31/03/2020 18:41
Ngưng xuất khẩu gạo, nông dân sẽ thiệt thòi
Đó là nhận định của GS Võ Tòng Xuân trước kiến nghị của Bộ Công Thương với Thủ tướng cho phép doanh nghiệp được tiếp tục xuất khẩu gạo.
Việt Nam sẽ không thiếu gạo
GS Võ Tòng Xuân đánh giá cao hành động của Bộ Công Thương, đã kịp thời nắm bắt thông tin, hiểu rõ tình hình lương thực trong nước và có những đề nghị kịp thời có lợi cho người nông dân.
Theo GS Võ Tòng Xuân, vấn đề an ninh lương thực là vô cùng quan trọng đối với đất nước, nhưng Việt Nam đã giải quyết rất tốt vấn đề này, không một đất nước nào trong khu vực có thể làm tốt như chúng ta. Kể cả khi chúng ta gặp các vấn đề hạn mặn thì cứ ba tháng rưỡi lại có một vụ lúa mới.
Nông nghiệp Việt Nam đặc biệt là canh tác cây lúa rất khác với các nước trong khu vực ở chỗ là khoa học, công nghệ trồng lúa luôn bám sát với vấn đề của người nông dân và luôn có những giải pháp kịp thời, nên không cần lo ngại về hạn mặn.
Cây lúa Việt Nam trồng ở những vùng có nước, tức là ở đầu nguồn sông Cửu Long gần phía Bắc tỉnh Đồng Tháp, phía Bắc tỉnh Long An và An Giang, những vùng này không bao giờ bị nhiễm mặn hay bị hạn; chưa kể hệ thống kênh hồ chứa nước của chúng ta rất nhiều và hoạt động hiệu quả, nước từ sông Cửu Long chảy xuống sẽ tập trung tại đây nên không lo bị mặn, bị hạn.
Việc ngưng xuất khẩu gạo sẽ khá thiệt thòi cho người nông dân, vì đây là cơ hội chúng ta có thể bán gạo giá cao, nếu chúng ta ngưng xuất khẩu thì những nước đang thiếu gạo họ sẽ mua ở nơi khác như Thái Lan, Ấn Độ... Lúc đó chúng ta sẽ mất thị trường.
GS Võ Tòng Xuân nhận định, ngưng xuất khẩu gạo sẽ thiệt thòi cho nông dân. |
Bộ Công Thương đề xuất tiếp tục xuất khẩu lúa gạo là sáng suốt vì Việt Nam càng chờ đợi thì sẽ mất thị trường. Mình cứ lo dịch bệnh COVID-19 sẽ thiếu lương thực trong khi vấn đề an ninh lương thực Việt Nam đã giải quyết rất tốt. Gạo Việt Nam không bao giờ thiếu, vì cứ ba tháng rưỡi là có một vụ mùa mới, chưa kể vụ đông xuân chúng ta rất trúng mùa, lúa gạo Việt Nam sẽ tiếp tục luân phiên sản xuất mà không có sự gián đoạn ở đây.
Xuất khẩu lúa gạo đang có giá cao, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, họ hoàn toàn không trồng được lúa như Việt Nam và hiện tại họ cần một lượng lớn lương thực nên đây là cơ hội của Việt Nam. GS Xuân lấy ví dụ sau khi có lệnh ngưng xuất khẩu gạo thì 2 ngày sau lúa gạo rớt giá, người chịu khổ sẽ là nông dân. Người nông dân trồng lúa vất vả bao nhiêu năm nay toàn bán giá rẻ nhưng với nhu cầu lương thực tăng cao trên thế giới hiện nay thì đây là cơ hội nên mừng cho người nông dân.
GS Xuân cũng chia sẻ thêm dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến thế nào thì Việt Nam vẫn không thiếu gạo, có thể thị trường gạo trong nước sẽ dao động nhẹ nhưng giá sẽ không tăng cao.
Hạn mặn không tác động nhiều đến sản lượng lúa
Theo Bộ công Thương trong nước còn dư đến 6,5-6,7 triệu tấn gạo. Bộ cũng đã có buổi làm việc với đại diện các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và 20 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất Việt Nam về tình hình sản xuất, lượng gạo dự trữ của các doanh nghiệp cũng như tình hình cung ứng lương thực trong bối cảnh hạn mặn kéo dài.
Kết quả cho thấy, dự báo các vụ lúa năm 2020 sẽ cho thu hoạch ước đạt 43,5 triệu tấn thóc. Trong đó vụ đông xuân sản lượng ước đạt 20,2 triệu tấn thóc, sản lượng vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 10,8 triệu tấn.
Về tác động của hạn mặn, theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, diện tích lúa vụ đông xuân bị thiệt hại năm 2020 không đáng kể. Bên cạnh đó, vụ đông xuân được mùa, năng suất bình quân gần 7 tấn/ha nên bù đắp được tác động do hạn mặn gây ra. Sản lượng thóc gạo tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến tương đương năm 2019.
Dự báo các vụ lúa năm 2020 sẽ cho thu hoạch ước đạt 43,5 triệu tấn thóc. |
Dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước năm 2020 đã bao gồm dự trữ là 29,96 triệu tấn thóc. Cụ thể, tiêu thụ của người dân là 14,26 triệu tấn; phục vụ chế biến là 7,5 triệu tấn; phục vụ chăn nuôi 3,4 triệu tấn; dùng làm giống và giống dự phòng 1 triệu tấn; dự trữ trong nước 3,8 triệu tấn.
Như vậy, lượng thóc còn dư để xuất khẩu khoảng 13,5 triệu tấn thóc, tương đương 6,5 – 6,7 triệu tấn gạo. Báo cáo của Bộ Công Thương nhấn mạnh các số liệu cơ bản khớp với thống kê của Bộ NN-PTNT và số liệu xuất khẩu cũng khớp số liệu do Tổng cục Hải quan cung cấp.
Ngoài ra, tổng số lượng các hợp đồng đã ký của các doanh nghiệp nhưng chưa giao hàng là gần 1,67 triệu tấn gạo. Lượng gạo hiện có trong kho của các doanh nghiệp là hơn 1,7 triệu tấn gạo và 144.000 tấn thóc (tương đương 75.000 tấn gạo). Như vậy, nếu chỉ tính các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nếu tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo không ký mới các hợp đồng xuất khẩu gạo của Thủ tướng, lượng gạo tính tới thời điểm ngày 31/5/2020 vào khoảng 266.000 tấn.
Trong báo cáo, Bộ Công thương cũng cho hay, Tổng cục Dự trữ nhà nước đang mua vào 300.000 tấn gạo và sẽ giữ lại thêm 400.000 tấn gạo để dự phòng. Như vậy, lượng gạo xuất khẩu giữ lại cho nhu cầu trong nước trong hai tháng 4 và 5 đạt 700.000 tấn. Lượng gạo xuất khẩu dự kiến trong hai tháng tới vào khoảng 800.000 tấn, trước mắt trong tháng 4 cho phép xuất khẩu 400.000 tấn. Vào tuần cuối cùng tháng 4, căn cứ diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu gạo tháng 5.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề nghị 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất phải ký thoả thuận với ít nhất một hệ thống siêu thị về bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu. Nếu xuất khẩu gạo không thực hiện thoả thuận, Bộ sẽ thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã cấp.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement