01/12/2023 17:25
Người dân Gaza quay cuồng với giá cả tăng vọt
Mất hàng tỷ USD vì phong tỏa
Khi âm thanh chiến tranh lắng xuống sau thỏa thuận ngừng bắn đầu tiên giữa Israel và Hamas kể từ ngày 7/10, các khu chợ ở Dải Gaza tràn ngập người mua sắm, người dân tranh thủ mua thực phẩm và quần áo mùa đông.
Tuy nhiên, giá thành của những sản phẩm này đã tăng vọt, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm cơ bản, gây ra sự tức giận và phẫn nộ của dân, họ đổ lỗi cho các chủ cửa hàng đã đẩy giá lên cao trong lúc khó khăn thế này.
Imm Abdullah, người đã phải di dời khỏi nhà ở khu Nassr, Gaza một tháng trước sau khi Israel ra lệnh cho người dân ở phía Bắc Gaza di chuyển về phía Nam, đã ở tại một trong những trường học do Liên hợp quốc điều hành ở Deir el-Balah cùng với những người thân duy nhất còn sót lại trong gia đình.
Cô cho biết điều kiện ở trường đã trở nên tuyệt vọng, không có nước và hầu như không có đồ dự trữ.
Imm Abdullah đã đến chợ của thị trấn để mua thực phẩm và một số quần áo ấm vì thời tiết trở lạnh. Nhưng sau khi ghé thăm nhiều quầy hàng khác nhau để tìm kiếm những sản phẩm thực phẩm cơ bản, sự bực tức của cô lại dâng trào.
Cô nói: "Tôi không tin những người buôn bán khi họ nói rằng giá cả nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Họ có thể điều tiết giá cả và quan tâm đến thực tế là chúng ta đang trải qua những thời điểm đặc biệt, chứ không phải là lợi dụng điều đó để làm giàu".
Cô liệt kê một danh sách các sản phẩm hiện có giá không thể chấp nhận được, từ nước đóng chai, trước đây có giá 2 shekel (0,5 USD), giờ là 4 hoặc 5 shekel (0,8 - 1 USD). Một hộp trứng có giá 45 shekel (12 USD). Một kg muối trước đây có giá 1 shekel giờ là 12 shekel (3,2 USD), trong khi đường là 25 shekel (6,7 USD).
"Thật không công bằng", Imm Abdullah nói. "Tôi không thể chịu đựng được nữa và có những ngày tôi chỉ biết khóc vì không biết làm cách nào để nuôi sống gia đình mình".
Theo Cục Thống kê Trung ương Palestine, tỷ lệ nghèo đói ở Dải Gaza đã lên tới 53%, với 1/3 (33,7%) cư dân Gaza sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khổ. Khoảng 64% hộ gia đình ở Gaza không có đủ lương thực và tỷ lệ thất nghiệp ở mức 47% - một trong những tỷ lệ cao nhất trên thế giới.
Theo Elhasan Bakr, một nhà phân tích kinh tế có trụ sở tại Gaza, sự biến dạng về giá đã dẫn đến lạm phát từ 300 đến 2.000% đối với nhiều sản phẩm khác nhau.
Ngay cả trước ngày 7/10, lệnh phong tỏa kéo dài 17 năm của Israel đối với vùng đất ven biển đã khiến nền kinh tế Palestine thiệt hại 35 tỷ USD.
Bakr nói với Al Jazeera: "Hành động gây hấn mới nhất của Israel là một chiếc đinh khác đóng vào quan tài của nền kinh tế Gaza. Thiệt hại trực tiếp cho khu vực tư nhân đã vượt quá 3 tỷ USD, trong khi thiệt hại gián tiếp là hơn 1,5 tỷ USD".
"Ngành nông nghiệp đã thiệt hại trực tiếp 300 triệu USD, do việc nhổ bỏ và san phẳng các cây ăn trái trên vùng đất nông nghiệp ở phía Bắc và phía Đông gần hàng rào Israel, có nghĩa là hiện giờ người nông dân không có gì để thu hoạch cả", Bakr giải thích.
Chúng ta đang nói về sự tê liệt hoàn toàn của hoạt động kinh tế ở Gaza. Có 65.000 cơ sở kinh tế - từ nông nghiệp đến công nghiệp dịch vụ trong khu vực tư nhân đã bị phá hủy hoặc ngừng hoạt động vì chiến tranh. Điều này đã dẫn đến tình trạng mất việc làm rất lớn, từ đó dẫn đến tình trạng thiếu an ninh lương thực hoàn toàn.
Hơn nữa, số lượng viện trợ nhỏ được Israel cho phép vào Gaza không đủ để đáp ứng nhu cầu của gần 1 triệu người phải di dời ở lại các trường học của Liên hợp quốc, dù chỉ một ngày.
Bakr cho biết: "Từ ngày 22/10 đến ngày 12/11, trong 20 ngày đó có ít hơn 1.100 xe tải vào Dải Gaza, chưa tới 400 chiếc xe tải này chở thực phẩm. Số lượng đó chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu lương thực của Gaza. Điều này vẫn chưa đủ, đặc biệt là khi bạn xem xét thực tế rằng, trước ngày 7/10, ít nhất 500 xe tải đã từng đi vào dải đất này hàng ngày", anh nhấn mạnh và nói thêm Dải Gaza sẽ cần 1.000 đến 1.500 xe tải mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu của dân số 2,3 triệu người.
Mức giá không tưởng
Tại chợ Deir el-Balah, Mohammed Yasser Abu Amra đứng trước những túi gia vị và ngũ cốc mà anh bán mỗi ngày trong thời gian ngừng bắn kéo dài. "Chiến tranh đã ảnh hưởng đến mọi thứ, từ chi phí vận chuyển đến vật tư, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng giá để hòa vốn", chàng trai 28 tuổi nói.
Lý do chính khiến giá tăng là do việc đóng cửa các cửa khẩu biên giới, dẫn đến việc các thương nhân bán sản phẩm cho các chủ cửa hàng với giá cao hơn nhiều.
Abu Amra cho biết: "Trước đây đậu lăng có giá 2 shekel (0,5 USD) mỗi kg và chúng tôi sẽ bán nó với giá 3 shekel (0,8 USD). Bây giờ giá chúng tôi mua vào đã là 8 shekel (2 USD) và bán nó với giá 10 shekel (2,6 USD)".
Ông nói thêm, một bao đậu fava trước đây có giá 70 shekel (18 USD) và hiện có giá 150 shekel (40 USD), trong khi trước đây một bao bột ngô có giá 90 shekel (19 USD) nhưng hiện tại là 120 shekel (32 USD).
Những người dân đến mua hàng vừa thất vọng vừa bực tức, họ cho rằng mức giá này thật điên rồ.
"Nếu bạn có đến 1.000 shekel (270 USD), bạn chỉ có thể mua được một số ít thực phẩm. Một kg khoai tây bây giờ có giá 25 shekel (6,7 USD), trước đây là 5 shekel (1,7 USD)/3kg", những người dân lắc đầu khi không thể mua được gì với số tiền ít ỏi còn lại.
Giá chợ đen chiếm lĩnh
"Một bộ đồ thể thao từng được bán với giá từ 20 - 25 shekel (5,3 - 6,7 USD) nhưng giờ giá nhập hàng đã lên đến 45 shekel (12 USD). Chúng tôi không muốn tăng giá nhiều đến vậy trong lúc rối ren này, nhưng chính những thương buôn cũng đã cạn kiệt hàng hóa".
Giá thực phẩm tăng rõ rệt hơn là quần áo, nhưng nhu cầu về quần áo cũng cao do những người di dời cố gắng mua quần áo ấm khi mùa đông sắp đến. Họ buộc phải rời bỏ nhà cửa ở phía Bắc Gaza mà không mang theo tài sản.
Những người bán hàng cho biết mức giá không chính thức sẽ còn tồn tại trong thời gian dài vì quy mô tàn phá ở Gaza quá lớn và nhu cầu về sản phẩm vẫn không có dấu hiệu giảm bớt.
"Sẽ phải mất một thời gian nữa mới có được giải pháp. Ngay cả khi có nhiều sản phẩm hơn vào Dải Gaza, không có gì có thể ngăn cản một thương gia bán sản phẩm với mức giá mà anh ta đặt ra, đặc biệt là khi phía Bắc Gaza bị cắt đứt khỏi phần còn lại của dải đất", Ali Abulnaja, một thanh niên bán quần áo cho hay.
Nhà phân tích kinh tế Elhasan Bakr cho biết, còn có vấn đề đền bù cho các doanh nghiệp. Ông chỉ ra thực tế là sau các cuộc chiến tranh trước đây của Israel ở vùng đất này, viện trợ của các nhà tài trợ đã tập trung vào việc xây dựng lại các đơn vị nhà ở, thay vì hỗ trợ nền kinh tế.
Theo ước tính của Liên hợp quốc, bốn cuộc tấn công gần đây nhất của Israel vào Dải Gaza từ năm 2009 đến năm 2021 đã gây ra thiệt hại ước tính khoảng 5 tỷ USD, nhưng không có thiệt hại nào trong các cuộc chiến năm 2014 và 2021 được khắc phục.
Bakr nói: "Chúng ta đang nói về sự tàn phá của cơ sở hạ tầng cơ bản mà sẽ cần nhiều tháng để xây dựng lại, từ đường sá, tháp truyền thông đến lắp đặt điện và mở rộng điều kiện vệ sinh".
Nhưng cho đến lúc đó, nền kinh tế Palestine sẽ không thể phục hồi trừ khi có nỗ lực viện trợ to lớn của quốc tế, đồng thời mức độ nghèo đói và thất nghiệp sẽ đạt mức cao kỷ lục mới.
"Gaza ở giai đoạn hiện tại là không thể sống được. Chúng ta cần tối thiểu 5 năm để quay lại vị trí trước khi chiến tranh bắt đầu", Bakr nói và cho biết thêm rằng hơn 300.000 người đã mất nhà cửa.
(Nguồn: Al Jazeera)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement