúp người lao động trong ngắn hạn, nhưng nếu Mỹ không thể sản xuất thép với giá rẻ như các đối thủ nước ngoài, các nhà sản xuất nước này cũng phải đối mặt với chi phí cao hơn.

Nhà sản xuất xe gắn máy Harley-Davidson đã cảnh báo rằng, thuế quan sẽ làm tăng chi phí tất cả các sản phẩm của hãng, bất kể nó được sản xuất từ ​​đâu. Mặt khác, đòn trả đũa từ EU sẽ có tác động đáng kể đến doanh thu của hãng và đến khách hàng của họ.

Harley-Davidson 2
Hãng sản xuất xe Harley-Davidson đang lo lắng vì căng thẳng thương mại Mỹ -EU gia tăng.

Cùng với xe máy, EU đã cho biết họ có thể đánh thêm thuế đối với nước cam, whisky và quần jean Levi, sẽ ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu Mỹ và đẩy chi phí nhập khẩu cao về phía người mua sắm châu Âu.

Nếu việc tăng thuế tiếp tục leo thang, Trump có thể chọn áp đặt mức thuế đối với ngành công nghiệp ô tô châu Âu - điều này sẽ ảnh hưởng nặng nề đối với đến Đức. Trong năm 2017, xuất khẩu tô từ EU sang Mỹ trị giá khoảng 32 tỷ USD - lớn hơn 5 lần tổng giá trị thép và nhôm xuất khẩu của EU.

KHÔI NGUYÊN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement