Người dân Afghanishtan đang sống như thế nào sau một năm Taliban trở lại nắm quyền?
12/08/2022 13:30
Taliban tiếp quản Kabul một cách nhanh chóng vào tháng 8 năm ngoái và điều này đã khiến cộng đồng quốc tế bất ngờ cảm thấy không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cắt đứt viện trợ cho quốc gia này, thứ mà đất nước Afghanishtan phụ thuộc gần như hoàn toàn trong hàng thập kỷ qua.
Salma, bảy tuổi, đứng trước cửa sổ của ngôi nhà nằm trong một khu ổ chuột ở phía đông thành phố Khost. Ảnh: Ingebjorg Karstad/NRC
Trong một năm qua, Afghanishtan đã chịu đựng hàng loạt biện pháp cấm vận nghiêm ngặt của quốc tế, trong đó có việc thu hồi hỗ trợ phát triển và những hạn chế được áp dụng đối với hệ thống tài chính.
Khủng hoảng thanh khoản, tình trạng thiếu tiền mặt, sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng và các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến hàng triệu người phải chuyển các khu định cư tạm bợ để mong kiếm được cuộc sống tốt hơn.
Một số lượng lớn người Afghanistan không thể tiếp cận được các khoản tiền lương hoặc tiền tiết kiệm, trong khi chi phí sinh hoạt tăng lên và cơ hội việc làm khan hiếm đã khiến họ rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.
Hầu hết mọi người không có gì để chi tiêu và nhu cầu hàng hóa cơ bản ngày càng giảm đã buộc các doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa. Dưới bóng đen của cuộc chiến Ukraina, giá lương thực và các sản phẩm thiết yếu đã tăng chóng mặt, khiến dân cư thuộc các cộng đồng người nghèo khó không thể tiếp cận được.
Có khoảng 2,5 triệu người sống trong các khu ổ chuột của Afghanistan. Đối với họ và hàng triệu người khác trên khắp đất nước, sinh tồn là một cuộc đấu tranh và là một cái giá họ phải trả cho nền hòa bình mong manh này.
Hình vẽ lá cờ Afghanistan bị xé rách được tìm thấy tại một trong những khu ổ chuột ở Kabul. Sau nhiều thập kỷ được đánh dấu bởi sự can thiệp của nước ngoài, tương lai của Afghanistan ảm đạm và không chắc chắn. Sự sụp đổ kinh tế gần đây và sự cô lập chính trị do Taliban lãnh đạo đã khiến cho tình trạng nghèo đó tăng cao. Các nhân viên nhân đạo đang nỗ lực để ngăn chặn thảm họa. Ảnh: Ingebjorg Karstad/NRC
Sayed ngồi trên chiếc xe cút kít trước cửa nhà tại một khu định cư ở Khost. Anh từng đi làm thuê trên các công trường xây dựng hoặc ở các chợ tại quê nhà. "Kể từ khi Taliban tiếp quản, không ai trong chúng tôi có thể tìm được một công việc thích hợp. Khi xoay sở để tìm một công việc kiếm ra tiền, chúng tôi lập tức sử dụng số tiền đó để mua thức ăn trong ngày", anh nói. Những người lao động trước đây kiếm được tới 6 USD mỗi ngày, bây giờ về nhà với 70 xu, nếu họ may mắn. Ảnh: Ingebjorg Karstad/NRC
Một người đàn ông mua bánh mì từ một tiệm bánh ở Khost. Ở Afghanistan, bánh mì đồng nghĩa với sự tồn tại và 60 xu bánh mì chỉ đủ để nuôi một gia đình nhỏ. Nhiều hộ gia đình, chỉ kiếm được ít hơn 1 USD/ngày, đã phải giảm đáng kể lượng thức ăn trong năm qua. Bữa ăn của họ đôi khi chỉ có bánh mì và trà. Một số tiệm bánh đang tổ chức quyên góp từ thiện, phát bánh mì miễn phí vào tối thứ Năm. Họ cũng buộc phải trả lương cho nhân viên bằng bánh mì do khan hiếm tiền mặt trong nước. Ảnh: Ingebjorg Karstad/NRC
Kokogul đứng trong căn lều của mình tại một khu ổ chuột ở Kabul, nhớ lại trận lụt gần đây khiến cô mất tất cả mọi thứ. Lần đầu tiên cô rời quê hương ở tỉnh Nangahar đển đến Pakistan cách đây nhiều thập kỷ, chạy trốn khỏi cuộc xâm lược của Liên Xô. Năm 2013, gia đình cô bị trục xuất khỏi Pakistan, nơi họ đang ẩn náu. Gia đình Kokogul định cư trong một căn nhà tạm bợ ở Kabul nhưng đã mất sạch mọi thứ trong trận lũ lụt chỉ một năm sau đó: "Khi lũ về, nước rất nhiều, nó bất ngờ ập vào tất cả các khu trú ẩn và tôi bị cuốn trôi. Tôi đang ôm đứa con trai nhỏ của tôi. Họ kéo tôi lên khỏi mặt nước với đứa bé trên tay". Ảnh: Ingebjorg Karstad/NRC
Một người đàn ông đi quanh khu ổ chuột bị phá bỏ ở Kabul. Có tới nửa triệu gia đình ở Afghanistan trong các khu ổ chuột đô thị hiện đang phải đối mặt với tình trạng vô gia cư, sau áp lực ngày càng tăng từ chính quyền trong việc đưa những người di cư trong nước về nơi sinh sống của họ. Nhưng nhiều tỉnh trong số này đã bị lãng quên và không chuẩn bị cho một lượng lớn người dân quay trở lại. Việc phá dỡ các ngôi nhà tạm đã bắt đầu ở Kabul, và các khu vực ở phía Tây đất nước đang bị đe dọa di dời, tạo ra mối lo ngại nghiêm trọng về những làn sóng di cư mới có thể xảy ra. Ảnh: Ingebjorg Karstad/NRC
Đồ đạc của một gia đình Afghanistan được bày bán trong khu ổ chuột Kabul. Các gia đình mất nhà cửa đã sử dụng hết số tiền tiết kiệm của họ và hiện đang bán tất cả những gì họ còn lại chỉ để có được lương thực. "Có bất kỳ khoản tiết kiệm nào chúng tôi đều đã sử dụng hết kể từ khi Taliban tiếp quản. Không có gì còn lại cho chúng tôi. Chúng tôi cũng phải bán một số đồ đạc trong nhà". Ảnh: Ingebjorg Karstad/NRC
Jan Mohammed ngồi trong lều của mình ở Kabul. Khi bị chấn thương nặng trong quá trình làm việc cách đây 5 năm, anh đã bán tài sản của mình và cùng gia đình chuyển đến một trại tị nạn để tìm kiếm sự chăm sóc y tế. Anh vẫn không thể làm việc nhưng cần phải uống thuốc hàng ngày. Ảnh: Ingebjorg Karstad/NRC
Vợ của Jan Mohammed, Belqis, (phải) và con gái Zubaida là những người làm nghề dọn dẹp và là trụ cột chính trong gia đình. Nếu may mắn tìm được việc làm ở Kabul, họ có thể kiếm được 1 USD mỗi ngày. Có khi họ được trả bằng gạo hoặc bột mì. Có những tháng, họ phải vật lộn để trả tiền thuê lều. Đầu năm ngoái, Zubaida đã nhập học tại trường, nhưng chỉ sau 10 ngày, cha mẹ đã yêu cầu cô bỏ học để có thể bắt đầu hỗ trợ gia đình. Ảnh: Ingebjorg Karstad/NRC
Một vài củ khoai tây, hành tây, ớt, tép tỏi và một ít bột mì, tất cả những thứ mà gia đình Afghanistan dự trữ để sống qua ngày. "Vợ chồng tôi chỉ ăn một bữa trong ngày, chúng tôi đảm bảo cho các con ăn hai bữa một ngày. Tình trạng này diễn ra từ tháng 8 năm ngoái. Bạn sẽ làm gì nếu bạn là một bậc cha mẹ đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực? Bạn ăn hay nhịn đói để đảm bảo cho các con bạn no bụng?" Jan hỏi. Ảnh: Ingebjorg Karstad/NRC
Jan Mohammed nói về bàn chân bị thương của mình. "Các loại thuốc tôi đang dùng quan trọng hơn thức ăn của chính tôi. Chúng tôi có nhà và đất ở Jalalabad, nhưng tôi phải bán tất cả để có tiền phẫu thuật và chăm sóc y tế. Nếu tôi không dùng thuốc, tôi sẽ mất bàn chân của mình", anh nói. Ảnh: Ingebjorg Karstad/NRC
Một chiếc vé đảm bảo một chỗ đợi rút tiền mặt của Ngân hàng Azizi. Sự sụp đổ của ngành ngân hàng đã khiến nhiều người Afghanistan không thể rút được tiền. Hàng ngày, Ngân hàng Azizi đối mặt với những người xếp hàng dài trước tòa nhà từ sáng sớm. Đám đông được quản lý thông qua một hệ thống bán vé, để đảm bảo mọi người giữ vị trí của họ trong hàng. Các hạn chế quốc tế đã ngăn ngân hàng trung ương Afghanistan sử dụng các quỹ nước ngoài, dẫn đến lượng tiền mặt trong nước bị hạn chế, buộc các ngân hàng phải đưa ra giới hạn rút tiền hàng tuần. Ảnh: Ingebjorg Karstad/NRC
Một quầy bán đồ ăn vắng vẻ trên đường phố Khost. Sự sụp đổ kinh tế của Afghanistan và tác động của các lệnh trừng phạt quốc tế đã đặt ra một loạt thách thức lớn đối với các doanh nghiệp địa phương, vốn đang đóng băng giữa bối cảnh người dân không có khả năng mua hàng hóa. Ảnh: Ingebjorg Karstad/NRC
Rasool Mohammed với chiếc điện thoại của mình trong khu ổ chuột ở Khost. Triển vọng kinh tế kém của Afghanistan để lại rất ít hy vọng cho giới trẻ. Chàng trai trẻ đã phải vật lộn để tìm việc làm ở Khost, nơi gia đình anh định cư cách đây 20 năm sau khi trở về từ Pakistan. Rasool đã cố gắng đến châu Âu nhiều lần thông qua Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Hai người bạn của anh đã chết khi cố gắng vượt qua những con đường nguy hiểm. "Tình hình công việc mỗi ngày một xấu đi. Bây giờ, tôi không tin vào tương lai". Ảnh: Ingebjorg Karstad/NRC
(Nguồn: Al Jazeera)
Tin liên quan
Advertisement